Phần tử diều hâu đang thắng thế trong chính sách quân sự Trung Quốc?

28/07/2012 08:08
(Tổng hợp)
(GDVN) - Nhiều chuyên gia quốc tế, gồm cả học giả Trung Quốc, cho rằng nước này sẽ hối tiếc nếu để các phần tử cứng rắn chi phối hành động trên biển.
Trả lời phỏng vấn báo Thanh niên, nhiều chuyên gia quốc tế, gồm cả học giả Trung Quốc, cho rằng nước này sẽ hối tiếc nếu để các phần tử cứng rắn chi phối hành động trên biển. Các học giả cho rằng tiếng nói của các phần tử diều hâu đang có trọng lượng đáng kể trong việc hoạch định chính sách ngoại giao và quân sự của Trung Quốc và tình hình này có thể tiếp diễn theo chiều hướng xấu hơn.

Tàu chiến Trung Quốc trong một đợt diễn tập ở biển Đông - Ảnh: Timawa.net
Tàu chiến Trung Quốc trong một đợt diễn tập ở biển Đông - Ảnh: Timawa.net


Bắc Kinh hoàn toàn không đồng cảm với nước láng giềng
Trả lời câu hỏi: "Việc Trung Quốc đưa quân đồn trú ở cái gọi là "TP.Tam Sa" có phải là bằng chứng cho thấy phần tử cứng rắn đang thắng thế trong chính sách quân sự của nước này? Ảnh hưởng của việc này như thế nào?", Tiến sĩ Daniel Lynch, Trường Quan hệ Quốc tế, Đại học Nam California (Mỹ) cho rằng: Đúng là tư tưởng “diều hâu” đang thắng thế. Hãy nhìn vào tờ Hoàn Cầu thời báo, nó đang trở thành diễn đàn cho những ai kêu gọi cần có nhiều động thái quân sự hơn nữa. Cái khó là không thể biết được có nhiều người trong nước thể hiện sự bất đồng với chính sách hiện nay của Trung Quốc hay không.

Có thể bạn quan tâm
> Tra cứu ĐIỂM THI ĐH-CĐ 2012 nhanh, chính xác nhất
> Tìm hiểu đất nước Ireland, cơ hội nhận quà cực lớn
> Cả xã hội quan tâm: Tình hình biển Đông 

Nói về yêu sách “đường lưỡi bò” vốn chưa bao giờ được thế giới thừa nhận, bà Tôn Vân (nguyên là chuyên gia Trung Quốc thuộc Nhóm khủng hoảng quốc tế tại Bắc Kinh): Mặc dù có nhiều chuyên gia Trung Quốc hoài nghi và phủ nhận tính xác thực của đường lưỡi bò, nhưng họ e ngại lên tiếng vì ngay lập tức sẽ bị các phần tử cứng rắn và ngay cả dư luận Trung Quốc liệt vào hàng “phản bội”. Dư luận Trung Quốc bị dẫn dắt theo hướng chính Philippines và Việt Nam mới là các bên “gây hấn và thách thức” các quan điểm đã xác lập của Bắc Kinh. Để chứng tỏ mình luôn trong thế có thể bảo vệ cái gọi là chủ quyền, chính phủ buộc phải tiếp tục mập mờ về “đường lưỡi bò” dựa trên “quyền lịch sử”.

Trước vấn đề, dường như trong việc các phần tử cứng rắn thúc đẩy tham vọng bá quyền có cả những nguyên nhân cay đắng xuất phát từ lịch sử, TS James Holmes (Trường Chiến tranh Hải quân, Mỹ) đánh giá: "Tôi đồng ý Trung Quốc từng có những thời khắc ê chề trong quá khứ khi bị xâm chiếm và đô hộ. Tuy nhiên, nên nhớ ngay cả Việt Nam hay Philippines cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Theo lẽ thường, người Trung Quốc sẽ hiểu được cảm giác bị hà hiếp. Nhưng tôi ngạc nhiên là Bắc Kinh hoàn toàn không đồng cảm với các nước láng giềng của mình.
Lịch sử đã dạy cho nước Mỹ một bài học. Thời điểm 1910 -1930, Mỹ cũng từng rất thích can thiệp vào các nước Mỹ La tinh nhưng ngay cả trong những thời khắc tồi tệ nhất, Washington cũng chưa bao giờ tuyên bố chủ quyền hay rắp tâm chiếm đảo của ai cả. Vậy mà tới bây giờ, quan hệ đôi bên vẫn còn trục trặc. Những gì Trung Quốc đang làm không khác gì Mỹ ngày xưa, thậm chí ở mức độ trầm trọng hơn. Và do vậy, những gì họ nhận được chắc chắn sẽ phải ê chề hơn cho dù điều đó không xảy ra trong tương lai gần đi chăng nữa. Ít ra, đó không phải là điềm báo tốt lành cho chính sách ngoại giao của nước này về lâu dài".

Trong một diễn biến khác, ngày 26/7, tờ Nhân dân nhật báo của Trung Quốc đã cho đăng tải một bài xã luận vừa mang tính bao biện cho các hành động gây hấn của nước này trên Biển Đông, vừa mang tính dọa nạt các quốc gia có liên quan.
Bài xã luận với tiêu đề “Trung Quốc có niềm tin trong vấn đề Biển Đông” khẳng định việc nước này thành lập cái gọi là thành phố Tam Sa, tỉnh Hải Nam với phạm vi quản lý bao trùm cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam là chuyện…nội bộ! Không những bao biện cho hành động đi ngược lại luật pháp quốc tế, Trung Quốc còn nhấn mạnh tới cái gọi là ý chí bảo vệ lợi ích cốt lõi của nước này, coi đó là điều không dễ bị thách thức.

Báo này coi đó là sự điều chỉnh đơn vị quản lý hành chính hiện hành của Chính phủ Trung Quốc, hoàn toàn là công việc thuộc phạm vi chủ quyền của Trung Quốc. Cách làm này không đi ngược lại nghĩa vụ quốc tế, cũng không xâm phạm chủ quyền, lợi ích của nước khác.
Lời giải thích ngang ngược của Trung Quốc tiếp tục "làm dậy sóng" dư luận quốc tế. Theo Thượng nghị sĩ Mỹ Jim Webb, hành động của Trung Quốc là vi phạm luật quốc tế và đi ngược lại tuyên bố của chính Bắc Kinh rằng họ sẵn sàng làm việc với ASEAN để đạt một Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Ông Jim Webb khẳng định động thái của Trung Quốc rất đáng lo ngại và hối thúc Bộ Ngoại giao Mỹ phải ngay lập tức làm rõ các hành động của Trung Quốc để báo cáo lại với Quốc hội Mỹ.
Ông Jim Webb chính là người bảo trợ một nghị quyết lên án Trung Quốc dùng vũ lực ở Biển Đông và kêu gọi giải pháp đa phương cho vấn đề. Nghị quyết đã được Thượng viện Mỹ thông qua hồi giữa năm ngoái.
Trong khi đó, Tiến sĩ Michael Wesley thuộc Viện Lowy của Australia đề xuất Chính phủ Australia nên làm nhiều hơn nữa để giúp giảm thiểu những căng thẳng ở Biển Ðông.
Trong số những chỉ trích Trung Quốc mạnh mẽ nhất của giới học giả quốc tế thời gian qua phải kể đến những bình luận của Giáo sư người Singapore Kishore Mahbubani. Ông là người đứng đầu Trường Chính sách công mang tên Lý Quang Diệu của Singapore.

Trong bài bình luận được công bố hôm 26/7, ông phê phán Trung Quốc đã bắt đầu có những sai lầm nghiêm trọng. Vị Giáo sư này nhận định: “Sau 30 năm khôn khéo về địa chính trị, người Trung Quốc dường như đang trên đà để mất sự khôn khéo đó đúng vào lúc họ cần nó nhất”.
Theo phân tích của Giáo sư Kishore Mahbubani, Trung Quốc có hai sai lầm chính trong vấn đề Biển Đông thời gian qua. Sai lầm đầu tiên chính là yêu sách “đường lười bò” của Trung Quốc.

Việc Bắc Kinh ngày 7/5/2009 giửi Công hàm kèm bản đồ yêu sách đường 9 đoạn lên Liên hợp quốc là hành động không khôn ngoan. Hành động này đã khiến Trung Quốc không còn lối thoát vì không thể biện hộ cho “đường lưỡi bò” theo luật pháp quốc tế.
"Tàu TQ ảnh hưởng môi trường nước ở Biển Đông”

Theo một diễn biến khác, Thông tấn xã Việt Nam đưa tin, ngày 27/7, Thị trưởng thành phố tự trị Kalayaan của Philippines Eugenio Bito-onon, người có thẩm quyền đối với một số hòn đảo và bãi cỏ rong trên quần đảo Trường Sa đang tranh chấp trên Biển Đông cho biết các tàu của Trung Quốc đang đánh bắt san hô ở khu vực này, làm ảnh hưởng tới môi trường biển và an ninh lương thực cũng như cuộc sống của cư dân trên đảo.
Thị trưởng Eugenio cho biết thêm các tàu của Trung Quốc đã bắt đầu hoạt động ở khu vực xung quanh quanh đảo Pagasa (Thị Tứ) từ tuần tước. 
Khoảng 60 công dân Philippines và hơn 20 nhân viên thuộc quân đội, cảnh sát và lực lượng bảo vệ bờ biển nước này đang ở trên đảo Thị Tứ, khu vực mà Bắc Kinh cũng tuyên bố chủ quyền.
Trả lời hãng tin Kyodo qua điện thoại, Thị trưởng Eugenio nói: "Chúng tôi có thể bỏ qua nếu họ chỉ đánh bắt cá. Nhưng chúng tôi thấy họ đang chở san hô trên các tàu của mình. Đương nhiên điều này phải được cảnh báo vì nó đang đe dọa tới an ninh lương thực và đời sống của người dân."
Theo Thị trưởng Eugenio, có chín tàu của Trung Quốc đang neo đậu cách đảo Thị Tứ khoảng 5 km từ tuần trước và ba tàu khác cũng đã có mặt ở khu vực này sáng 26/7. Ngoài ra còn có thêm một số xuồng khác

Cùm lớn quàng vào cổ Trung Quốc

Trong bài bình luận đăng trên báo Strait Times ngày 27.7, Hiệu trưởng Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore) là Giáo sư Kishore Mahbubani nhấn mạnh: “Đường lưỡi bò mà Trung Quốc vẽ ra bao trùm biển Đông có thể chẳng chứng minh được gì mà chỉ mang cùm vào cổ nước này”. Ông còn cảnh báo trong thời gian qua, Bắc Kinh đã phạm nhiều sai lầm nghiêm trọng khiến tình hình khu vực căng thẳng.

Trong giới học giả Trung Quốc thì có ông Lý Lệnh Hoa - chuyên viên của Trung tâm thông tin hải dương - suốt thời gian qua đã nỗ lực phản đối mọi thông tin tuyên truyền lệch lạc của nước này đối với vấn đề biển Đông. Mới đây, ông tổ chức buổi giao lưu trực tuyến trên mạng xã hội Sina Weibo, trong đó tiếp tục khẳng định đường lưỡi bò hoàn toàn không có căn cứ và không được nước nào thừa nhận. Ông này cũng nhận định rằng giáo trình và truyền thông nước này đã khiến dân chúng hiểu sai về chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông. Đúng như nhận định ở trên của bà Tôn Vân, học giả Lý đang bị nhiều phần tử quá khích Trung Quốc gọi là “kẻ bán nước”.

Văn Khoa-Ngọc Bi/Thanh niên

(Tổng hợp)