Trung Quốc sẽ gây chuyện tại Biển Đông sau chiến thuật "cây gậy nhỏ"?

28/07/2012 15:28
Tổng hợp
(GDVN) - Giáo sư James Holmes thuộc Trường Chiến tranh hải quân (Mỹ) cảnh báo có khả năng Trung Quốc sẽ gây chiến trên biển Đông sau khi áp dụng chiến thuật “cây gậy nhỏ”.
Báo Tuổi trẻ lược dịch, trên tạp chí Foreign Policy, giáo sư James Holmes thuộc Trường Chiến tranh hải quân (Mỹ) cảnh báo có khả năng Trung Quốc sẽ gây chiến trên biển Đông. Bởi chiến thuật “cây gậy nhỏ” (dùng lực lượng bán dân sự đàn áp tàu thuyền các nước trên biển Đông và khẳng định chủ quyền) tốn nhiều thời gian để Trung Quốc độc chiếm vùng biển quốc tế này. Áp lực từ phía dư luận trong nước sẽ buộc các nhà lãnh đạo Trung Quốc phải làm một điều gì đó trong khi các nước Đông Nam Á chưa đủ lực quân sự để chống trả.

Tàu cá Trung Quốc ở gần đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam - Ảnh: Xinhua
Tàu cá Trung Quốc ở gần đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam - Ảnh: Xinhua


Trong khi đó, báo Nhật Yomiuri Shimbun đăng bài xã luận kêu gọi Trung Quốc kiềm chế, không có những hành động đơn phương quá khích và yêu cầu nước này giảm căng thẳng bằng đàm phán. Yomiuri Shimbun khẳng định việc Trung Quốc đòi chủ quyền cả biển Đông và thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa”, điều quân đồn trú là nguyên nhân của mọi căng thẳng. Báo này cũng cảnh báo nguy cơ Trung Quốc có thể cũng gây hấn tương tự trên biển Hoa Đông.

Cũng theo tờ báo này, đăng tải trên báo Daily Inquirer, nghị sĩ Philippines Rodolfo Biazon, chủ tịch Ủy ban quốc phòng hạ viện, mới đây đã đặt vấn đề mời LHQ đưa quân gìn giữ hòa bình đến biển Đông để ngăn chặn nguy cơ Trung Quốc gây chiến. Ông Biazon cho rằng quân gìn giữ hòa bình LHQ có thể ngăn chặn khả năng căng thẳng “tăng lên mức nguy hiểm” do các hành động của Trung Quốc và là hành động hợp lý bởi Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS) được 152 nước ký.

Theo một diễn biến khác, Đoàn gồm 30 tàu đánh cá và hậu cần của Trung Quốc rời khỏi vùng biển quần đảo Trường Sa và đang quay về Hải Nam, sau hai tuần tổ chức đánh bắt trái phép.

Theo Vnexpress, hãng ABS-CBN của Philippines dẫn tin của thông tấn Trung Quốc cho hay 30 tàu cá của Trung Quốc, trong đó có tàu trọng tải 3.000 tấn chở nước sạch, nhiên liệu và các yếu phẩm khác, đã lên đường tối thứ tư vừa rồi để trở về tỉnh Hải Nam, kết thúc chuyến ra khơi dài 13 ngày. Thời gian quay về dự kiến dài 4 ngày.
Trước đó, đội tàu này rời Hải Nam hôm 12/7 để bắt đầu hoạt động đánh cá thường niên với quy mô lớn chưa từng có. Các tàu này được hộ tống bởi tàu Ngư chính 310, tàu ngư chính lớn nhất của Trung Quốc.

TOÀN CẢNH TRƯỜNG SA - HOÀNG SA NHÌN TỪ ĐẤT LIỀN
BẤM VÀO ĐÂY XEM CHÙM ẢNH: CÔNG BỐ NHỮNG HÌNH ẢNH "KHÔNG THỂ KÌM NỔI" VỀ TRƯỜNG SA
AI CHƯA ĐẾN TRƯỜNG SA CẦN XEM 31 TẤM HÌNH NÀY

Kể từ khi khởi hành cho đến lúc đến Trường Sa đánh bắt cá, đội tàu này được truyền thông Trung Quốc đưa tin rầm rộ, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của các nước có tuyên bố chủ quyền trong khu vực như Việt Nam và Philippines. Các tàu Trung Quốc này đánh bắt cá hoặc trú ẩn tại các điểm gần đảo Chữ Thập, Châu Viên, Su Bi và Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với gần như toàn bộ khu vực Biển Đông, nơi được cho là có trữ lượng dầu khí và hải sản dồi dào, bao gồm cả những khu vực nằm gần bờ biển của các nước láng giềng và cách lãnh thổ nước này hàng nghìn km.
Gần đây nhất, Trung Quốc thành lập cái gọi là thành phố Tam Sa và nâng lên thành thành phố cấp khu vực, với tham vọng quản lý cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà Việt Nam đã khẳng định chủ quyền. Nước này cũng bổ nhiệm các sĩ quan quân sự cấp cao cho cơ sở đồn trú mới thành lập tại "Tam Sa". Việt Nam và Philippines đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ động thái trên của Trung Quốc và chỉ trích nước này đang làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông.
Tiết lộ về cuộc họp kín của ASEAN

Phiên họp được đánh giá là nóng nhất của các ngoại trưởng ASEAN từ trước đến nay kết thúc trong bất đồng, sau khi chủ tọa tuyên bố có họp thêm vài giờ nữa cũng không đi đến đâu.

Các nước ASEAN không thông qua được thông cáo chung trong cuộc họp bộ trưởng ngoại giao hôm 13/7, điều chưa từng xảy ra trong 45 năm qua, do bất đồng giữa chủ tọa với một số nước thành viên về câu chữ khi nhắc tới tranh chấp Biển Đông.

Như thông lệ, cuộc họp của các bộ trưởng ngoại giao ASEAN được gọi là họp hẹp, một cách mô tả tính chất kín của nó. Tuy nhiên nội dung trao đổi của cuộc họp kín năm nay đã được tiết lộ phần nào với báo giới.

Chuyên gia nổi tiếng về các vấn đề ASEAN và Biển Đông, giáo sư Carlyle Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia, đã tìm hiểu và viết về diễn biến cuộc họp kín này, trên tạp chí Asia Times.

Vấn đề Biển Đông được đưa ra thảo luận trong phiên họp toàn thể không chính thức của các bộ trưởng ASEAN. Philippines phát biểu trước, sau đó đến Thái Lan, Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Brunei, Lào, Myanmar, Singapore và Campuchia lần lượt bày tỏ quan điểm.

Ông Albert Del Rosario, Bộ trưởng Ngoại giao của Philippines, nói rằng những hành động “bành trướng và gây hấn” của Trung Quốc trên Biển Đông trong quá khứ và hiện tại khiến Philippines gặp khó khăn trong quá trình thực thi pháp luật trong vùng đặc quyền kinh tế của họ trên Biển Đông.

“Giá trị thực của Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) sẽ là gì nếu chúng ta không thực hiện được Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC). Cam kết tập thể của ASEAN đối với DOC nên được phản ánh trong thông cáo chung của hội nghị bộ trưởng ASEAN”, ông Del Rosario khẳng định.

Bốn ngoại trưởng khác trực tiếp ủng hộ quan điểm của Philippines. Việt Nam mô tả quyết định thành lập thành phố Tam Sa trên đảo của Việt Nam và việc Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc mời thầu quốc tế trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là những hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam.

Indonesia và Malaysia nhấn mạnh rằng ASEAN phải đạt được tiếng nói chung về vấn đề Biển Đông, bởi những diễn biến mới nhất là mối quan tâm của tất cả các nước thành viên.

Singapore nhấn mạnh rằng những diễn biến gần đây trên Biển Đông rất đáng được quan tâm bởi chúng dẫn đến những cách hiểu mới về luật quốc tế và có thể hủy hoại Công ước Liên Hợp Quốc về luật biển.

“ASEAN phải thể hiện một cách rõ ràng mối quan ngại của khối đối với Biển Đông trong thông cáo chung. Uy tín của cả khối sẽ bị tổn hại nếu chúng ta không nói gì về vấn đề đó”, Bộ trưởng Ngoại giao Singapore kết luận.

Khi Ngoại trưởng Hor Namhong Campuchia phát biểu, ông đặt câu hỏi: Đề cập bãi cạn Scarborough, đối tượng tranh chấp của Trung Quốc và Philippines, vào thông cáo chung, có phải là việc cần thiết hay không?

“Tôi cần phải nói thẳng với các ngài rằng, nếu chúng ta không tìm ra giải pháp, Campuchia sẽ không tiếp tục giải quyết vấn đề Biển Đông. Nếu tình huống đó xảy ra, chúng ta sẽ không có thông cáo chung. Chúng ta không nên cố gắng áp đặt quan điểm của quốc gia, mà chỉ nên cố gắng phản ánh những quan điểm chung trên tinh thần thỏa hiệp”, ông Hor nói.

Ngay sau đó bầu không khí trong cuộc họp trở nên nóng hơn. Cả Bộ trưởng Ngoại giao của Việt Nam và Philippines đều bày tỏ quan điểm. Các ý kiến bổ sung của Malaysia, Indonesia và Singapore cũng được đưa ra. Cuối cùng phiên họp kết thúc với tuyên bố của ông Hor: “Chúng ta sẽ không đạt được sự nhất trí ngay cả khi chúng ta tiếp tục thảo luận ở đây trong 4 hoặc 5 giờ nữa. Nếu các ngài không đồng ý về nội dung của thông cáo chung, Campuchia sẽ không giải quyết vấn đề Biển Đông với tư cách là chủ tịch ASEAN”.

Bộ trưởng Ngoại giao Natalegawa của Indonesia bổ sung thêm rằng, mặc dù ASEAN không đưa ra thông cáo chung, các bộ trưởng vẫn đạt được sự đồng thuận về những “thành tố cơ bản” trong Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông.

Sau thất bại của ASEAN trong việc ra tuyên bố chung, Indonesia đã nhanh chóng thể hiện vai trò của một trong các sáng lập viên Hiệp hội. Ông Marty Natalegawa thực hiện chuyến ngoại giao con thoi tới thủ đô của một loạt quốc gia, và cuối cùng tại điểm dừng chân PhnomPenh, Campuchia, ASEAN đã ra một tuyên bố 6 điểm về vấn đề Biển Đông.

Nỗ lực ngoại giao của Natalegawa mang đến cú hích về tinh thần cho ASEAN, đồng thời xua tan mối lo ngại về bất đồng giữa các nước thành viên ASEAN trong vấn đề giải quyết vấn đề Biển Đông của dư luận bên ngoài.

Điều quan trọng hơn là, sự can thiệp của ông Natalegawa giúp Indonesia gửi tới Campuchia một thông điệp: Dù là chủ tịch, Campuchia không thể đơn phương kiểm soát chương trình nghị sự của ASEAN. Chuyến ngoại giao con thoi của ông Natalegawa là sự kiện chưa từng có tiền lệ, bởi theo thông lệ thì Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia phải làm việc đó. Nhưng nó cho thấy Indonesia sẵn sàng đảm nhận vai trò chủ động hơn trong các vấn đề của khu vực. 

Việt Linh/Vnexpress
Tổng hợp