Bi hài chuyện người vùng cao dùng... di động

28/07/2012 16:25
Theo Bóng đá & Cuộc sống
Cơm chưa đủ bữa, áo không đủ mặc cho mùa đông nhưng với bà con vùng cao ở huyện Điện Biên Đông, điều đó không quan trọng bởi nhu cầu sắm điện thoại di động còn cần hơn nước uống. Nhiều chuyện bi hài đã xảy ra quanh vật biết nói, biết hát này.

Nuôi lợn chỉ để đổi điện thoại
Đập vào mắt chúng tôi khi lên vùng cao huyện Điện Biên Đông (Điện Biên), đúng phiên chợ huyện là cảnh người dân trang phục theo dân tộc nhưng ai cũng mang bên mình một chiếc điện thoại. Thấy chị Hầu Thị Chớ cứ tần ngần bên con lợn được buộc tạm bằng sợi dây rừng, tôi hỏi mua chị lắc đầu ra chiều không hiểu. Anh bạn đi liền hỏi có đổi điện thoại không, chị Chớ cười đòi đổi con lợn lấy 2 cái điện thoại vì cầm một cái về thì không biết cho con nào. Chớ có 2 đứa con, không đứa nào chịu đi học, ở nhà chăn trâu, làm rẫy nhưng đứa nào cũng đòi sắm điện thoại.
“Bố mẹ ai cũng có một cái rồi, chúng nó muốn phải cho chúng nó chứ”, Chớ lý giải bằng giọng phổ thông còn lơ lớ. Theo lời chị Chớ, mỗi năm chỉ nuôi được một con lợn, không bán để đong gạo mà chỉ để đổi điện thoại.  Hỏi không buôn bán thì dùng điện thoại làm gì, Chớ tròn mắt ngạc nhiên rồi bảo: “Để nghe nhạc và để gọi chồng, con về ăn cơm”. Đang thời điểm làm mùa nhưng ở Điện Biên Đông thật là vui tai, vui mắt. Dọc trên các triền núi, bà con đang tất bật cho vụ mùa mới, áo xống sặc sỡ lại có những bản nhạc phát ra từ những chiếc điện thoại nhỏ xúi phụ họa nên cứ ngỡ họ đang trên sân khấu. Họ nói cười, hát theo và pha trò… Giữa không gian thoáng đãng, người ta không còn phải nghe tiếng nước chảy, tiếng cây rừng rì rào nữa, thay vào đó là các các bản nhạc đủ loại tây, tàu mà thậm chí lắm khi người nghe không thể hiểu nổi đó là những bản nhạc gì. Một tốp thiếu nữ ngồi nghỉ, lưng vẫn nặng bó củi nhưng ai cũng mang điện thoại ra khoe, chúng tôi tiến lại, tìm cách gợi chuyện. Lầu Thị Páo, 19 tuổi ở xã Xa Dung cho hay: “Nhà mình có 4 người nhưng mỗi người cũng phải có một cái điện thoại vì không ai thích nghe chung. Đi nương, đi rẫy, điện thoại là bạn mình đấy, có nó đi làm cũng đỡ buồn mà lúc cần vẫn có thể nói chuyện, hẹn hò với bạn trai được”. So với con gái bản, Páo được học nhiều nhất nên vì thế mà khi sử dụng điện thoại cũng biết nhiều tiện ích hơn, không như các cô khác chỉ biết mở bài hát để nghe. Rồi như minh chứng về việc thạo “alo” của mình, Páo rút điện thoại, gọi cho ai đó. Chúng tôi chẳng hiểu gì giữa một tràng ngôn ngữ lạ tai mà Páo đang nói, chỉ thấy mấy cô gái cười rồi nói xen vào. Một cô gái bảo Páo đang nói chuyện với bạn trai, hẹn gặp nhau ở phiên chợ huyện. Khi ông mặt trời gác núi cũng là lúc bà con xuôi dốc về bản. Bên chiếc lu nặng trĩu đựng đầy rau, đầy măng, dưa Mèo, tay ai cũng cầm điện thoại bật nhạc, kêu inh ỏi cả góc đồi. Xem qua, giá của mỗi chiếc điện thoại cũng tiền triệu chứ chẳng ít. Không riêng gì các thiếu nữ, các trai bản cũng nhất nhất phải kiếm bằng được cho mình một chiếc điện thoại. Hỏi ra mới biết, chiếc điện thoại vừa là dụng cụ để nghe nhạc, liên lạc… đặc biệt là thể hiện mình với bạn gái. Anh Lầu A Của, trưởng bản Xa Dung A, xã Xa Dung cho hay: “Bản mình còn nghèo lắm, cuộc sống trông cả vào nương rẫy, phụ thuộc vào tính nết của Giàng (tức trời) cho ăn mới được ăn. Vụ mùa vừa rồi, lượng thóc thu về của các gia đình đều giảm, sẽ nhiều nhà đứt bữa. Tôi hỏi: “Nghèo mà sao bà con trong bản dùng nhiều điện thoại di động thế?”, trưởng bản gãi đầu cười: “Cái này khó nói lắm vì nó thích thì mua thôi. Ngày trước bảo làm cán bộ mới có điện thoại dùng chứ bây giờ có tiền, có lợn là có điện thoại. Ở đây, điện thoại phổ cập tới từng người trong gia đình rồi đặc biệt là lớp trẻ. Chúng thích là bố mẹ phải mua cho, không cấm được. Giá mỗi chiếc điện thoại cũng bằng con lợn nhỡ đấy”.Ăn lá ngón vì không mua điện thoại Theo lời trưởng bản Xa Dung A thì từ ngày người dân đua nhau dùng điện thoại, nhiều chuyện đau lòng đã xảy. Vì chiếc điện thoại di động mà nhiều gia đình vợ chồng đánh chửi nhau, thậm chí con cái tự tử chỉ vì thiếu điện thoại di động. Điển hình như nhà chị Vừa Thị Só, nghèo lại đông con nhất bản, chuyện quanh năm đứt bữa diễn ra thường xuyên thế nhưng khi việc sử dụng điện thoại thành phong trào thì họ vẫn phải cố xoay xở để sắm cho đủ 6 cái điện thoại cho hai vợ chồng và bốn đứa con. Hỏi tiền đâu ra, trưởng bản Của cười bảo nhìn cả vào con lợn. Gạo trồng cấy thì để ăn, để nấu rượu còn lợn, gà chăn thả được thì đem đổi điện thoại, không mua, thua bạn bè là chúng dọa ăn lá ngón tự tử. Trong bản đã có mấy trường hợp chết vì ăn lá ngón mà nguyên nhân cũng từ cái điện thoại rồi đấy. Như trường hợp nhà ông Pha ở bản Xa Dung B, năm ngoái có đứa con gái chết vì ăn lá ngón.
Việc đầu tiên xuống chợ của các sơn nữ là vào hàng điện thoại nạp thẻ và tải bài hát
Việc đầu tiên xuống chợ của các sơn nữ là vào hàng điện thoại nạp thẻ và tải bài hát
Ông Pha có hai đứa con một trai, một gái nhưng lại mới sắm được một cái điện thoại thành ra chỉ có người anh được dùng còn đứa em gái chỉ tranh thủ lúc anh ngủ mới dám mở điện thoại. Ông Pha kể, mùa rẫy trước, buổi chiều hôm đó thằng anh quát em: “Mày làm hỏng của tao rồi. Giờ lấy tiền đâu mà sửa”. Con bé Dơ khi đó mới 12 tuổi bị anh mắng chẳng nói chẳng rằng, chạy một mạch vào rừng. Tưởng nó giận anh rồi chạy đi chơi cho bõ tức, ông Pha không nói gì, chiều muộn vẫn đi làm nương. Nhưng khi đi nương về, chiều muộn rồi mà thấy bếp nhà không đỏ lửa, ông sang nhà hàng xóm nhưng không thấy bóng dáng con đâu. Xẩm tối, nghe tiếng bước chân chạy huỳnh huỵch ngoài đầu hồi, ông vội ngó ra, thấy mấy trai bản vác xác con bé Dơ về. Hai má nó căng phồng, mắt lồi to. Hoá ra nó giận anh đã vào rừng ăn lá ngón. “Thực ra cái điện thoại có hỏng gì đâu, chỉ vì con bé ham nghe nhạc để hết pin mà không biết sạc”, ông Pha chua xót. "Thằng anh đi làm về, mở điện thoại không thấy sáng, tưởng hỏng nên quát em khiến con bé nghĩ quẩn, tìm đến cái chết”. Cũng như trường hợp gia đình ông Pha, ở bản Xa Dung A, cô bé Lò Thị Sứ năm nay vừa tròn 10 tuổi. Sứ đã nghỉ học từ năm lớp 2 do nhà nghèo không có tiền mua sách vở. Hàng ngày Sứ lên nương giúp mẹ, người dân trong làng, bản ai cũng khen con bé hiền lành chăm chỉ. Vậy mà từ khi bạn bè trong bản có điện thoại di động, ngày nào nó cũng bắt mẹ phải mua cho một cái mới chịu đi làm, không thì sẽ ăn lá ngón tự tử. Nhắc đến con, bà Chơn, mẹ Sứ nghẹn ngào: “Nhà không có tiền, đến miếng ăn hôm nay còn chưa đủ cho ngày mai thì lấy đâu ra tiền mà mua điện thoại chứ. Trong bữa cơm, nó nói với gia đình nếu không mua cho nó điện thoại nó sẽ không đi làm nữa và ở nhà đi chết. Tưởng con bé nói đùa, ai ngờ nó làm thật”. Một ông chủ cửa hàng bán điện thoại ở trị trấn Ba Son cho biết, lợi ích mà điện thoại đem lại không phải là nhỏ, song nó cũng gây ra không ít phiền phức cho bà con. Rất nhiều người trong khi không đủ ăn nhưng vẫn để dành tiền nạp thẻ vì “nghiện” gọi điện thoại, nghe nhạc. Rồi một số người thấy người khác có điện thoại đẹp quá nhưng không có tiền mua nên nảy sinh ý định ăn cắp, tuy không đến nỗi gây hậu quả nghiêm trọng song cũng gây mất tình làng nghĩa xóm... Đa phần người dân nơi đây thường sử dụng các loại sim khuyến mại, thấy có nhiều tin nhắn rác: quảng cáo, tải nhạc, trúng thưởng, … cứ tưởng tất cả là miễn phí nên thi nhau nhắn lại khiến cho số tiền trong tài khoản chỉ vài ngày là hết. Có những người trong 1 tháng nạp những 5 cái thẻ 100.000 đồng chỉ để nhắn lại tin nhắc rác vì nghĩ họ gửi tin cho mình, không trả lời là không thật lòng,…. Nói như trưởng bản Của thì: “Cái này nhỏ bé thật nhưng nạp bao nhiêu tiền vào cũng không vừa. Cả con lợn to cũng "chui" hết vào nó…”.
Theo Bóng đá & Cuộc sống