Cú sốc Argentina hay là cái chết được báo trước?

17/07/2011 23:32
(GDVN) - Có nên coi thất bại của Argentina là cú sốc lớn? Mọi thất bại nếu không phải vì may mắn thì chỉ là bởi sự tích tụ lâu dài của những vi khuẩn gây bệnh.

(GDVN) - Có nên coi thất bại của Argentina là một cú sốc lớn? Mọi thất bại nếu không phải vì may mắn thì chỉ là bởi sự tích tụ lâu dài của những vi khuẩn gây bệnh trong cơ thể.

“Giấc mơ đã chết trong nhà ngục Argentina”

Cú sốc lớn nhất Copa America: Argentina bị loại từ tứ kết

Video: Cái chết của binh đoàn Albiceleste

1. Argentina thất bại đau đớn trước Uruguay trên sân nhà, tại giải đấu hàng đầu châu lục, trước một đối thủ dưới cơ cả về đẳng cấp lẫn thành tích. Nói tóm lại, dư luận, người hâm mộ bóng đá và những tay gá bạc đều tin rằng đó là một cú sốc.

Nhưng bao giờ mà chẳng có những cú sốc như thế trong đời thường? Một người đàn ông lấy tới 3 đời vợ vẫn sẽ khiến những người xung quanh sửng sốt khi thừa nhận mình là dân đồng tính. Đây là Copa America 2011, chứ không phải game PES 2011 mà nghĩ rằng Argentina sẽ chiến thắng chỉ bởi vì những con số thống kê đẳng cấp cho thấy Albiceleste vượt trội so với Uruguay.

Thất bại của Argentina chưa hẳn là cú sốc
Thất bại của Argentina chưa hẳn là cú sốc.

Và ngẫm kỹ lại thì, đó chẳng phải một cú sốc. Sốc là gì? Đó là sự suy sụp đột ngột của cơ thể. Thất bại của Argentina ở Copa America này thực ra không đột ngột và bất ngờ như thế. Và chúng ta có thể thấy điều đó từ vòng bảng.

2. River Plate sau hơn 100 năm tồn tại đã lần đầu tiên phải xuống hạng. Các cầu thủ ôm mặt khóc, các khán đài đầy những vỏ pháo sáng được đốt lên. Bên ngoài SVĐ, bạo loạn nổ ra khiến cảnh sát phải vào cuộc. Đó mới chỉ là dấu hiệu ban đầu.

Tất cả xuất phát từ tâm lý ỷ lại của con người. Thành tích vượt bậc của Argentina trong quá khứ đã khiến những người làm bóng đá nước này ngủ quên trong chiến thắng mà không nhận ra những vấn đề nội tại.

Từ chảy máu tài năng, thâm hụt tài chính cho tới sự thiếu đồng bộ trong công tác đào tạo cầu thủ… River Plate xuống hạng là bởi cả 3 nguyên nhân trên: bị các CLB châu Âu hút máu – nợ gần 100 triệu USD trong nửa thập kỷ trở lại đây – Lò đào tạo trẻ hầu như vô hiệu, các tài năng bóng đá đường phố không được đào tạo một cách bài bản. CLB là nền tảng của ĐTQG, một đội giàu truyền thống như River Plate mà còn như thế thì  ĐTQG tránh sao được?

Cái chết của River Plate đã báo hiệu điềm xấu cho bóng đá xứ Tango
Cái chết của River Plate đã báo hiệu điềm xấu cho bóng đá xứ Tango.

Người Argentina từ lâu luôn tự hào vì nền bóng đá phát triển. Khoảng cách giữa sự tự hào và tự mãn là rất mong manh, và tiếc rằng họ đã không thể giữ nguyên được khoảng cách đó.

3. Người ta nói Lionel Messi chỉ có thể thành danh được ở Barca chứ không đóng góp được gì cho đất nước anh. Không phải vì khả năng của Messi có hạn, mà vì người Argentina đặt niềm tin quá cao vào chỉ 1 người.

Giải thích cho câu chuyện đó thì có cả trăm lý do, nhưng nay hãy xét theo một khía cạnh khác. Tại sao lại coi Argentina là một đội bóng mạnh khi thành phần của họ hết sức đa dạng và phức tạp, chơi ở rất nhiều giải VĐQG? Bóng đá thế giới ngày nay đã hòa vào xu thế toàn cầu hóa, một cầu thủ chất lượng cao có rất nhiều lựa chọn: ở lại Argentina hoặc ra châu Âu, đến chơi bóng ở Tây Ban Nha như Messi, Anh như Carlos Tevez hay sang Ukraine kiếm ăn.

Mà với mỗi cầu thủ thi đấu ở một nền bóng đá khác nhau, họ sẽ chịu ảnh hưởng về phong cách chơi bóng của quốc gia họ đang kiếm sống. Một Carlos Tevez đã “Anh hóa” nhiều không thể cùng có mặt với Aguero và Messi trong sơ đồ “tủ” 4-3-3 của Sergio Batista. Điều đó sẽ tạo nên một tập thể khá hỗn tạp, giống như cách mà người ta vẫn hay nói về “tập hợp của những ngôi sao đá bóng” kiểu Real Madrid trước kia.

Mười Lionel Messi cũng chưa chắc biến Argentina thành siêu đội tuyển
Mười Messi cũng chưa chắc biến Argentina thành siêu đội tuyển.

Với sự phức tạp trong cách chơi, nhãn quang chiến thuật cũng như nhiều yếu tố chuyên môn khác, ĐTQG nhìn chung trở thành một dàn diễn viên toàn sao. Nhưng toàn diễn viên nổi tiếng thì đâu có chắc bộ phim sẽ được đề cử giải Oscar (chưa nói tới đoạt giải)?

Italia lên ngôi Vô địch Thế giới 2006 với dàn cầu thủ phần lớn đang chơi ở Serie A. Tây Ban Nha vô địch World Cup 2010 và EURO 2008 cũng với quá nửa lực lượng là người của La Liga. Những nhà vô địch đó đều biết nhau quá rõ, trong khi Argentina chỉ có 1 tháng tập trung thì các tuyển thủ, cả mới lẫn cũ, làm sao tìm được tiếng nói chung?

4. Uruguay bị đánh giá là kẻ “chiếu dưới” trong các bài báo bình luận trước trận lẫn trên các bảng cá cược. Và thực tế họ chỉ có thể dẫn trước không quá nửa giờ trước Argentina. Nhưng khái niệm “chiếu dưới” chỉ là tương đối.

Dù gì thì Uruguay cũng từng 2 lần vô địch Thế giới trong quá khứ, tức họ cũng là một quốc gia có nền bóng đá đáng gờm. Luis Suarez hay Diego Forlan cũng đáng liệt vào hàng siêu sao bóng đá. Ngay cả HLV Oscar Tabarez cũng là một nhà cầm quân lão làng của bóng đá Nam Mỹ (có biệt danh “Thầy giáo”). Trên BXH FIFA tháng 6/2011, La Celeste chỉ kém Argentina có 2 bậc (5 và 7).

Bóng đá Uruguay suy thoái từ thập kỷ 1970 nhưng tiềm năng phát triển thì vẫn còn nguyên, chỉ cần có một chính sách hợp lý để phát huy chúng. Hơn nữa, chính những năm tháng trầm lắng đó đã giúp cho người Uruguay biết tích cực hơn trong cách làm bóng đá.

Sự sa sút quá khứ đã giúp Uruguay biết nhìn nhận điểm yếu và điểm mạnh hơn để tiến lên
Sự sa sút quá khứ đã giúp Uruguay biết nhìn nhận điểm yếu và điểm mạnh hơn để tiến lên.

Đầu tiên, La Celeste đã từ bỏ tư duy tự do trong phong cách chơi bóng của các cầu thủ, ngày một chú trọng hơn trong vấn đề chiến thuật và tư duy cá nhân. Thứ hai, với diện tích và dân số nhỏ, bóng đá Uruguay mang tính tập trung cao, chủ yếu là ở thủ đô Montevideo, nên Hiệp hội bóng đá nước này có điều kiện quản lý sát sao các hoạt động, từ tài chính tới chuyên môn, của các CLB chuyên nghiệp. Và thứ 3, sự phát triển toàn cầu của Internet giúp các cầu thủ Uruguay có điều kiện học hỏi các nền bóng đá khác một cách nhanh chóng hơn.

Argentina thất bại trước một Uruguay chỉ kém chút ít về đẳng cấp thì được gọi là cú sốc, thế Arsenal thua trước Wolves có nên gọi là cú sốc? Chắc là không, vì Arsenal thua một cách có hệ thống, và Argentina cũng chẳng khác gì.

Đỗ Âu