"Vua cà phê" Trung Nguyên âm thầm tung "đội hình" chiến lược

31/07/2012 15:51
Theo Diễn đàn doanh nghiệp
Gần đây ở vài khu dân cư tại TP.HCM, Trung Nguyên âm thầm triển khai mô hình cà phê hạt xay tại chỗ, một lãnh địa mà nhiều nhãn hàng cà phê khác đang mong muốn khai thác.
Bước thử nghiệm
Tháng 6/2012, Trung Nguyên khai trương mô hình cà phê xay đầu tiên tại siêu thị Vinatex Mart- Lãnh Binh Thăng, Q.11. Vị trí mà Trung Nguyên có được nằm chung trong khu cho thuê của siêu thị. Trung Nguyên trưng bày cà phê hạt xay trong các tủ kính, quầy kệ với diện tích nhỏ, một ít bàn ghế xung quanh để khách có thể nghỉ chân hoặc tranh thủ ngồi uống cà phê. Giá cà phê bán tại các quầy này cũng "mềm" hơn một nửa so với các quán cà phê Trung Nguyên bên ngoài (13.000 đồng/cà phê đá; 19.000 đồng/cà phê sữa đá).
Mô hình kios cà phê của Trung Nguyên tại các siêu thị
Mô hình kios cà phê của Trung Nguyên tại các siêu thị

Đặng Lê Nguyên Vũ:

Đặng Lê Nguyên Vũ: "Thế giới và Mỹ sẽ phải tìm đến chúng tôi"

Báo chí nước ngoài viết gì về Đặng Lê Nguyên Vũ?

Báo chí nước ngoài viết gì về Đặng Lê Nguyên Vũ?

Tương tự, ở Citi Mart Chu Văn An, Q. Bình Thạnh, vào giữa tháng 6 Trung Nguyên cũng khai trương quầy cà phê hạt xay. Vẫn mô hình nhỏ, gọn và xay cà phê tại chỗ. Nhiều khách hàng tò mò chọn mua cà phê hạt này thay vì cà phê đóng gói sẵn bán trong siêu thị. Chị Thanh Mai, một người sống ở khu vực Q. Bình Thạnh, cho biết: Khi thấy Trung Nguyên có cà phê hạt xay, chị chuyển qua mua loại này vì chị có cảm giác "cà phê tươi hơn, hương vị thơm ngon hơn". Mỗi lần chị mua nửa kg; khi nào hết mới mua tiếp vì đã có Trung Nguyên ở sẵn ngay đây rồi.Cà phê "thứ thiệt" Theo đánh giá của một công ty nghiên cứu thị trường, cà phê rang xay được người Việt Nam thường xuyên sử dụng. Trong thực tế, người Việt vẫn có thói quen uống cà phê pha phin- tức mua cà phê rang xay pha uống tại nhà hoặc tại quán cà phê. Những ai đã quen uống cà phê phin thường ít khi đổi sang cà phê pha sẵn. Những người sành điệu hơn còn trung thành với cà phê đến mức uống loại nào là uống "chết" loại đó, không đổi sang thương hiệu hay loại cà phê khác. Những cái tên như cà phê Mai (Hà Nội), Nhân (Đà Lạt), Thu Hà (Pleiku), Trâm Anh (Bảo Lộc)… trở thành những cái tên gần gũi với những người yêu thích uống cà phê rang xay trong một khung cảnh đậm chất cà phê mà không nơi nào giống nơi nào. Thậm chí ở Sài Gòn, cách đây vài năm, khi ông chủ Vinamit mở quán cà phê Regina trên đường Nguyễn Du, cạnh nhà thờ Đức Bà, nhiều tín đồ cà phê đã đồn nhau đến uống thử vì quán sẽ làm khách "ngất ngây" bằng loại cà phê hạt rang xay tại chỗ ngay khi khách có yêu cầu. Tiếng rè rè của máy rang xay và mùi thơm từ cà phê cho cảm giác đúng là "cà phê thứ thiệt".Một thị trường hấp dẫn? Dù uống cà phê rang xay là một nhu cầu của nhiều người Việt nhưng những tiệm bán cà phê hạt xay tại chỗ cho khách hàng và có tên tuổi như Hồng Phát, Trần Quang… lại không nhiều và phủ rộng để người tiêu dùng có thể dễ dàng tiếp cận. Số điểm bán cà phê hạt với lời quảng cáo chung chung "Cà phê Buôn Mê Thuột" thì rất nhiều, nhưng khách hàng chẳng biết Buôn Mê Thuột nào và cà phê hạt rang xay theo chuẩn nào. Có lẽ thấy được điều này, Trung Nguyên đã tung ra các "kios" cà phê hạt xay tại chỗ. Ghi nhận tại cả hai
điểm Trung Nguyên Vinatex Mart Lãnh Binh Thăng và Trung Nguyên Citimart Chu Văn An, phần lớn lượng khách mua cà phê xay tại chỗ ở hai nơi này là khách đi siêu thị. Điều được nhất ở các kios này là nhân viên rất nhiệt tình và niềm nở. Việc xay cà phê, đóng gói cho khách hàng được các nhân viên thực hiện rất chu đáo, ân cần. Với đủ 8 loại cà phê hạt (Culi Rosbita, Arabica Rosbuta, Arabica sẻ, Premium Culi, Culi Arabica, Legendee….) được phối trộn theo công thức riêng của Trung Nguyên. Các nhân viên còn tư vấn cho khách hàng đặc điểm của từng loại cà phê; uống riêng hay pha loại nào với loại nào sẽ cho cà phê vừa đậm đà, vừa dậy mùi… Một nhân viên tên Tâm tại Trung Nguyên Vinatex Mart còn cho biết: nếu gọi điện báo trước, nhân viên Trung Nguyên có thể sắp xếp giao hàng tận nhà khách hàng. Những kios cà phê hạt xay mới của Trung Nguyên có vẻ như đang thu hút sự chú ý của thị trường. Trong khi "chiếc bánh" cà phê hòa tan (2in1, 3in1) hiện được chi phối bởi 3 tên tuổi lớn là Trung Nguyên, Nestle, Vinacafe thì thị trường cà phê rang xay dường như vẫn còn thênh thang. Thực ra, trong chuỗi quán nhượng quyền (42 quán tính tới thời điểm hiện tại ở TP.HCM) của Trung Nguyên đều có trưng bày và bán cà phê hạt xay tại chỗ. Nhiều hàng quán cà phê thuộc dạng trung, cao cấp thường mua các loại cà phê hạt xay tại các quán cà phê Trung Nguyên về để phối trộn, tạo ra gu riêng cho đối tượng khách đặc thù. Tuy nhiên, đa số người tiêu dùng thông thường chưa biết tới điều này và việc mở mô hình này tại các hệ thống siêu thị dường như là cách để Trung Nguyên tiếp cận nhiều hơn tới đa số người tiêu dùng. Có người nhận xét, khi làm kios cà phê rang xay tại chỗ, Trung Nguyên đang đi vào "thực chất" hơn, không đình đám, quảng bá như trước đây mà lặng lẽ triển khai từng bước một. Có thể Trung Nguyên chưa đặt nặng vấn đề doanh số cho mô hình kios trong giai đoạn này, bởi mức doanh thu hiện tại khó mà "gánh" nổi chi phí đầu tư, chi phí thuê mặt bằng, chi phí nhân viên… Cho đến nay, tuy các kios này mới đi vào hoạt động được khoảng 1-2 tháng, nhưng theo đại diện của Trung Nguyên, doanh số từ mô hình này đang tăng trưởng đều đặn khoảng 15% mỗi tuần. Sau cùng, nếu đây là mô hình để Trung Nguyên tăng cường sự hiện diện, tăng cường quảng bá hình ảnh thì rõ ràng bài toán chọn địa điểm sẽ là một thách thức nữa đối với Trung Nguyên, bởi dù là thương hiệu nào thì người làm thương hiệu cũng muốn có được vị trí tốt nhất. Chúng ta hãy chờ xem Trung Nguyên sẽ điều chỉnh và triển khai "đội hình" mới này ra sao.

Kích thích tiêu thụ cà phê nội địa
(Bà Phạm Thị Điệp Giang, Phó giám đốc Truyền thông Tập đoàn Trung Nguyên)

Thực chất, mô hình kios cà phê là một phần của chiến lược tăng cường tiêu thụ cà phê nội địa của Trung Nguyên. Với các điểm bán trực tiếp thế này, chúng tôi cũng gia tăng tương tác với khách hàng, tìm hiểu được nhu cầu của họ sâu sắc hơn, giúp tăng cường khả năng dùng thử và tiêu dùng cà phê nhiều hơn.

Thị trường Việt Nam hiện chỉ mới tiêu thụ hơn 1kg/người/năm, còn quá thấp so với mức tiêu thụ bình quân ở các cường quốc xuất khẩu cà phê khác của thế giới như Brazil (gần 5kg/người/năm). Nếu lượng tiêu thụ nội địa gia tăng thì cà phê Việt Nam sẽ không phải lo ngay ngáy mỗi khi giá cà phê thế giới có biến động. Tất nhiên, đây chỉ là một nỗ lực nhỏ của một doanh nghiệp. Nếu nhà nước hưởng ứng và có những chính sách trợ giúp thì cơ hội phát triển của ngành cà phê Việt Nam là rất lớn".

Theo Diễn đàn doanh nghiệp