Hé lộ đường dây đưa lao động chui sang Nga

18/07/2011 00:38
Nghe viễn cảnh sang Nga lao động lương cao, 26 người ở Tây Ninh sang Nga làm việc và họ đã phải cầu cứu người nhà gửi tiền sang chuộc.
Nghe viễn cảnh sang Nga lao động lương cao, 26 người ở Tây Ninh sang Nga làm việc và họ đã phải cầu cứu người nhà gửi tiền sang chuộc.
Cả chục hộ dân ở Tây Ninh đang chạy đôn chạy đáo vay mượn tiền để gửi sang Nga “chuộc” con em họ đang lao động ở đây về nước. Có gia đình đi làm thuê mỗi ngày vài chục ngàn đồng đã xỉu khi biết số tiền “chuộc” đến 50 triệu đồng… Họ đã gửi đơn cầu cứu đến công an, tố cáo một đường dây đưa lao động chui sang Nga làm việc.
Xuất khẩu lao động bằng visa du lịch
Theo tố cáo của các nạn nhân, vào tháng 10-2010, ông Huỳnh Thanh Phong (ngụ ấp An Khương, xã An Tịnh, Trảng Bàng, Tây Ninh) gặp nhiều người ở địa phương cho biết: Có người chú tên Huỳnh Văn Hiền ở Nga cần người sang làm công nhân may với mức lương 10-12 triệu đồng/tháng, được bao ăn ở miễn phí. Thấy mức lương cao, ông Phong lại là người địa phương nên nhiều người tin tưởng đóng mỗi người 10 triệu đồng để ông Phong làm thủ tục sang Nga. Khoảng một tháng sau, các lao động đến sân bay Tân Sơn Nhất để sang Nga.
Anh Cao Văn Luận, ngụ xã An Tịnh kể: “Ông Phong đã đưa 26 người sang Nga cho ông Hiền thành ba đợt. Lúc đưa nhóm chúng tôi đi, ông Phong dặn khi ra sân bay thì khai là đi du lịch, đi thăm người thân,… chứ đừng nói đi lao động. Khi đến Nga, nhóm chúng tôi bị đưa đến công ty may của ông Hiền (không địa chỉ) và bắt đầu những ngày làm việc may gia công trong hầm tối suốt ngày đêm. Chúng tôi không biết đang ở đâu, thành phố gì vì ở đây rất vắng”.
“Qua gần ba tháng, do không chịu nổi cường độ làm việc suốt ngày đêm, ăn uống kham khổ nên chúng tôi yêu cầu trả tiền lương để về nước. Tuy nhiên, ông Hiền cho rằng tiền lương đã bị trừ hết vào tiền ăn ở. Muốn về phải làm việc để trả hết nợ. Không biết phải kêu cứu đến ai, chúng tôi đành chấp nhận làm thêm một thời gian để có tiền về nước. Tuy nhiên, dù có cặm cụi làm việc như những nô lệ lao động, ông Hiền cũng cho rằng không đủ năng suất, lương chỉ đủ trừ vào ăn ở. Ông Hiền cho biết muốn về nước phải có tiền chuộc”- anh Nguyễn Quốc Tuấn, ngụ xã An Tịnh, nói.
Các lao động của công ty ông Hiền phải trốn vào kho vải khi cảnh sát Nga kiểm tra. (Ảnh chụp lại từ video mà một lao động cung cấp)
Các lao động của công ty ông Hiền phải trốn vào kho vải khi cảnh sát
Nga kiểm tra. (Ảnh chụp lại từ video mà một lao động cung cấp)
 
Các giấy tờ biên nhận.
Các giấy tờ biên nhận.
Muốn về nước, tốn hàng chục triệu
Sau nhiều lần thân nhân các gia đình có con em đi làm cho ông Hiền năn nỉ, ông Hiền chốt giá là mỗi lao động phải đóng cho ông 40-55 triệu đồng để ông làm “giúp” thủ tục về Việt Nam. “Ông Hiền gọi cho tôi, bảo phải gửi tiền qua thì con tôi mới về được, không thì phải ở lại làm hai năm trả nợ mới được về. Giấy tờ tùy thân của con tôi ông Hiền giữ nên tôi phải đi cầm sổ đỏ, vay mượn hơn 50 triệu đồng đưa cho ông Phong để ông này gửi qua cho ông Hiền để con tôi được về nước” - bà Nguyễn Thị Gái, mẹ của anh Nguyễn Quốc Tuấn, nói. Khoảng 10 gia đình đã phải trả “tiền chuộc” thông qua ông Phong.
Chị Phạm Thị Huyền kể: “Tôi sang Nga làm việc được 10 ngày nhưng chịu không nổi kiểu lao động bóc lột, ăn uống kham khổ nên xin ông Hiền về nước. Ông Hiền yêu cầu gia đình tôi phải đóng 36 triệu đồng. Tổng cộng cả đi và về tôi mất 56 triệu đồng”. Hiện chị Hiền đang làm cho một xí nghiệp may tại Khu công nghiệp Trảng Bàng để trả nợ.
Bà Trần Lệ Kiều (ngụ xã Cẩm Giang, huyện Gò Dầu, Tây Ninh) có con là Kim Ngân và cháu là Kim Châu làm ở xưởng may của ông Hiền cho biết: “Con gái và cháu gái tôi đều nghe lời hứa của ông Phong nên bỏ nghề uốn tóc đi sang làm công nhân may cho ông Hiền. Tôi vay mượn được 20 triệu đồng để đưa Phong lo thủ tục. Con gái tôi lén gọi điện thoại về bảo là bệnh suốt và nặng chỉ còn 38 kg. Khi nghe ông Hiền ra giá hơn 50 triệu đồng thì mới cho về, tôi ngất xỉu. Tôi làm thuê mỗi ngày hơn 20.000 đồng thì lấy gì chuộc con”.
Theo ông Lâm Văn Kích, Trưởng Công an xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng, xã đã nhận đơn kêu cứu của các hộ dân. Do tính chất vụ việc phức tạp nên công an xã đã lấy lời khai, lập hồ sơ báo cáo cho công an huyện. Hiện xã chưa thống kê có bao nhiêu người sang Nga. Việc ông Phong giới thiệu người dân đi lao động xã không hay biết.
Ngày 14-7, sau khi chúng tôi cung cấp thông tin về đường dây đưa lao động sang Nga nói trên, Công an huyện Trảng Bàng, Tây Ninh cho biết sẽ xác minh ngay. Theo công an, sau khi xác minh, nếu đủ căn cứ sẽ khởi tố vụ án đưa người ra nước ngoài trái phép.

Anh Nguyễn Quốc Tuấn, xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng (Tây Ninh):

Khốn khổ ở xưởng may “đen”
Mỗi ngày em phải làm việc hơn 20 giờ đồng hồ, gần 4 giờ sáng đã phải bắt đầu ngày làm việc mới đến tận 12 giờ đêm, ăn uống khổ sở. Có ngày hai người phải chia nhau gói mì. Ăn uống thiếu thốn và kham khổ nên nhiều chị chịu không nổi, xỉu liên tục.
Ai cũng hy vọng là sẽ được nhận lương để gửi về giúp gia đình nhưng chẳng có đồng nào, tất cả đều bị trừ hết. Ông Hiền hứa cứ làm ba tháng sẽ gộp trả một lần nhưng ông nuốt lời, chẳng trả đồng nào. Sống bên ấy bọn em vừa làm việc, vừa lo chạy trốn cảnh sát.
Sau này em mới biết xưởng may này là làm chui, tất cả lao động được ông Hiền đưa từ Việt Nam qua Nga khoảng hơn 300 người đều không có giấy tờ hợp pháp. Khi có cảnh sát kiểm tra, hơn 300 lao động phải chui vào kho vải để trốn.
{iarelatednews articleid='6713,3092,3082,2244,1333,6855,5135,1602,7821'}
Theo NGUYỄN ĐỨC - AN BÌNH/Pháp luật TPHCM