Khai ấn đền Trần: Chật vật tìm tiếng nói chung

19/07/2011 00:11
(DGVN) - Hội thảo “Mô hình tổ chức, quản lý lễ hội đền Trần năm 2012” cuối cùng đã tìm được tiếng nói chung cơ bản: tiếp tục duy trì việc khai ấn...

(GDVN) - Sau 1 ngày với rất nhiều ý kiến trái chiều thậm chí có lúc gay gắt, Hội thảo “Mô hình tổ chức, quản lý lễ hội đền Trần năm 2012” cuối cùng cũng đã tìm được tiếng nói chung cơ bản: tiếp tục duy trì việc khai ấn nhưng sẽ sửa đổi cách thức thực hiện.

Phát ấn đền Trần: Nên bỏ hay tiếp tục?

Sau những bức xúc trong dư luận về sự lộn xộn tại lễ hội đền Trần vài năm gần đây, ngày 18/7 tỉnh Nam Định tiến hành tổ chức hội thảo “Mô hình tổ chức, quản lý lễ hội đền Trần năm 2012” với sự tham dự của một số nhà nghiên cứu văn hóa, nhà khoa học, cơ quan quản lý, báo chí và đại diện nhân dân tỉnh Nam Định. Chủ tọa hội thảo: Ông Đỗ Thanh Xuân - Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Nam Định; bà Cao Thị Thính - Phó Chủ tịch UBND TP Nam Định, và ông Nguyễn Chí Bền - Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật VN.

Toàn cảnh hội thảo về lễ hội đền Trần tại Nam Định. Ảnh: Văn Trinh.
Toàn cảnh hội thảo về lễ hội đền Trần tại Nam Định. Ảnh: Văn Trinh.

Tại hội thảo, PGS.TS Lương Hồng Quang thay mặt Viện văn hóa Nghệ thuật VN trình bày dự thảo lần 3, đề án tổ chức lễ hội đền Trần Nam Định năm 2012. Đề án này xây dựng từ tháng 4/2011, thông qua ý kiến của lãnh đạo Bộ VHTTDL, các Cục, Vụ chức năng của bộ để hoàn chỉnh, đưa vào áp dụng thực tế.

Nội dung quan trọng nhất trong dự thảo lần 3 được các đại biểu bàn luận sôi nổi, là phương án tổ chức lễ khai ấn đền Trần. Dự thảo đưa ra 2 phương án nhằm giảm thiểu nguy cơ xảy ra tranh cướp, dẫm đạp và một số tệ nạn khác tại lễ hội đền Trần, đó là: Phương án 1: không tổ chức phát ấn, chỉ khai Ấn; Phương án 2: khai Ấn như thường lệ, phát Ấn vào ngày hôm sau và kéo dài trong 2 hoặc 3 ngày trên cơ sở thực hiện thật tốt các hoạt động bảo vệ an ninh, trật tự, vệ sinh một trường.

Bên cạnh đó, dự thảo lần 3 cũng đưa ra nguyên tắc cải tiến việc phát ấn (nếu có): không tổ chức khai mạc vào đêm 14 tháng giêng nữa, không phân biệt chức sắc, sang hèn khi đến tham dự lễ hội, kéo dài thời gian phát ấn, số lượng Ấn phát ra không giới hạn, mọi du khách đều được nhận ấn, giữ nguyên những nghi thức dân gian truyền thống.

Phát biểu tại hội thảo, TS Trần Mạnh Quảng - Chủ tịch hội đồng Trần tộc VN gay gắt phản đối ý kiến dừng hẳn việc phát ấn. Lý do TS Quảng đưa ra là suốt nhiều năm nay, việc khai - phát ấn đền Trần hết sức linh thiêng, mang tính tâm linh cao, gắn liền với phong tục tập quán lễ nghi truyền thống của Nam Định. Dù lễ khai ấn mấy năm gần đây có thiếu sót, nhưng nhất thiết không thể thay đổi.

“Nhiều năm trở lại đây, đến giờ phát ấn, do nhân dân quá đông, mọi người đến đúng giờ nên có sự xô đẩy. Đây là yếu tố khách quan khó tránh. Hiện tượng này thường phổ biến trên thế giới ở các lễ hội lớn”, TS Quảng nêu ý kiến.

TS
TS Trần Mạnh Quảng - Chủ tịch hội đồng Trần tộc VN. Ảnh: Văn Trinh.

Đồng tình với quan điểm TS Quảng, ông Trần Quốc Văn (80 tuổi), đại diện các bậc cao niên thôn Tức Mặc - Phường Lộc Vượng (địa bàn quản lý đền Trần) bày tỏ: Lễ khai ấn, phát ấn đền Trần lẽ ra không phải bàn luận nhiều vì đây là nét đẹp văn hóa tâm linh, là tập quán tín ngưỡng muôn đời của địa phương, nếu làm đảo lộn tín ngưỡng có nghĩa là đi ngược với lịch sử phát triển văn hóa.

Theo ông Văn, lễ khai - phát ấn vào giờ tý ngày rằm tháng riêng theo tục cổ không nên thay đổi. Nếu khai ấn xong, rồi đợi đến 8h sáng ngày hôm sau mới phát ấn sẽ làm đảo lộn lễ nghi, tín ngưỡng truyền thống địa phương, gây tâm lý bất thường trong nhân dân.

Chú trọng khai - phát ấn sẽ làm mất bản sắc lễ hội đền Trần

Liên quan tới phương án dừng hẳn phát ấn hoặc phát ấn vào sáng hôm sau, đề án tổ chức lễ hội đền Trần Nam Định năm 2012 nêu rõ: riêng với đề xuất không tổ chức phát ấn, chỉ khai ấn, chắc chắn ngay lập tức khắc phục khuyết điểm của mùa lễ hội cũ. Hạn chế tập trung quá đông người vào một thời điểm, tránh sự lộn xộn, thương mại hoá và nguy cơ xảy ra thảm họa.

Đồng thời, phương án này giảm tốn kém về nhân lực, thời gian, chi phí cho ban tổ chức. Mặc dù vậy, việc không phán ấn đền Trần sẽ vướng phải sự phản đối của cộng đồng địa phương. Hơn nữa, việc “cứ không có biện pháp quản lý mà loại bỏ” thể hiện sự thất bại của tỉnh, các cơ quan hữu quan trước các vấn đề đời sống tinh văn hóa tinh thần, tạo ra mâu thuẫn người dân và các cấp chính quyền.

Phương án 2, tổ chức khai ấn như thường lệ, nhưng phát ấn vào sáng hôm sau (tức 15 tháng giêng) có ưu điểm dễ giám sát, quản lý lễ hội, tiếp tục thu hút được công chúng và khoản tiền công đức từ du khách. Nhưng đổi lại, tính thiêng của nghi lễ bị can thiệp, BTC tiếp tục phải đối mặt với một bộ phận dư luận; có những yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát, làm mất hình ảnh chung của lễ hội.

  Nguyên Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trần Chiến Thắng tại hội thảo.
Nguyên Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trần Chiến Thắng tại hội thảo. Ảnh: VT

Để giải quyết triệt để nhược điểm cả 2 phương án dự thảo lần 3 đặt ra, nguyên Thứ trưởng bộ VHTTDL Trần Chiến Thắng cho rằng, thực tế mà nói, nhiều năm qua BTC lễ hội đền Trần mới chỉ chú trọng vào việc khai ấn và phát ấn, còn các hoạt động tiền lễ, hậu lễ hội chưa được chú trọng, làm mất cân đối lễ hội đền Trần. Do đó, chưa tạo ra một không gian văn hóa đặc trưng của Nam Định. Ông Thắng mong muốn năm 2012 lễ hội đền Trần sẽ cân xứng phần lễ, phần hội, được tổ chức ít nhất trong vòng 3 ngày. 

Ông Trần Chiến Thắng bày tỏ thêm, nếu ấn đền Trần trở thành một kỷ vật văn hóa tâm linh với nhân dân cả nước thì nên đưa việc khai ấn ra thực hiện tại một không gian rộng hơn, chứ không chỉ ở trong hậu cung đền Trần.

“Việc phát ấn đền Trần nên tổ chức trong hẳn tháng giêng, để mọi người đều có được ấn mà không phải cố gắng chen chúc nhau”. Nguyên thứ trưởng nói: “Khai ấn nên tổ chức ở một nơi rộng rãi, cho nhân dân du khách thập phương chứng kiến giây phút quan trọng đó, chứ nếu chỉ để riêng quan chức chen chúc nhau vào khai ấn ở hậu cung chật hẹp là điều không hay. BTC lễ hội nên mở rộng không gian hành lễ, mở rộng đối tượng dự lễ”.

Đa phần các đại biểu có mặt tham dự hội thảo nhất trí cao với ý kiến tổ chức khai - phát ấn với phương pháp truyền thống và phát ấn cho đông đảo du khách thập phương vào nhiều ngày tiếp sau đó. Đồng thời, coi việc khai ấn chỉ như một hình tượng khai mở lễ hội đền Trần.

PGS.TS Trương Quốc Bình - Viện Văn hóa Nghệ thuật VN đưa ra lý lẽ: “Lễ hội đền Trần, cũng như là lễ khai ấn phải được coi như 1 tài nguyên du lịch phục vụ khai thác, thỏa mãn văn hóa tâm linh của nhân dân trong nước, du khách quốc tế. Du khách vùng miền xa xôi vẫn có thể nhận ấn đền Trần sau đêm 14 như 1 nhu cầu tâm linh. Tôi tán thành việc tổ chức lễ khai mạc không nhất thiết phải mời quan chức các nơi về khai ấn, vốn tạo nên sự bất bình đẳng trong nhân dân bấy lâu”.
 

16h10 chiều 18/7, hội thảo kết thúc với 16 tham luận của các đại biểu tham dự.

Thay mặt BTC, ông Nguyễn Chí Bền - Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật VN phát biểu tổng kết: "Sau khi nghe các ý kiến xuôi và ngược chiều, chúng tôi xác định cho mình lộ trình xây dựng đề án Tổ chức lễ hội đền Trần Nam Định năm 2012. Và, chúng tôi đang thực hiện từng bước rất thận trọng.

Chúng tôi xác định lễ hội đền Trần nói chung là một di sản văn hóa phi vật thể gắn bó với Vương triều Trần. Đây là 1 di sản văn hóa, cho nên sự tiếp cận và nhìn nhận phải từ phương pháp nghiên cứu của ngành văn hóa học, những tìm tòi từ chính sử rất cần thiết, nhưng đôi khi văn hóa lại không xuất hiện trong chính sử. Chủ trương của Bộ VHTTDL là tiếp việc khai ấn đền Trần theo nghi lễ truyền thống trước đây.

Mô hình tổ chức, quản lý lễ hội đền Trần hiện tại không đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng của người dân. Việc khôi phục lễ hội đền Trần những năm vừa qua, chưa đáp ứng được nhu cầu bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể. Tổ chức lễ hội đền Trần mới chỉ làm được việc khai ấn, phát ấn. Nghĩa là phục hồi một cách chưa toàn vẹn di sản của một dòng tộc…

Tất cả các ý kiến tham luận nêu ra tại hội thảo sẽ được Viện Văn hóa Nghệ thuật VN tổng hợp trình Bộ VHTTDL và UBND Tỉnh Nam Định, sau đó sẽ được áp dụng tại Lễ hội đền Trần năm 2012.


Văn Trinh