Chủ nhân quỳ gập mình “xin đừng sờ đầu rùa” là giảng viên ĐH Kiến Trúc

03/08/2012 07:01
Hải Sơn
(GDVN) - Chủ nhân của những hình ảnh "kỳ quặc"... cúi gập mình “xin đừng sờ đầu rùa” rất ấn tượng đó là anh Phạm Huy Thông, giảng viên Khoa Kiến trúc, Đại học Kiến trúc Hà Nội.
Những ngày qua, các trang báo điện tử và trang mạng facebook thông tin nhiều về việc một nhón nữ sinh có hành động phản cảm ngồi lên cổ cụ rùa (linh vật ở Văn Miếu Quốc Tử Giám - Hà Nội). Việc sờ đầu rùa, leo lên lên rùa tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã khiến dư luận lên án rất nhiều... Để độc giả hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi ngắn với anh Phạm Huy Thông, hiện đang là giảng viên Khoa Kiến trúc, Đại học Kiến trúc Hà Nội - nhân vật chính của hình ảnh kỳ quặc… quỳ gập mình “xin đừng sờ đầu rùa” tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Anh Huy Thông và màn "trình diễn" rất ấn tượng "xin đừng sờ đầu rùa" được chụp lại năm 2010
Anh Huy Thông và màn "trình diễn" rất ấn tượng "xin đừng sờ đầu rùa" được chụp lại năm 2010
“Đợt vừa rồi nhân có chuyện một số bạn đã hành động sờ đầu rùa và sau đó là 2 bạn gái ngồi trên đầu rùa ấy thì các bạn lấy lại hình ảnh đó trên facebook cá nhân của mình và chia sẻ cho những người khác nữa. Nhưng ở đây mọi người trên mạng đang nhầm một chút về thời điểm chụp bức ảnh đó vì mình “trình diễn” hình ảnh ấy từ 2 năm về trước cơ” – anh Phạm Huy Thông, cho biết. Việc như anh nói là đang “trình diễn” hình ảnh của mình giống như một bia rùa đá tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám dường như có một thông điệp nào đó để phản đối chuyện một số người đã sờ vào đầu rùa. Và cũng chỉ nhìn qua cử chỉ, hành động ấn tượng đó thấy được sự đối ngược hoàn toàn với hình ảnh của một số bạn trẻ thiếu ý thức khi sờ vào đầu rùa, thậm chí ngồi cả trên đầu rùa được chia sẻ từ facebook của anh và báo chí đăng tải những ngày gần đây? Chủ nhân hình ảnh "kỳ quặc"… quỳ gập mình “xin đừng sờ đầu rùa” này cho rằng, thông điệp này không có gì quá sâu xa mà đơn giản anh muốn nhắc mọi người hãy hành động và bảo vệ những giá trị văn hóa, lịch sử quý rất cần được bảo tồn, lưu giữ này cho tốt. “Những việc làm của một số bạn trẻ đôi khi không ý thức được họ đang phá hoại giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc và để mọi người có ý thức hơn. Tuy nhiên, trong tác phẩm đó, mình thể hiện có phần hơi lộ liễu nhưng cuối cùng vẫn là mong muốn mọi người “xin đừng sờ đầu rùa!!! vậy thôi. Đó là cơ hội để mọi người cùng bàn luận và suy nghĩ và hành động làm sao cho có ý thức hơn”  - anh Huy Thông chia sẻ.
Hình ảnh phản cảm của hai thiếu nữ khi ngồi lên cả đầu rùa.
Hình ảnh phản cảm của hai thiếu nữ khi ngồi lên cả đầu rùa.
Nói về quan điểm cá nhân mình qua việc tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã cấm sờ đầu rùa, nhưng có người còn ngồi lên cả đầu rùa, anh Huy Thông, cho biết: “Dẫu biết rằng các bạn chưa ý thức được việc làm đó vì họ là những người trẻ nên mình muốn nhắc nhở các bạn ấy cần hành động đúng đắn để không làm hủy hoại đến niềm tự hào của dân tộc chúng ta đang có. Đó là những giá trị chỉ có một mà không có hai trên thế giới đâu”. Trên thực tế, trong văn hóa tâm linh của chúng ta, cứ mỗi khi các bạn trẻ đến Hà Nội dự thi đại học, cao đẳng thì đều đến Văn Miếu – Quốc Tử Giám để tận tay sờ đầu rùa những mong một niềm tin gặp may mắn, thi cử đỗ đạt? – PV đặt câu hỏi. “Vào Văn Miếu thể hiện tôn sư trọng đạo là việc tốt, nhưng sờ đầu rùa hay trong đền chính mà chạm tay vào các bệ thờ nó không phải mang tính văn hóa truyền thống tốt đẹp của chúng ta. Nếu đến đó có thể ngắm nhìn và dành thời gian nghỉ ngơi cho tốt để lấy sức làm bài thi thì hay hơn nhiều. Còn kiến thức ở trong đầu thôi chứ có phải đâu có sờ đầu rùa mà thi cử đỗ đạt được. Đó là những hành động của những người thiếu hiểu biết thuộc về phần chủ quan của con người” – anh Huy Thông bày tỏ. “Khoảng chục năm gần đây xuất hiện việc mọi người tin rằng sẽ được may mắn, thi cử đỗ đạt. Trước hình ảnh đó tôi có nói chuyện với Ban quản lý Văn Miếu – Quốc Tử Giám vì những cái đầu rùa đã phải co chát bằng xi măng rồi. Nhân đó tôi mới làm việc đó đưa hình ảnh ấy lên facebook ngày 8/7/2010, vào đợt thi đại học lần 2, năm 2010” – anh Huy Thông cho biết thêm.
Phần commet trên facebook cá nhân của anh Huy Thông
Phần commet trên facebook cá nhân của anh Huy Thông
Trả lời câu hỏi nếu các bạn tiếp tục có những hành động tương tự tiếp theo như sờ đầu rùa thì anh Huy Thông cho rằng, sẽ tiếp tục thể hiện quan điểm của mình để bảo vệ di sản. “Tôi sẽ không lặp lại hình ảnh đó nữa vì việc này các bạn đã bàn luận rồi. Có thể mình hành động khác nhưng không phải quỳ xuống và làm giống như những bia đá ở trong Văn Miếu – Quốc Tử Giám vì nghệ thuật phải là cái mới, độc đáo. Mình tin mọi người sẽ nghĩ cho mình, còn ”trình diễn” như thế nào đó thì giờ mình chưa tiết lộ được” – anh Huy Thông nói.   Theo anh Huy Thông, khi hành động như vậy, một số người thắc mắc và cho rằng anh đã chèo qua hàng rào để vào bên trong làm việc đó cũng được coi là không có văn hóa. “Có lẽ mọi người không biết vì thời gian năm 2010, khi mình vào đó “trình diễn”, chụp hình là chưa có hàng rào. Khi vào đợt thi đại học chỉ có một số bạn sinh viên tình nguyện đứng nhắc nhở thôi.  Mình xin nhắc lại cái hình ảnh quỳ đó không phải là để quỳ lậy mọi người đi qua mà ở đây mình hiện vai giống con rùa và gửi đến thông điệp: Xin đừng sờ vào đầu rùa!!!” – anh Huy Thông bày tỏ.
Hải Sơn