Khi cha mẹ thích làm thám tử

14/08/2011 07:00
Quản cho chặt, thúc cho kỹ có phải là cách tốt nhất để giữ con cái tránh xa những cạm bẫy?

Quản cho chặt, thúc cho kỹ có phải là cách tốt nhất để giữ con cái tránh xa những cạm bẫy?

Mấy ngày nay, chị H. bực bội chuyện cô con gái 15 tuổi treo trước cửa phòng tấm biển “Vào phòng nhớ gõ cửa” và khoá chặt cửa mỗi khi ra ngoài. Tranh cãi với mẹ về vấn đề này, con chị cho rằng đó là cách tốt nhất để mẹ không xâm phạm đời tư của mình! Những nơi nào thuộc sở hữu riêng tư hầu như cô bé đều “ghi chú” những lời nhắc nhở “vui lòng không mở/không đọc/ không lục tìm… ” làm bà mẹ cảm thấy rất khó chịu khi nó không chịu hiểu sự quan tâm lo lắng mình dành cho con là từ tấm lòng người mẹ.

Vì sợ con mải chơi game không đi ngủ đúng giờ, mẹ của T. âm thầm gắn camera để dễ dàng theo dõi con, khi phát hiện được cậu bé nổi giận đùng đùng lớn tiếng buộc tội mẹ là không tôn trọng con, không tin con và suốt cả tháng không thèm nói chuyện với mẹ!

 


Làm cha mẹ, hầu như ai cũng luôn lo lắng cho con, nhất là khi con vào độ tuổi dậy thì, tuổi có nhiều mối quan hệ bạn bè và tình cảm phức tạp. Trong khi đó, giờ đây ở nhà hay bên ngoài đều có những cạm bẫy rình rập con. Chính vì vậy, đây là giai đoạn cha mẹ và con cái có rất nhiều mâu thuẫn. Cha mẹ mong con độc lập và trưởng thành hơn trong cuộc sống, nhưng lại không dám rời chúng để con cái có cơ hội cọ xát thực tế. Trong khi đó, con cái độ tuổi này càng mong muốn được thể hiện cái tôi của mình, muốn được ba mẹ tin tưởng, tôn trọng hơn là bị kiểm soát, bị kềm cặp. Mong muốn của trẻ rất chính đáng khi muốn được bố mẹ công nhận và đánh giá quyền độc lập của bản thân, cho phép mình được là “một người lớn”.

Nhưng không phải cha mẹ nào cũng hiểu được nhu cầu của con cái. Có trẻ bị cha mẹ quản thúc quá chặt, đi đâu, làm gì mẹ cũng bám theo không rời nửa bước, đến nỗi bị bạn bè chọc là “công tử bột, núp váy mẹ biết bao giờ mới lớn?” X. 15 tuổi, mặc cảm là bố mẹ không hiểu mình và luôn tủi thân khi so sánh với bạn bè. Hè bạn bè được đi du lịch, hội trại vui vẻ… còn X. xin đi đâu cũng bị bố mẹ từ chối. Thậm chí X. đã phải làm một “cuộc cách mạng” khi huy động nhóm bạn đến xin bố mẹ cho X. về quê người bạn trong nhóm chơi vài ngày, vậy mà bố mẹ vẫn nhờ người theo dõi xem con mình trong những ngày ở quê đã chơi với ai, đi đâu, làm gì... Về đến nhà thì bố mẹ lại mở điện thoại X. để xem con đã liên lạc với ai và tra vấn tỉ mỉ như thể con mình là tội phạm!

Trẻ càng lớn lên thì cảm xúc, nghĩ suy càng thay đổi, từ chỗ thích dựa hoàn toàn vào bố mẹ sang thích mở rộng các quan hệ và nếu cha mẹ không nắm được nhu cầu này để đáp ứng hợp lý, trẻ có xu hướng tách rời khỏi cha mẹ và thậm chí ương bướng, chống đối lại. Nếu sợ con cái bị cám dỗ hay sa ngã thì cha mẹ nên định hướng giúp con có những trải nghiệm bổ ích trên cơ sở là người cố vấn, góp ý của con về các mối quan hệ. Cha mẹ nên thảo luận cùng con để đặt ra các giới hạn mà trẻ phải tuân thủ, và khi được tự do trong các ranh giới đó trẻ sẽ có cơ hội để được là người chủ động độc lập, qua đó tổng hợp được nhiều kinh nghiệm quý báu cho bản thân.

Không nên biến mình thành những thám tử đi điều tra, lục lọi, soi mói con cái. Kiểm soát, quản thúc không giúp con sống tự tin và độc lập mà ngược lại càng làm cho trẻ yếu đuối và bất ổn về mặt tâm lý, dễ nảy sinh sự đương đầu chống đối lại để thể hiện bất bình.

Nếu sợ con lao vào cám dỗ, thì cha mẹ cần giúp trẻ nâng cao năng lực nhận thức bản thân, tăng sự “miễn dịch” để chống lại những cám dỗ có hại, hơn là cứ bao bọc hoặc giám sát chặt chẽ con cái nhưng không làm cho con cái trưởng thành hơn.

Theo Thạc sĩ Tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Linh/ SGTT