Đông y, Tây y "mổ xẻ" công dụng "giúp người thon thả" của lá sen

06/08/2012 14:12
Hương Giang
(GDVN) - Lá sen phơi khô, pha giống như pha trà để uống đang gây xôn xao dư luận vì công dụng giảm mỡ máu và mỡ bụng.


Lá sen vừa chữa bệnh, vừa làm đẹp?

Chị Kiều Liên, 50 tuổi, ở Hà Nội cho biết: Tôi được một người quen là tiến sĩ về dược mách cho uống nước sắc từ lá sen khô để trị mỡ máu, đúng là kỳ diệu. Chỉ số cholesterol của tôi là 8,1, bác sĩ kết luận tôi bị mỡ máu, thế mà chỉ sau vài tháng kiên trì uống nước sắc lá sen, chỉ số này đã giảm xuống còn 5,0 (chỉ số bình thường của cholesterol là 3,9-5,2 mmol/l). Tôi cũng được bác sĩ cho thuốc Tây nhưng e ngại tác dụng phụ nên dùng thử lá sen cho lành, không ngờ đạt kết quả tốt như vậy.
Nhiều chị em đang truyền nhau kinh nghiệm giảm mỡ máu, mỡ bụng bằng lá sen.
Nhiều chị em đang truyền nhau kinh nghiệm giảm mỡ máu, mỡ bụng bằng lá sen.

Thúy Hà, 30 tuổi kể về kinh nghiệm của mình: Khi ở với chị họ ở Hồ Tây, chị mách cho uống nước lá sen tươi, mỗi ngày một lá rửa sạch cho vào ấm đun lấy nước uống cả ngày, mới đầu vị ngai ngái hơi khó uống nhưng sau đó quen thấy cũng hay hay. Sau hai tháng thì thấy người nhẹ nhõm hẳn, mỡ hông với mỡ bụng tự dưng biến đi lúc nào không biết.

Trong khi đó, Xuân Thủy, 29 tuổi chia sẻ: Nhà bà ngoại mình có trồng sen, bà cắt lá sen, phơi khô cho mình uống nhưng cũng không thấy ăn thua lắm. Quan trọng là phải luyện tập, chứ ăn bình thường mà uống lá sen mong giảm cân là điều không thể.
Trên một diễn đàn, một bà mẹ trẻ thông báo: Tớ đã giảm được 2kg, vòng bụng từ 88cm còn có 83cm thôi, sướng quá. Chỉ có điều, người huyết áp thấp thì không nên uống lá sen, người mập mà huyết áp thấp thì mất cơ hội dùng loại lá này.

Bác sĩ Đông y: Lá sen giảm béo, giúp người thon thả

Thạc sĩ Hoàng Khánh Toàn, chủ nhiệm khoa Đông y, Bệnh viện trung ương quân đội 108 cho biết, theo dược lý học hiện đại, lá sen có chứa các chất như Roemerine, Nuciferine, Nornuciferine, D- N- Methylcoclaurine, Anonaine, Liriodenine, isoquercitrin, Gluconic acid... Trên mô hình thực nghiệm chuột gây tăng cholesterol máu bằng chế độ ăn, nước sắc lá sen có tác dụng làm giảm cholesterol rõ rệt.
Để có thân hình thon thả, có thể dùng trà lá sen, kết hợp với tập thể dục đúng cách.
Để có thân hình thon thả, có thể dùng trà lá sen, kết hợp với tập thể dục đúng cách.

Nghiên cứu lâm sàng cũng cho thấy dịch chiết lá sen có thể điều trị hội chứng rối loạn lipid máu khi dùng liên tục 3 đợt, mỗi đợt 20 ngày, đạt hiệu quả 91,3 %. Với những người béo phì, mỗi ngày hãm uống 9g lá sen thay trà liên tục trong 3 tháng có tác dụng giảm béo khá tốt.

Theo y học cổ truyền, lá sen vị đắng, tính bình, có công dụng thanh nhiệt lợi thấp, chỉ khát sinh tân, thăng phát thanh dương và cầm máu. Lá sen thường được dùng để chữa các chứng đi lỏng do thử thấp, chóng mặt, phù thũng, nôn ra máu, cháy máu cam, băng lậu huyết, đại tiện ra máu, chóng mặt sau khi sinh con...

Kinh nghiệm dùng lá sen hãm uống thay trà hoặc uống tro lá sen để phòng chống béo phì, làm cho thân hình thon thả, gọn đẹp đã được người xưa biết đến từ rất lâu và ghi lại trong các y thư cổ như Bản thảo bị yếu, Bản thảo cương mục, Trấn nam bản thảo, Nhật dụng bản thảo...
Lá sen có vị trí khá đặc biệt đối với cuộc sống hiện đại khi người ta, do ăn quá nhiều đồ bổ béo và lười vận động thể lực, đang lo sợ trước căn bệnh béo phì và tình trạng rối loạn lipid máu, một hội chứng có tính nền tảng để tạo nên các căn bệnh tim mạch đáng sợ như thiểu năng mạch vành, nhồi máu cơ tim, rối loạn tuần hoàn não...

Bác sĩ Tây y: Giảm mỡ máu bằng thuốc và vận động

Theo thạc sĩ tim mạch Nguyễn Thị Kim Dung, bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội), rối loạn mỡ trong máu hay còn gọi là tăng cholesterol máu là bệnh khá phổ biến hiện nay. Hiện tượng rối loạn mỡ máu là tình trạng tăng lượng cholesterol gây hại (LDL-c) và làm giảm cholesterol có lợi (HDL-c ) đối với cơ thể.

Bệnh là mối lo ngại của nhiều người có tình trạng cân nặng dư thừa, nhưng thực tế nhiều người gầy vẫn bị rối loạn mỡ trong máu. Rối loạn mỡ trong máu là nguy cơ chính của nhiều bệnh nguy hiểm như: cao huyết áp, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, xơ mỡ động mạch...

Có nhiều nguyên nhân gây ra mỡ máu, chủ yếu là do lối sống, ăn thực phẩm có nhiều chất béo, nghiện rượu, ít tập thể dục.

Đàn ông trong độ tuổi từ 35 tuổi, phụ nữ từ 45 tuổi nên đi kiểm tra mỡ máu. Khi đi làm xét nghiệm, nếu không bị mỡ máu thì các chỉ số sau phải ở mức: trị số cholesterol toàn phần phải dưới 200 mg%, LDL-c dưới 130 mg%, HDL-c trên 45 mg%, triglycerid dưới 160 mg%.

Hiện nay, Tây y điều trị mỡ máu bằng các nhóm thuốc hạ mỡ trong máu: nhóm Fibrate, nhóm Statin, nhóm resin. Mỗi nhóm có tác dụng hạ mỡ theo những cơ chế khác nhau. Việc lựa chọn sử dụng loại nào phù hợp trong điều trị cho bệnh nhân sẽ do thầy thuốc chuyên khoa quyết định, vì các thuốc hầu hết đều có hại cho gan và gây nhiều tác dụng phụ khác.
Vận động đúng cách để giảm mỡ máu là vận động phải có oxy, là loại vận động có cường độ nhẹ và vừa như đi bộ, chạy chậm, nhảy dây, đi xe đạp chậm, tập dưỡng sinh… cơ thể có đủ oxy, cơ bắp chủ yếu sử dụng năng lượng thu được từ sự oxy hóa axit béo, mỡ được tiêu hao nhanh. Nếu vận động nhẹ mà thời gian dài thì sự giảm mỡ sẽ trên 80%.

Thời gian vận động phải liên tục, không gián đoạn, ví dụ nên đi bộ nhanh hơn là đi bộ chậm, trên 30 phút liên tục không nghỉ, không phải đi một đoạn rồi nghỉ rồi đi lại. Như vậy là không có tác dụng tiêu mỡ và nên nhớ lúc vận động phải có thở hít sâu, đều đặn bằng mũi hít vào và bằng miệng thở ra. Tóm lại vận động trung bình từ 45 – 60 phút là tốt nhất.

Nếu đi nhanh vào buổi sáng 1-2 giờ, lượng chất béo tiêu hao không đáng kể, trái lại buổi tối dù chỉ đi bộ nửa giờ, lượng chất béo tiêu hao lại tăng rõ rệt. 2 giờ sau ăn tối đi bộ khoảng 40 – 60 phút thì lượng chất béo tiêu hao nhiều nhất, có thể làm giảm sự thèm ăn, rất có lợi cho sự giảm cholesterol và triglycerid máu.
Hương Giang