Hàng chục triệu phú ở nơi tận cùng gian khổ

08/08/2012 06:52
Ở một nơi tưởng như tận cùng gian khổ mà lại có tới hàng chục triệu phú. Chuyện khó tin nhưng có thật ở bản Mạ (xã Bắc Xa, huyện Đình Lập, Lạng Sơn).

Nhường khẩu phần ăn cho đất
Xã biên giới Bắc Xa có địa hình núi đá trắc trở. Để đến được vùng đất này phải mất hơn 3 tiếng đồng hồ lăn lộn đường đất. Trước khi đến miền biên viễn này, tôi cứ mường tượng về một bức tranh ảm đạm của cái đói, cái nghèo như bao vùng cao khác trên dãy núi vùng cao Đông Bắc. Vậy mà lầm.
Bắc Xa là sự khác biệt nằm ngoài sức tưởng tượng. Không ở nơi nào trên vùng cao xứ Lạng có được màu xanh như ở đây. Màu xanh của những đồi thông mà người dân bản địa bắt đầu trồng từ những năm 60 của thế kỷ trước. Trong khi ở đâu đó, các ban, ngành chức năng đau đầu vì nạn phá rừng, đốt nương phát rẫy thì ở Bắc Xa, người dân lại muốn có nhiều đất hơn nữa để trồng thông. Rừng là máu thịt, đang mang lại cuộc sống no đủ cho đồng bào các dân tộc anh em sinh sống nơi này. Cũng nhờ rừng, Bắc Xa chẳng thua bất cứ nơi nào về số lượng triệu phú chân đất. Nhà cửa cao tầng, xe máy đời mới, cuộc sống no đủ…
Nhìn bên ngoài, bản Mạ, nơi trồng rừng nhiều nhất ở Bắc Xa chẳng khác gì phố thị. Theo thống kê, bản Mạ có ít nhất 5-7 ông chủ rừng tài sản lên đến cả tỷ đồng. Chẳng cần phải đi xa, ngay giữa “đô thị vùng cao” này có một ngôi nhà 2 tầng được xây dựng theo lối hiện đại rất bề thế. Chủ nhân ngôi nhà ấy là ông Kỳ Dùng Phú (55 tuổi) một người Nùng, người sở hữu tiền tỷ từ dải đất từng là nơi chó ăn đá gà ăn sỏi. Ông Phú là người trồng rừng đầu tiên, cũng là người giàu có nhất vùng biên Bắc Xa bây giờ. 
Cũng như việc nhầm lẫn về vùng đất Bắc Xa, ông Phú lại là một bất ngờ thú vị với chúng tôi. Giàu có, sở hữu tiền tỷ nhưng vẻ ngoài ông bình dị đến mức khắc khổ. Áo quần lao động, chân đất, không ai nghĩ đây lại là tỷ phú. Cả buổi nói chuyện hầu như rất ít khi ông đề cập đến giàu nghèo. Chỉ chủ đề rừng là say sưa không biết chán. Cũng phải. Bởi tất cả những gì mà vùng cao Bắc Xa có được như hôm nay đều từ rừng mà ra cả.

Hàng chục triệu phú ở nơi tận cùng gian khổ, Tin tức trong ngày, trieu phu, dai gia, trong rung, lang son, rung, bac xa, vung mien nui, dai gia vung nui, bao, tin tuc, tin hot, tin hay

Đại gia Kỳ Dùng Phú

“Ngày đó, tôi làm Chủ nhiệm HTX bản Mạ. Xã Bắc Xa còn cách trở, khó khăn, thiếu thốn lắm. Cán bộ lâm nghiệp đi từ ngoài tỉnh vào đây cũng phải mất ít nhất 2 ngày trời. Mọi thứ thiết yếu mang theo phải dùng sức người, sức ngựa vận chuyển. Bầu để ươm cây cũng được cán bộ vận chuyển vào nhưng không phù hợp với đất này. Sau đó tôi đã có sáng kiến lấy lá cây chít cuốn lại để làm bầu ươm cây. Phải vận động mãi mới được 7 gia đình trong HTX chia nhau trồng rừng vì ai cũng nghĩ trồng rừng lâu ăn quá. Nguồn thu từ rừng chưa thấy, trong khi vẫn phải ăn, phải mặc nên một số người chán nản bỏ đất mà đi. Đến năm 1981, HTX chỉ còn mình tôi. Trong 11 năm chờ cây thông cho mủ để bán, cả gia đình chỉ ăn cơm với muối”.
Đói khổ như thế nhưng ông Phú vẫn nuôi mộng trồng rừng, vẫn quyết tâm sống chết với cây thông. Âm thầm, lặng lẽ mở rộng diện tích rừng trồng thông của gia đình mình. Ông trở thành người đầu tiên của bản học được quy trình ươm giống cây thông. Một trạm ươm cây giống do ông Phú làm tổ trưởng đã được mở ngay trong lòng bản Mạ. Một số người khác, thấy việc làm của ông là lạ nên cứ tò mò làm theo. Ngày ngày họ thay nhau đi lấy lá chít để ông Phú tiến hành ươm cây cho cả bản trồng. Liên tục ươm cây, trồng cây, đồi thông lớn dần, xanh mơn mởn, cả bản tổ chức đốt lửa hò reo như được mùa ngô lúa vậy.
Năm 1991, Nhà nước có chủ trương trồng rừng đầu nguồn, thực hiện khoanh nuôi, bảo vệ rừng, ông Phú lúc này đã là Chủ tịch UBND xã Bắc Xa. Máu trồng rùng lại sôi sùng sục, ông chủ tịch đi vận động người dân bản Mạ xung phong đi đầu nhận 30ha đất để tiếp tục sự nghiệp trồng rừng. “Có chính sách mỗi ha rừng được hỗ trợ 10.000 đồng công chăm sóc trong một năm, mua được gần 3 cân thịt. Bản Mạ trồng 100ha, được 1,1 triệu đồng. Nhưng chẳng nhà nào mua thịt. Tất cả đều dành hết cho đất trống đồi trọc “ăn”, còn người dân chúng tôi chỉ ăn cơm muối với ăn cháo trắng mà thôi”, ông Phú nói.
Vất vả mất vài năm, đến thời điểm thông có nhựa, ông chủ tịch mới lọ mọ rủ một số người mang nhựa thông sang Trung Quốc đổi lấy phân bón, hàng tiêu dùng và gạo mang về. Thấy bản Mạ “được ăn” từ cây thông rồi, các bản khác mới lót ngót vác cuốc xẻng lên đồi trồng. Còn bản thân gia đình ông chủ tịch, tiền bán nhựa thông đã xây được căn nhà khang trang mà nhiều gia đình ở thành phố cũng phải mơ ước.
Đến năm 2008, cánh rừng thông ông trồng năm xưa đã thành cây “cổ thụ” không thể khai thác nhựa. Được sự đồng ý của các cấp chính quyền địa phương, ông đã khai thác để bán gỗ. Năm đó, ông tự nguyện hiến 500 m3 thông (trị giá trên 500 triệu đồng) cho xã có tiền xây nhà văn hóa, các công trình phúc lợi xã hội tại địa phương. Đốn thông đem bán gỗ rồi lại trồng thông lấy nhựa. Bây giờ gia đình ông Phú đã mở rộng diện tích trồng rừng lên khoảng 50ha. Nhà cao cửa rộng, xe cộ, không thiếu thứ gì. 
“Có người ngoài thành phố vào trả tôi cả tiền tỷ để họ trồng rừng thay mình nhưng tôi không bán. Mình có được thành quả như ngày hôm nay là nhờ ngày xưa trồng rừng. Mình trồng trên đất của bản, của xã thì việc hiến một phần thành quả xây dựng quê hương thì làm, chứ bán thì không”, người giàu nhất bản Mạ cười hiền.
Khát vọng xanh miền biên viễn
Vợ của đại gia Kỳ Dùng Phú là bà Hoàng Thị Kiên, khi sinh con được 20 ngày thì bị viêm khớp. Mới đầu chỉ bị tê tay chân, sau chuyển sang đau nhức và rồi liệt hẳn, không đi lại được. Từ năm 1978 đến nay, một mình ông chăm sóc, nuôi dưỡng 5 đứa con trưởng thành. Thằng út Kỳ Văn Lập đang học Đại học Nông Lâm Thái Nguyên. Có người bảo giàu có như ông sao lại phải chịu khổ sở với người vợ tật nguyền? Ông bảo: "Giàu hay nghèo đều là định mệnh, vợ chồng cũng vậy. Người bệnh mà tâm vui vẻ thì mới mong sống lâu. Ông trời không cho ai vẹn toàn. Phải hạnh phúc mà sống thôi".
Mỗi gia đình ở Bắc Xa hiện nay có từ 3 tới 20ha rừng. Cả xã đã phủ xanh được khoảng 4.000ha. Theo tính toán của họ, mỗi ha thông cho thu khoảng 1 tấn nhựa, giá mỗi tấn theo thời điểm hiện tại là 20-22 triệu đồng. Ngoài ra, còn có thể khai thác gỗ thông để bán với giá 1,3 triệu đồng/m3 gỗ. Nhà ít nhất, mỗi năm cũng thu nhập được vài chục triệu đồng.
Đại gia Bắc Xa giờ không thiếu. Nhưng họ giàu từ mồ hôi, công sức của chính mình nên đồng tiền quý hơn nhiều so với những kẻ làm giàu bất chính. Không ăn chơi xa xỉ, không ngông nghênh chơi trội hay làm liều. Rừng đẻ ra tiền nên khi có tiền họ lại đổ hết vào rừng. Tất cả đều chung một khát vọng: Biến Bắc Xa thành màu xanh no ấm.
Năm 2010, thực hiện Dự án 661 do Bộ đội Biên phòng Lạng Sơn làm chủ đầu tư, Đồn Biên phòng Bắc Xa vận động người dân đẩy mạnh trồng rừng tại các khu vực giáp biên. Vừa để phát triển kinh tế, vừa đảm bảo chủ quyền biên giới. Không ai bảo ai, người dân Bắc Xa cũng chẳng cần một buổi vận động nào. Khi vừa nghe có chủ trương họ đã hăng hái đầu tư trồng rừng lên tận cột mốc biên giới.
Trưởng bản Mạ Mùng Văn Phương (40 tuổi) là một trong những triệu phú mới nổi ở Bắc Xa. Lúc chúng tôi tới nhà, ông đang cùng con trai gom nhựa thông thành những lô hàng để xuất khẩu. Nhà ông Phương có 18ha thông. Trong đó, 8ha cho cạo mủ từ năm 2005. Mỗi năm cho thu 3 tấn nhựa. Năm 2011, nhựa thông được giá, có lúc lên tới 49 triệu đồng một tấn. Chỉ cần làm một phép tính đơn giản là có thể biết được số tiền thu từ nhựa thông năm vừa rồi của gia đình ông trưởng bản này là bao nhiêu rồi. Thành thử có gọi ông tỷ phú âu cũng là điều xứng đáng.
Vậy mà tôi mới mở lời ông trưởng bản đã giật mình nay nảy: “Tỷ phú hay triệu phú gì không quan trọng. Bây giờ dân bản Mạ đã sống khỏe nhờ rừng. Chỉ mong sao rừng thông bản Mạ mãi xanh tươi như bây giờ. Đấy mới là điều quan trọng nhất”.
Theo Hoàng Vũ Quang (Nông nghiệp Việt Nam)