Biển Đông: Trung Quốc "góp gió thành bão", chính giới Mỹ bối rối

08/08/2012 14:23
T.H
(GDVN) - Chiến lược “góp gió thành bão” của Trung Quốc đang làm cho các nhà hoạch định chính sách và cả các nhà hoạch định quân sự của Mỹ bối rối trong việc lập kế hoạch quân sự cho Washington.
Bối rối trong việc lập kế hoạch quân sự cho Washington

Báo cáo ngày 27.6 của CSIS đã khuyến cáo rằng Lầu Năm Góc nên tái phân bổ lực lượng từ Đông Bắc Á đến Biển Đông. Cụ thể là đặt nhiều tàu ngầm tấn công hơn ở Guam, tăng cường sự hiện diện của thuỷ quân lục chiến trong khu vực và nghiên cứu khả năng đặt một nhóm tàu sân bay tấn công ở Tây Úc. Thông tin này được báo Sài Gòn Tiếp thị đăng tải.
Biển Đông chắc chắn đang nóng lên từng ngày sau những động thái vừa qua từ phía Trung Quốc, các nước láng giềng và cả Mỹ. Tranh chấp lãnh thổ, quyền đánh bắt cá và đấu thầu các lô dầu khí trên biển đã bắt đầu tăng tốc trong năm nay. Sự gia tăng sức mạnh quân sự của Mỹ trong khu vực theo báo cáo của CSIS và bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta trong một bài phát biểu tháng 6 vừa qua tại Singapore, như một phần nhằm ngăn chặn sự xâm lăng công khai của Trung Quốc trên Biển Đông. Trong phạm vi kịch bản hiện tại, sự hiện diện quân sự của Mỹ dường như đang phần nào phát huy tác dụng.

Tàu hải quân Trung Quốc
Tàu hải quân Trung Quốc

Tuy nhiên, chiến lược “góp gió thành bão” của Trung Quốc đang làm cho các nhà hoạch định chính sách và cả các nhà hoạch định quân sự của Mỹ bối rối trong việc lập kế hoạch quân sự cho Washington.
Phụ lục 4 trong báo cáo hàng năm năm nay của Lầu Năm Góc đã nói về sức mạnh quân sự của Trung Quốc trên Biển Đông, với tuyên bố ngang ngược của “đường chín khúc”. Nhìn lại những động thái trong khoảng ba tháng qua của Bắc Kinh, có thể thấy chiến lược “lát cắt salami” đang lồ lộ hiện ra
Salami là một loại xúc xích muối được ưa chuộng ở thị trường châu Âu, nhưng vì loại này hơi cứng và mặn nên khi ăn cần cắt lát mỏng và ăn dần dần. Tháng 4, Trung Quốc đưa tàu đánh cá vào xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines. Trước ngày khai mạc hội nghị Thượng đỉnh ASEAN ở Phnom Penh, tập đoàn Dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (CNOOC) đưa ra danh sách các lô dầu khí được mời đấu thầu thăm dò và khai thác trong EEZ của Việt Nam. Đến tháng 6, Chính phủ Trung Quốc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” gồm ba quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam và Trung Sa, thậm chí còn công khai gửi một đơn vị đồn trú đến “trung tâm hành chính mới nhằm thực hiện các yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông”.
Vì chưa có những quy chuẩn pháp lý ràng buộc, chiến lược “tích tiểu thành đại” nhằm thôn tính cả “salami Biển Đông” đang được Trung Quốc tích luỹ dần dần qua các hành động nhỏ nhưng liên tục. Về lâu về dài, Bắc Kinh nuôi hy vọng sẽ thành lập được việc chiếm giữ hợp pháp và cả trên thực tế cho các tuyên bố của mình trên Biển Đông. Ở cuối con đường của chiến lược này, hai “giải thưởng” mà Trung Quốc có thể “lờ mờ” nhận ra là khả năng cung cấp dầu khí “phủ phê” trong 60 năm và cắt đứt liên minh quân sự của Mỹ trong khu vực. Sự sụp đổ trong nỗ lực thiết lập một khuôn khổ pháp lý ràng buộc chung trên Biển Đông của ASEAN đang mang đến sự thuận lợi cho chiến lược “lát cắt salami” của Bắc Kinh.
Trong khi đó, Lầu Năm Góc dự định tiếp viện quân sự vào khu vực để chống lại sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách ở Washinton vướng phải “sợi dây” của chính mình. Bởi lẽ, Trung Quốc vẫn đang thực hiện từng hành động nhỏ, chưa có gì đủ để chứng minh cho sự bắt đầu của một cuộc chiến tranh, Mỹ lấy cớ gì để có một chính sách chống lại một cuộc chiến tranh.
Thế nhưng, hóc búa ở chỗ những bước đi nhỏ này theo không gian và thời gian có thể làm nên cả một sự thay đổi cơ bản trên Biển Đông, nơi mà thương mại toàn cầu giao thương qua đây đạt 5.300 tỉ USD mỗi năm, riêng 1.200 tỉ USD là qua các cảng Mỹ. Và hơn thế nữa, nếu “ăn” được cả “salami Biển Đông”, Trung Quốc dường như đã đơn phương viết lại luật hàng hải quốc tế theo ý mình, một cái tát quá lớn với Mỹ và sự tin cậy của liên minh Mỹ với các nước khác.
Nếu Bắc Kinh tiếp tục những “lát cắt salami” của riêng mình trên Biển Đông, Washington có lẽ sẽ đi đến kết luận rằng phản ứng tốt nhất hiện tại là khuyến khích các nước nhỏ có lợi ích trên Biển Đông bảo vệ quyền lợi của họ mạnh mẽ hơn nữa, thậm chí khi có nguy cơ xung đột, hãy yên tâm với lời hứa “chống lưng” của quân đội Mỹ. Điều này nghĩa là Mỹ đi ngược lại với tuyên bố trung lập trong các tranh chấp biên giới biển. Nhưng nếu Mỹ chọn cho mình vị trí trung lập, vì không muốn dấn thân vào các cam kết chưa có sự kiểm soát hay ràng buộc nào thì cũng là điều dễ hiểu. Vấn đề là Washington sẽ phải suy nghĩ thật kỹ về bất cứ hướng đi nào trong tương lai, để đối phó lại chiến lược “lát cắt salami” của Trung Quốc mà không làm mất đi hình ảnh và lợi ích của chính mình.
Nhật lập “đê” phòng Bắc Kinh

Trước những màn gây hấn của Trung Quốc trên biển Đông và biển Hoa Đông, Tokyo đã tỏ thái độ cứng rắn hơn đối với Bắc Kinh. Sách trắng quốc phòng Nhật công bố hôm 31-7 bày tỏ sự lo ngại về việc hải quân Trung Quốc mở rộng tầm hoạt động trên Thái Bình Dương. Báo Tuổi trẻ trích dẫn từ báo Asahi Shimbun, Bộ Quốc phòng Nhật mới đây khẳng định quần đảo Okinawa sẽ là “con đê” ngăn chặn Trung Quốc phô trương sức mạnh quân sự trên các vùng biển xung quanh nước Nhật.
Giới quan sát cũng nhận định việc Trung Quốc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” trên quần đảo Hoàng Sa của VN và đưa quân đồn trú đến đây đã khiến Tokyo lo ngại Bắc Kinh có thể lặp lại chiến thuật này trên biển Hoa Đông. Bộ trưởng quốc phòng Nhật Satoshi Morimoto nhấn mạnh cả Đông Á đều lo ngại về các chính sách, phương hướng của Trung Quốc.
Cũng theo Tuổi trẻ, báo Asia Times dẫn lời nhà phân tích Mỹ Brendan O’Reilly nhận định Chính phủ Nhật lựa chọn thời điểm này để thể hiện sự phản ứng mạnh mẽ đối với Trung Quốc là để thể hiện lập trường chung cùng các quốc gia Đông Nam Á đang bị Bắc Kinh gây sức ép trên biển Đông. Theo nhà nghiên cứu Ian Storey thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore), Tokyo cũng quan ngại việc Bắc Kinh đòi độc chiếm biển Đông sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế Nhật, bởi đây là tuyến hàng hải đưa hàng hóa Nhật sang Đông Nam Á và châu Âu, ngược lại đây là đường nhập khẩu đến 90% lượng dầu của Nhật.
Tokyo vừa công bố kế hoạch tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh an ninh đặc biệt với ASEAN vào năm 2013. Dù Nhật vẫn họp với ASEAN hằng năm, nhưng đây sẽ là một cuộc đối thoại đầu tiên tập trung chủ yếu vào an ninh hàng hải. Chính phủ Nhật cũng cam kết tăng cường hợp tác giữa lực lượng tuần duyên Nhật với các đối tác Đông Nam Á, như mới đây Nhật đã cam kết hỗ trợ Philippines 10 tàu tuần tra.
Tokyo cũng đề nghị mở rộng Diễn đàn hàng hải ASEAN này với các đối tác như Úc, Ấn Độ, Mỹ... để phát triển các cơ chế đa phương nhằm giải quyết vấn đề biển Đông. Hải quân Nhật cũng bắt đầu đẩy mạnh hợp tác với hải quân Ấn Độ, như cuộc tập trận của hải quân hai nước ngoài khơi Tokyo hồi tháng 6. “Chuyện đó chẳng có gì là lạ. Tất cả đều phản ánh mối lo ngại về Trung Quốc” - New York Times dẫn lời chuyên gia quốc phòng Ấn Độ Rahul Bedi nhận định.
Đài Loan đưa vũ khí ra đảo ở Trường Sa

Theo Vnmedia, chính quyền Vùng lãnh thổ (VLT) Đài Loan đã bắt đầu tiến hành các động thái nhằm củng cố sức mạnh quân sự trên đảo Ba Bình ở Biển Đông, trong đó có việc đưa thêm nhiều vũ khí mạnh hơn đến hòn đảo này. Ba Bình là hòn đảo thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam.

Bộ Quốc phòng VLT Đài Loan hôm qua (7/8) cho biết, cơ quan này đang bắt tay với Cục Bảo vệ Bờ biển (CGA) để củng cố khả năng phòng vệ trên đảo Ba Bình theo đề xuất của các nghị sĩ.
“Tất cả mọi việc đều đang được tiến hành theo kế hoạch đưa ra”, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng VLT Đài Loan – ông Luo Shou-he cho biết.
Tuy nhiên, ông Luo từ chối đưa ra bất kỳ lời bình luận nào về những thông tin báo chí gần đây cho rằng, một tàu của Hải quân Trung Quốc được trang bị súng cối 120mm và súng phòng không 40mm vừa xuất phát từ cảng Kaohsiung và sẽ đến đảo Ba Bình trong một tuần nữa.
VLT Đài Loan đã tiến hành đưa thêm vũ khí, súng ống đến đảo Ba Bình dựa theo đề xuất của nghị sĩ Quốc Dân Đảng Lin Yu-fang và một số nghị sĩ khác.
Diễn biến trên diễn ra trong bối cảnh căng thẳng ở Biển Đông đang leo thang nghiêm trọng vì một loạt những động thái “đầy khiêu khích” gần đây của Trung Quốc trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
T.H