Học giả Philippines: "Quả đấm thép" chống TQ chiếm Biển Đông

12/08/2012 07:47
Nguyễn Hường
(GDVN) - Có nhiều lý do để nghi ngờ sự chân thành của Bắc Kinh khi nước này miệng nói rằng ngoại giao là công cụ ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc trong nỗ lực giải quyết tranh chấp trên Biển Đông, nhưng vẫn liên tiếp đưa ra những hành động hung hăng không ngừng

Có thể bạn quan tâm

> Tra cứu ĐIỂM THI ĐH-CĐ 2012 nhanh, chính xác nhất
> Tìm hiểu đất nước Ireland, cơ hội nhận quà cực lớn
> Cả xã hội quan tâm: Tình hình biển Đông 

Trong khi Trung Quốc liên tục leo thang gây căng thẳng trên Biển Đông thì trên mặt trận truyền thông, báo chí Trung Quốc cũng đồng loạt “nhả đạn” bắn loạn xạ, hết chỉ trích Mỹ lại đến chụp mũ, đổ tội cho các bên liên quan.

Ảnh chụp màn hình bài phân tích "Quả đấm thép" của nhà bình luận Art Villasanta người Philippines đăng trên tờ The Philippines Inquirer ngày 8/8
Ảnh chụp màn hình bài phân tích "Quả đấm thép" của nhà bình luận Art Villasanta người Philippines đăng trên tờ The Philippines Inquirer ngày 8/8

Quan sát những động thái leo thang cũng như thái độ trịch thượng, kẻ cả của Bắc Kinh và phản ứng của các bên liên quan, công luận quốc tế về Biển Đông, nhà bình luận kỳ cựu Art Villasanta đã có bài viết “Quả đấm thép” (The Iron Fist) đăng trên tờ The Philippines Inquirer ngày 8/8.

Bài viết phân tích một góc độ khác – giải pháp ngăn chặn Trung Quốc độc chiếm Biển Đông thành ao nhà thông qua việc kêu gọi các bên liên quan đoàn kết chặt chẽ. Xin trân trọng giới thiệu đến độc giả bài phân tích này nhằm cung cấp thêm một góc nhìn đa chiều, góp phần vạch trần âm mưu của Bắc Kinh độc chiếm Biển Đông cũng như thông tin tuyên truyền bóp méo sự thật của báo chí Trung Quốc. Bài viết phản ánh quan điểm riêng của tác giả, nhà bình luận Art Villasanta.
Điều Philippines cần làm bây giờ là dẫn đầu các nỗ lực xây dựng một liên minh quân sự chống lại sự bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông với các nước Brunei, Malaysia, Đài Loan và Việt Nam - nhà phân tích Art Villasanta của tờ Philippine Daily Inquirer nhận định.

Trung Quốc liên tục tăng cường sức mạnh, các hoạt động quân sự trên Biển Đông trong những năm qua, kết hợp với các động thái leo thang căng thẳng gần đây, các bên liên quan không khỏi lo ngại
Trung Quốc liên tục tăng cường sức mạnh, các hoạt động quân sự trên Biển Đông trong những năm qua, kết hợp với các động thái leo thang căng thẳng gần đây, các bên liên quan không khỏi lo ngại

Loạt sự kiện cực kỳ đáng báo động được khơi mào bởi Trung Quốc trong 2 tháng qua là một nguyên nhân đáng thuyết phục để các bên liên quan có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông tin rằng họ cũng là nạn nhân tiềm năng của các hành động gây hấn không ngừng của Trung Quốc trên Biển Đông.
Manila và các bên liên quan nên sớm nhận ra rằng liên minh là lựa chọn khả thi duy nhất để ngăn Trung Quốc theo đuổi "chủ nghĩa đế quốc mới" và giúp các nước này thoát khỏi nguy cơ tuột mất Biển Đông vào tay Bắc Kinh. 
Khi đơn độc, không ai trong số các bên có khả năng chống lại sự bành trướng của Trung Quốc. Nhưng nếu đoàn kết lại, sức mạnh của tập thể sẽ đủ để ngăn chặn sự bành trướng của Bắc Kinh trên Biển Đông.
Có thể hình dung rằng điều này như 5 ngón tay trên một bàn tay. Một ngón rất dễ bị tổn thương, dù là với áp lực rất nhỏ. Nhưng một khi nắm lại, 5 ngón tay sẽ thành một "quả đấm thép" với sức mạnh có thể gây đau đớn cho bất kỳ kẻ thù nào. 

Ngay cả hoạt động đánh cá cũng bị Trung Quốc lợi dụng biến thành thủ đoạn phục vụ âm mưu độc chiếm Biển Đông, mỗi lần ra khơi là một đội hùng hậu, tổ chức chặt chẽ, hậu cần kỹ thuật đảm bảo, có phóng viên đi cùng quay phim chụp ảnh tuyên truyền bóp méo sự thực, có tàu Hải giám hoặc Ngư chính hộ tống
Ngay cả hoạt động đánh cá cũng bị Trung Quốc lợi dụng biến thành thủ đoạn phục vụ âm mưu độc chiếm Biển Đông, mỗi lần ra khơi là một đội hùng hậu, tổ chức chặt chẽ, hậu cần kỹ thuật đảm bảo, có phóng viên đi cùng quay phim chụp ảnh tuyên truyền bóp méo sự thực, có tàu Hải giám hoặc Ngư chính hộ tống

Nắm đấm này một khi được hỗ trợ của Nhật Bản và Ấn Độ (2 quốc gia láng giềng mà Trung Quốc cũng đã biến thành kẻ thù của mình vì các tranh chấp lãnh thổ) nó sẽ giống như một cục sắt được tra thêm cán để biến thành một chiếc rìu lớn.
Cân bằng sức mạnh hải quân
Sử dụng chiến thuật "quả đấm thép" trong hải quân sẽ giúp các nước có thể đối phó lại với Trung Quốc và đưa cả hai bên trở lại thế cân bằng với nhau. 
Cùng hợp tác, các bên liên quan sẽ tập hợp được khoảng 50 tàu chiến (gồm cả tàu khu trục, tàu hộ tống) và 8 tàu ngầm. Số lượng tàu này sẽ còn tăng mạnh hơn nữa vào năm 2020.
Với lợi thế này, các nước trong khu vực có thể đối phó với Hạm đội Nam Hải của quân đội Trung Quốc trong bất kỳ cuộc xung đột nào trên Biển Đông. Được biết, Hạm đội Nam Hải có khoảng 30 tàu khu trục và 8 tàu ngầm diesel-điện hiện đang đồn trú tại căn cứ ở thành phố Trạm Giang, tỉnh Quảng Đông.
Khi xảy ra biến cố, Trung Quốc có thể huy động sức mạnh của Hạm đội Đông Hải (có nhiệm vụ kiềm chế Đài Loan) để bổ sung sức mạnh cho Hạm đội Nam Hải. Nhưng sự hiện diện của Hải quân Đài Loan sẽ ngăn Trung Quốc thực hiện hoạt động hỗ trợ này.

Tàu ngầm tấn công USS North Carolina bất ngờ xuất hiện tại cảng Subic gần bãi cạn Scarborough giữa lúc căng thẳng Philippines - Trung Quốc đang tăng cao
Tàu ngầm tấn công USS North Carolina bất ngờ xuất hiện tại cảng Subic gần bãi cạn Scarborough giữa lúc căng thẳng Philippines - Trung Quốc đang tăng cao

Nếu cùng hợp tác với nhau, sức mạnh của các bên tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông trước Trung Quốc sẽ tăng lên đáng kể. Và điều duy nhất còn thiếu nữa chỉ là một biện pháp đáng tin cậy để có thể gây thiệt hại lớn hơn cho quân đội Trung Quốc.
Một kẻ bắt nạt sẽ không thể hung hăng nếu nó biết kẻ mà mình phải đối mặt có thể đánh bại nó. Thực tế này có thể buộc Bắc Kinh giảm các hành động khiêu khích. Và bất kỳ sự do dự nào của Trung Quốc cũng là một cơ hội đem lại chiến thắng cho các nước đồng minh trong cuộc đấu tranh giành chủ quyền trên Biển Đông. Tuy nhiên, lưu ý rằng, điều này chỉ có được khi các nước cùng hợp tác tạo thành "nắm đấm sắt".
Củng cố sức mạnh Hải quân 
Năm 2011, Việt Nam đã nhận tàu khu trục nhỏ lớp Gepard 3.9 thứ hai đặt mua của Nga. Đây là tàu khu trục tiên tiến nhất trong số 5 nước và ngang tàu khu trục tàng hình La Fayette mà Đài Loan mua của Mỹ. Việt Nam cũng đang chờ nhận lô hàng 6 tàu ngầm lớp Kilo đặt mua của Nga. Các vũ khí mới, do Nga sản xuất, có thể giúp Việt Nam tăng sự tự tin trước Trung Quốc trên Biển Đông - Art Villasanta nhận định.. 
Trong khi đó, Malaysia va Đài Loan cũng nhận ra các giá trị to lớn của tàu ngầm và tàu chiến hiện đại trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia của mình trên Biển Đông. 

Tàu tuần dương tên lửa lớp Kuang Hua VI - Đài Loan
Tàu tuần dương tên lửa lớp Kuang Hua VI - Đài Loan

Ba năm trước, Malaysia đã nhận 2 tàu ngầm Scorpene do Pháp chế tạo. Những tàu ngầm tiên tiến này được trang bị ngư lôi hạng nặng Blackshark và tên lửa chống hạm Exocet SM-39.
Đài Loan cũng bổ sung thêm 4 tàu ngầm, 22 tàu chiến và 4 tàu khu trục. Ngoài ra, Hải quân Đài Loan còn đóng 30 tàu tuần tra tên lửa lớp Kuang Hua VI.
Hải quân Brunei cũng có tàu hộ tống có trang bị tên lửa và tàu tuần tra tốc độ cao.
Trong khi đó, Hải quân Philippines đang ngày càng được gia tăng sức mạnh sau quyết định đầu tư mạnh mẽ cho Quốc phòng của Tổng thống Benigno Aquino II. 
Một tàu khu trục nhỏ lớp Hamilton thứ 2 sẽ sớm được biên chế trong lực lượng Hải quân trong năm nay và một chiếc BRP Gregorio del Pilar và 1 tàu khu trục nhỏ nữa vào năm tới. Tàu khu trục lớp Hamilton dự kiến sẽ được trang bị tên lửa và hệ thống vũ khí chống máy bay.

Tàu khu trục lớp Maestrale Hải quân Philippines vừa mua của Ý.
Tàu khu trục lớp Maestrale Hải quân Philippines vừa mua của Ý.

Nhưng tin đáng mừng nhất là Philippines sẽ có 2 tàu khu trục do Ý sản xuất được trang bị tên lửa hạm đối hạm và đất đối không. Đây sẽ là những tàu chiến hiện đại nhất của Hải quân nước này.
Mặc dù số lượng có thể ít ỏi và khả năng chiến đấu có thể kém hơn, nhưng Manila hy vọng rằng với sự hỗ trợ của Mỹ và quyết định triển khai 60% sức mạnh Hải quân tới Thái Bình Dương của Washington sẽ khiến Trung Quốc phải chùn bước.
Trung Quốc, tuy nhiên, đã thể hiện sự cứng rắn trong tuyên bố đòi bá quyền trên Biển Đông của mình. Và có nhiều lý do để nghi ngờ sự chân thành của Bắc Kinh khi nước này miệng nói rằng ngoại giao là công cụ ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc trong nỗ lực giải quyết tranh chấp trên Biển Đông, nhưng vẫn liên tiếp đưa ra những hành động hung hăng không ngừng gần đây.
Chỉ có một "quả đấm thép" mới có thể buộc Trung Quốc từ bỏ tham vọng của mình. Và các nước "liên minh" có thể học hỏi điều đó từ những sự kiện lịch sử gần đây.

* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!

Nguyễn Hường