Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật 0917.84.9911

Đắng lòng chuyện con trai nằm ở đường ray tự sát vì mẹ làm "gái"

14/08/2012 06:51
Uông Ngọc Tân
(GDVN) - Cái tin thằng K tự sát như một tiếng sét đánh ngang tai chị, chị gục xuống và nấc lên không thành tiếng.
Chị không tin nổi vào cái sự thực quá đau đớn ấy. Chị đã khóc rất nhiều, khóc cho cạn khô hết nước mắt, khóc cho vơi hết những nỗi đau tưởng chừng như không bao giờ dứt, khóc để quên đi những tháng năm tăm tối, ê chề, nhục nhã của kiếp đời làm “gái bán hoa”… Tên khai sinh đầy đủ của chị là Nguyễn Thị C, chị nhớ vậy, còn về năm sinh, tháng đẻ chính xác của mình, chị cũng quên bẵng đi mất. Đã từ rất lâu rồi chị không nhớ đến nữa, chị chỉ mang máng trong đầu mình: “Hình như năm ni chị đã ngoài 49- 50 tuổi chi đó thì phải...”.
Những năm tháng cơ cực
Hiện giờ, chị đang sống đơn thân gối chiếc, một mình thui thủi trong gian nhà nhỏ nằm sát ven một con đường tại phường An Cựu, TP Huế. Ban ngày, chị đi làm thuê làm mướn, chiều tối về xách thúng mủng đi bán rong những thứ như trứng vịt lộn, cóc, xoài ổi…để kiếm vài đồng bạc lẻ. Cánh cửa nhà chị chiều nay đóng khép. Khép nhưng không khoá và hình như chị chẳng bao giờ khoá, bởi nói như chị Bé, một người hàng xóm bên cạnh thì “bên trong gian nhà nhỏ ấy, chẳng có lấy một thứ gì đáng giá để mà kẻ gian lấy đi cả!”.
Chị C, người đàn bà “tội lỗi đã trở về”. Ảnh: Uông Ngọc Tân
Chị C, người đàn bà “tội lỗi đã trở về”. Ảnh: Uông Ngọc Tân
 Chị đi vắng, cửa không khoá nhưng chúng tôi không dám tự tiện vào nhà nên ghé sang quán nước bên cạnh ngồi chờ chị. Quán nước vắng teo, trong quán chỉ có dăm ba người phụ nữ vô công rỗi nghề ngồi hóng hớt những câu chuyện phiếm trên trời dưới đất.
Biết nhà báo đến tìm hiểu về chuyện đời chị C, những người phụ nữ bèn dừng câu chuyện đang vào hồi sôi nổi của họ lại rồi quay sang hỏi tới tấp: “Bà C hả? chú hỏi về bà C hả? cứ hỏi chị đây nì! Tội lắm, chuyện chị ta thế nào chị biết cả, ai mà chẳng có những lầm lỗi à chú! Hoàn cảnh đẩy đưa cả thôi em à…”. Bưng chén nước ra mời khách, chị Lê Thị Bé, chủ quán nước cắt ngang những câu hỏi liên tục, dồn dập của mấy bà hàng xóm rồi ngồi xuống chậm rãi kể tôi nghe về cuộc đời của chị C. Chị C là con đầu của một gia đình đông con, nghèo vào loại bần cùng nhất của TP Huế những năm 1960- 1965. Bố hành nghề thợ nề, đạp xích lô... Mẹ quanh năm buôn bán những thứ lặt vặt như rau quả, cá mú, hến hàu ở các khu chợ Đông Ba, Tây Lộc, An Cựu… Cuộc sống khốn khó khiến chị và mấy đứa em không được học hành tử tế. Hết lớp 3, chị bước chân vào đời kiếm sống, quanh năm không quản mưa nắng rong ruổi khắp nơi đi bán bánh mì, bánh bao dạo. Năm chị 12 tuổi, bố mất sau một cơn bạo bệnh, để lại gánh nặng gia đình lên đôi vai gầy của mẹ… 18 tuổi, nghe lời mẹ, chị đi lấy chồng. Gia cảnh bên chồng cũng không khá khẩm hơn là bao. Lấy nhau về, chồng làm thợ nề, chị buôn gánh bán bưng kiếm sống. Cái nghèo vẫn thế, đeo đẵng bám riết lấy họ tưởng chừng như không dứt. Những năm sau giải phóng, phong trào đi làm kinh tế mới ở các tỉnh Tây Nguyên diễn ra rầm rộ. Không cam chịu mãi cảnh cực, 2 vợ chồng trẻ quyết rời xứ Huế mộng mơ để lên Tây Nguyên lập nghiệp. Tại đó, sau những cố gắng ban đầu, họ cũng đã dựng lên được một căn nhà nhỏ, một mảnh vườn với những cây cao su con đang vào độ xanh tươi mơn mởn. Thế nhưng, cái số cực vẫn chưa chịu buông tha lấy họ. Một buổi sớm tinh sương, 2 vợ chồng thức dậy, họ bàng hoàng khi nhìn những cây cao su con chết rộc rã ngổn ngang… Và rồi liên tiếp sau đó, mùa màng thất bát, cơ ngơi vốn liếng ban đầu của họ có được cứ dần dần tiêu tan theo mây khói. Chán đời, anh chồng bỏ nhà đi theo người đàn bà khác để lại vợ và đàn con thơ nheo nhóc. Đau khổ, cùng quẫn, chị lại dẫn các con quay về Huế, dựng một căn lều nhỏ ở cái xóm ổ chuột này rồi một mình bươn chải kiếm sống, nuôi đàn con thơ. Chính trong những ngày tháng cơ cực, bần cùng đó, chị sa chân vào cái nghề dơ dớp dưới đáy xã hội - nghề “gái bán hoa”… Kể đến đây, thì cũng vừa lúc chị về. Câu chuyện đành tạm dừng lại…Cái chết của con trai… Tôi cùng anh bạn đồng nghiệp, vốn là chỗ quen biết với chị, cùng bước theo chị vào bên trong nhà. Tôi xin phép chị để thắp lên bàn thờ K một nén nhang. Nhìn lên di ảnh con trai, đôi mắt chị rưng rưng chực khóc. Vậy là đã hơn một năm kể từ ngày thằng K mất, trong ngôi nhà nhỏ được che bằng những tấm tôn cũ kỹ đầy những lổ thủng chi chít này dường như bao trùm một cảm giác trống vắng, quạnh quẽ, ảm đạm. Trên hương án, khói nhang nghi ngút cháy, những sợi khói trắng mỏng manh dập dờn bay ra từ bình nhang bàn thờ thằng K chạm vào đôi mắt chị, không cầm được lòng, chị lại khóc.
Những giọt nước mắt ẩn chứa sự hối hận của chị C. Ảnh: Uông Ngọc Tân
Những giọt nước mắt ẩn chứa sự hối hận của chị C. Ảnh: Uông Ngọc Tân
“Nhiều khi ban đêm nằm ngủ một mình, buồn nhớ con da diết mà nước mắt cứ chảy ra. Thằng K hồi còn sống, nó thương chị lắm! Nó biết chị đi làm gái, nó nhục nhã với bạn bè, buồn tủi. Rứa mà đêm mô, nó cũng thức đến 12 giờ, 1 giờ để chờ chị về. Chị ngủ rồi, nó mới chịu chợp mắt. Có lần nó nói: “Mẹ bỏ nghề đi mẹ!”. Nghe mà chị đau cả ruột gan! Nói thì chẳng ai hiểu mô, chị đi làm gái trước cũng vì hoàn cảnh cuộc sống éo le đưa đẩy. Không ngờ đời chị nó trượt dài rồi không buông ra được. 20 năm, mỗi lần tối đến, bước chân đi là chị phải nghiến răng chịu đau đớn mà đi!”. Viết đến đây, tôi bất giác chợt nghĩ, hẳn là có người khi đọc những câu chữ này của tôi sẽ không tin vào nước mắt của chị mà nói rằng: “Ôi chao, nghe mà nghe cave kể chuyện, nghe mà nghe thằng nghiện thanh minh”, nhưng nếu ai trực tiếp thấy chị khóc, nhìn vào đôi mắt ẩn chứa nỗi day dứt hối hận đến quặn lòng của một người mẹ có con vì mình mà đi tự sát thì mới thấu hết nỗi đau đớn của chị. Trên đời này, dù xấu xa hay đẹp đẽ, dù nghèo hèn hay cao sang thì tận sâu trong trái tim của mỗi người phụ nữ luôn tồn tại một thứ tình cảm thiêng liêng, đó là tình mẫu tử. 20 năm đi làm “gái”, chị phải chịu mọi đau đớn ê chề về thể xác, nhưng có một nỗi đau đớn khôn nguôi, day dứt lòng chị đó là sự xa lánh, sự ruồng bỏ của anh em, họ hàng, gia đình. Họ nhìn chị với con mắt khinh bạc, rẻ rúng. Họ tránh xa chị như tránh xa một thứ bẩn thỉu, hôi hám. Hai đứa lớn con của chị, do mặc cảm, không chịu được điều tiếng rằng: “Mẹ mày đi làm đĩ” đã bỏ về sống với cậu mợ của nó dưới quê. Chị chỉ còn lại mỗi thằng K ở bên chị, làm điểm tựa tin thần cho chị. Hồi thằng Kỳ còn sống, nó là đứa hiền lành, chăm chỉ, chịu khó, sống rất được lòng bà con lối xóm. Học hết lớp 3, nó bỏ học ra đời kiếm sống mưu sinh. Mẹ đi làm gái, ra vào trại cải tạo quanh năm, K sống trong căn lều rách nát một mình, nó mày mò học nghề rồi tự mở tiệm vá xe đạp. Tuy vậy, nỗi tủi nhục ê chề cái sự thực mẹ nó đi “làm gái” vẫn luôn ám ảnh lấy nó. Nó buồn bã, chán nản rồi không biết từ khi nào sinh ra tật uống rượu, nghiện rượu. Chị Bé, người hàng xóm của chị C kể lại: “Buồn đời, nó thường xuyên nghĩ tới cái chết. Cứ mỗi lần say rượu, thằng K lại nằm lăn ra trên đường ray ngủ để quyên sinh. Nhưng mấy lần như rứa, nó đều được bạn bè, hàng xóm phát hiện, can ngăn lại”. Rồi buổi tối định mệnh, K lại say rượu, như thường lệ nó lại lăn ra thanh ray nằm ngủ và trong đêm đó, K đi mãi… K mất, hàng xóm đều xót xa, tiếc thương cho nó. Ngày đám tang nó, trời mưa xối xả, từ trại giam, chị C được bảo lãnh về tang con. Lúc ấy, người ta đã nói dối với chị là về nhà có việc. Về đến nơi, chứng kiến sự thật quá đau đớn ấy, chị đã ngất lịm……Và sự thức tỉnh của lương tri người mẹ Cái chết của thằng K là hồi chuông thức tỉnh lương tri của chị. Trước lúc chết, K để lại lá thư gửi cho chị, trong đó có đoạn: "Mẹ ơi, mẹ hãy vì con mà bỏ nghề đi. Con không muốn mẹ đi làm như vậy nữa, con thấy buồn và nhục nhã lắm mẹ ơi…". Chị bỗng bàng hoàng nhìn lại mình, nhìn lại quãng thời gian suốt 20 năm nhơ nhớp đi “làm đĩ” rồi chị đứng lên đoạn tuyệt hẳn với nghề. Vậy là thằng K đã dùng chính cái chết của mình để thức tỉnh, cứu vớt cuộc đời mẹ nó, một sự đánh đổi quả là đắng cay và đau đớn. Không lâu sau khi K mất, chị trở về từ trại giam và sống một mình trong căn lều dột nát. Bạn bè của K vẫn thường xuyên lui tới động viên chị. Thương cho số mệnh buồn thảm của thằng K, cũng như thấy được sự quyết tâm làm lại cuộc đời của chị, hàng xóm láng giềng, chính quyền địa phương, các cơ quan đoàn thể đã quan tâm giúp đỡ, động viên, cùng chia sẽ nỗi đau với chị. Hội chữ thập đỏ cũng đến giúp đỡ và dựng lên cho chị một gian nhà tạm để chị ở như hiện nay. Ban ngày, chị đi làm thuê làm mướn, từ việc giặt quần áo thuê, phụ hồ cho đến bưng bê trong các quán ăn, quán nhậu… Việc gì chị cũng làm, miễn là có trả công và nó là công việc đàng hoàng, tử tế. Ban đêm, chị lại một mình với gánh hàng rong đi bán dạo những thứ cóc, xoài, ổi, trứng vịt lộn. Ông Lê Ngọc Thuận, tổ trưởng khu phố, người đã có nhiều giúp đỡ cho việc hoàn lương, làm lại cuộc đời của chị C cho biết: “Từ ngày cháu K mất, C đã thực sự hoàn lương. Chính quyền địa phương ở đây cũng thấy được như vậy nên cũng đã tạo mọi điều kiện để giúp đỡ C. Tuy vậy, cuộc sống của C hiện nay cũng vất vả khó khăn lắm, buôn bán nhỏ lặt vặt không được là bao cả”. Chị C tâm sự: “Số chị cực từ nhỏ đến lớn. Con mất, người làm mẹ như chị không có gì đau đớn bằng. May mà có bà con lối xóm bên cạnh qua lại an ủi nên cũng thấy nhẹ lòng phần nào. Chừ tuy cuộc sống vất vả cực khổ nhưng mà đồng tiền chị kiếm ra là những đồng tiền lương thiện, sạch sẽ bằng sức lao động chân chính của mình. Cuộc sống phía trước không biết sẽ ra răng nữa nhưng mà chị sẽ sống tốt cho đến hết cái đoạn trường cái kiếp ni như thằng K trước kia mong muốn!”. …Màn đêm buông xuống, chị lại bắt đầu với công việc hàng ngày là dọn gánh hàng rong đi bán dạo. Mấy hôm nay, lưng chị đau nhức quá, nhưng rồi chị tự nhủ mình vẫn phải cố gắng đi bán để mà kiếm ít tiền cho những lúc mưa bão, trái gió trở trời. Nhìn dáng đi còm cõi của chị với gánh hàng rong khuất dần trong ánh đèn điện chập chờn, tôi bất chợt nhớ lại câu nói của anh bạn Nguyễn Phạm Thiên Huy (một người đã từng đi tù rồi hoàn lương, vươn lên trở thành ông chủ của một công ty chuyên phục chế nhà rường nổi tiếng ở Huế và cả nước): “Trên đời, đã là con người thì ai cũng sẽ mắc những sai lầm, khuyết điểm. Điều quan trọng là mỗi người phải biết nhìn ra và sửa đổi. Không bao giờ là quá muộn và cũng không có gì là không thể!...”. Có lẽ câu nói này của Huy đúng với chị C bây giờ!

* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!

Uông Ngọc Tân