"Ngồi lê" Hà Nội: Đâu phải người tỉnh lẻ nào cũng muốn

19/08/2012 07:06
Độc giả Lena/ Vnexpress
Nếu ở quê có đất mà cày, thóc gạo làm ra mà đủ sống và nuôi con cái ăn học thì mấy ai bỏ quê để ra Hà Nội, chấp nhận cuộc sống tạm bợ chỉ để góp nhặt vài đồng, nuôi con cái và bố mẹ già vẫn còn ở quê?

Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, các cụ và ông bà nội ngoại cũng là người Hà Nội. nhà vẫn còn nhà thờ Tổ ở làng Ngọc Hà, ngẫm ra thì có lẽ mình là người Hà Nội gốc.

Nhưng mà nếu so sánh với các đặc điểm mà mọi người hay tả về người Hà Nội gốc thì có lẽ mình lại không phải: không thuộc loại "đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên".

Mỗi lần nhớ về Hà Nội, lại nhớ đến cảm giác thanh bình ngày xưa, khi mà mỗi tối, sau chương trình "Những bông hoa nhỏ", trẻ con cả phố ùa ra sân chơi, mỗi sáng mùa hè hò hét nhau dậy tập thể dục. Cái thời bao cấp khổ nhưng mà vui. Một năm bố mẹ chỉ mua kem Tràng Tiền cho ăn thỏa thuê một lần vào ngày sinh nhật.

Cái hồi mới đi du học vào cuối những năm 90, chả thể nào nghĩ mình có thể sống ở một nơi không phải là Hà Nội. Nhưng mà mỗi lần về thăm, lại thêm một lần thất vọng, lần sau nhiều hơn lần trước.

Hà Nội bây giờ sao đông đúc, ồn ào, bẩn thỉu thế? Đi đâu cũng chỉ thấy người với người. Tắc đường thì người ta chen lấn, xô đẩy nhau, tắc lại càng tắc. Ngạc nhiên thấy xe cứu thương bấm còi inh ỏi mà chả có ai nhường đường. Nếu một ngày mình hay người thân của mình cũng phải nằm trong xe thì sao nhỉ ?!

Một Hà Nội xô bồ và tấp nập (Ảnh minh họa)
Một Hà Nội xô bồ và tấp nập (Ảnh minh họa)

Ngày xưa cũng có nhiều quán vỉa hè, nhiều hàng ăn sáng như bây giờ, nhưng chả có tình trạng lôi kéo, chặt chém khách.

Người bán "lấy công làm lãi", làm càng ngon thì càng đắt khách, chả phải lôi kéo khách vào ăn, giá cả thì ai cũng như ai. Khách quen thì cho thêm ít ruốc hay cho thêm vài cọng hành, thế là khách đã cảm thấy được ưu ái lắm rồi.

Hàng nào có khách Tây vào ăn thì khách được chủ đặc biệt ưu ái: "phải ăn thế này, thế này này...". Lắm lúc bát của Tây còn được cho nhiều đồ ăn hơn, mặc dù cùng giá vì "Tây ăn khỏe lắm!". Chả khách nào ghen tị, chủ thì tự hào: "Tây cũng thích ăn đồ mình nấu!".

Giờ đi ăn phải hỏi giá cả, mà tốt nhất là hỏi khách ngồi bàn bên cạnh trước rồi mới hỏi chủ quán. Dù mình vẫn nói giọng Hà Nội, nhưng mà ai dám chắc chủ quán sẽ không nói giá cao lên khi thấy vẻ mặt ngu ngơ của mình? Chưa kể vừa ăn vừa sợ đồ ăn không đảm bảo vệ sinh. Giờ có bao nhiêu chủ hàng ăn "dám" ăn đồ mình bán?

Hà Nội quá đông người! Nhưng chả trách những người nhập cư ra Hà Nội làm ăn rồi ở lại, cũng chả trách sinh viên ở quê ra học rồi không quay về quê. Người ta cũng chỉ vì miếng cơm, manh áo mới phải tha phương cầu thực thôi, ai mà chả muốn được ở nơi chôn rau cắt rốn của mình?

Nếu ở quê có đất mà cày, thóc gạo làm ra mà đủ sống và nuôi con cái ăn học thì mấy ai bỏ quê để ra Hà Nội, chấp nhận cuộc sống tạm bợ chỉ để góp nhặt vài đồng, nuôi con cái và bố mẹ già vẫn còn ở quê? Sinh viên học xong ra trường về quê thì xin việc chỗ nào?

Muốn trách thì trách các cơ quan chức năng, không đề ra được giải pháp gì hữu hiệu để giãn dân. Hà Nội đông thế, sao các trường đại học, các bệnh viện cứ phải tập trung ở Hà Nội?

Biết là có nhiều dân nhập cư, sao không có biện pháp gì để quản lý, cũng không có biện pháp gì để hỗ trợ người ta? Vẫn trách những người vô tư vứt rác ra đường, nhưng đi cả một đoạn phố dài không tìm thấy một cái thùng rác, vậy sao chỉ trách người vứt rác mà không trách ai đã gián tiếp gây ra tình trạng này?

Giờ đọc báo thấy mọi người khen Hà Nội thì ít, chê thì nhiều. Nhưng biết làm sao được?

Ngay bản thân mình cũng phải chọn cách ra đi. Đã không làm được điều gì tốt cho Hà Nội, thì cũng chẳng nên trách gì Hà Nội, trong lòng chỉ thấy buồn mà thôi...

Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết, những ý kiến của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thểBẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!

Độc giả Lena/ Vnexpress