Cử tri kiến nghị bảo vệ vững chắc chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ

21/07/2011 23:27
(GDVN)-"Cử tri và nhân dân rất bất bình với việc gần đây một số tàu của Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thuộc chủ quyền của nước ta".

(GDVN) - “Cử tri, nhân dân tỏ ra bất bình với việc tàu Trung Quốc xâm phạm vùng thềm lục địa Việt Nam và kiến nghị Đảng, Nhà nước  tăng cường hoạt động đối ngoại, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc”.

Trong khuôn khổ ngày khai mạc kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIII, chiều ngày 21/7, Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận tổ quốc (MTTQ) Việt Nam Huỳnh Đảm đã trình bày báo cáo Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016.

Bất bình với tàu Trung Quốc xâm phạm lãnh hải.

Về tình hình biển Đông, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Huỳnh Đảm nêu rõ: cử tri và nhân dân rất bất bình với việc gần đây một số tàu của Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thuộc chủ quyền của nước ta, gây ảnh hưởng không tốt đến mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước. Do đó, cử tri và nhân dân cả nước kiến nghị, trong thời gian tới Đảng và Nhà nước, tăng cường hoạt động đối ngoại, bảo đảm an ninh, quốc phòng, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
 

Nắm chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển đảo
Nắm chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Đối với các vấn đề về kinh tế- xã hội của đất nước, cử tri và nhân dân cũng tỏ ra băn khoăn, lo lắng về sự phát triển chưa vững chắc của nền kinh tế. Trong đó, hiện nay có nhiều ngành kinh tế lệ thuộc vào nước ngoài về công nghệ và nguyên, nhiên liệu. Đặc biệt, tình trạng lạm phát, giá cả tiếp tục tăng cao đã và đang gây ảnh hưởng bất lợi đến đời sống của nhân dân và sự phát triển kinh tế-xã hội

“Chênh lệch giàu nghèo gia tăng; tình trạng ô nhiễm môi trường, mất vệ sinh an toàn thực phẩm, tai nạn giao thông, tội phạm, tệ nạn xã hội không giảm; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân chưa tốt; cải cách thủ tục hành chính còn chậm, tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí chưa được đẩy lùi”- Ông Huỳnh Đảm nhấn mạnh.

Lựa chọn người có đức, có tài.

Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Huỳnh Đảm cho rằng, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét để bầu hoặc phê chuẩn các chức vụ trong các cơ quan Nhà nước ở Trung ương. Do đó, cử tri và nhân dân kiến nghị Quốc hội nêu cao tinh thần trách nhiệm, sáng suốt lựa chọn những người có đức, có tài, thực sự tiêu biểu để đảm nhiệm những chức vụ trong bộ máy. Đồng thời, mong muốn những người được Quốc hội bầu hoặc được phê chuẩn cần có chương trình hành động gửi đến Ủy ban thường vụ Quốc hội và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để theo dõi, giám sát.

Ngoài ra, cử tri và nhân dân cả nước mong muốn và kiến nghị Chủ tịch nước nhiệm kỳ này, quan tâm hơn nữa công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng và thực hiện các chức năng, nhiệm vụ quan trọng khác. Đồng thời kiến nghị Quốc hội cụ thể hoá hơn nữa các quy định của chế định Chủ tịch nước trong Hiến pháp. Qua đó, để Chủ tịch nước thực sự phát huy vai trò rất quan trọng trong bộ máy Nhà nước ở Trung ương.  

“Để từng trẻ em cũng có thể hiểu chủ quyền lãnh thổ của mình”

Đó là khẳng định của Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm trao đổi xung quanh vấn đề tình hình biển Đông bên lề kỳ họp thứ nhất QH khóa XIII.

Ông Nguyễn Mạnh Cầm cho biết thêm: Theo tôi được biết thì lần này trong chương trình có việc nghe báo cáo của Chính phủ về vấn đề biển Đông. Khi nghe báo cáo tất nhiên QH sẽ có việc trao đổi, cho ý kiến nhưng quan điểm của ta đã nói rõ bằng nhiều cách. Vừa rồi chúng ta cũng có một số biện pháp để nhân dân hiểu rõ lịch sử của 2 quẩn đảo này thế nào, lẽ phải của chúng ta ở đâu và sai trái của các nước như lý lẽ của Trung Quốc không phù hợp với luật pháp quốc tế và công ước luật biển thì chúng ta cũng phải nói rõ với nhân dân như vậy.

Vừa qua chúng ta có đề cập cần phải đưa nội dung này vào chương trình học trong trường phổ thông, tôi thấy rất cần thiết để từng trẻ em cũng có thể hiểu chủ quyền lãnh thổ của mình như thế nào, trên  cơ sở đó có thể thu được sự ủng hộ của toàn thể dân tộc, cộng thêm với dư luận quốc tế chúng ta sẽ bảo vệ được chủ quyền của mình”.

Quốc hội khóa mới dự kiến có 4 Phó chủ tịch 

16h chiều 21/7, Tổng bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã đọc tờ trình dự kiến số lượng ủy viên Thường vụ Quốc hội là 18. Số phó chủ tịch Quốc hội là 4, tương đương khóa 12.

Theo tờ trình, 4 phó chủ tịch Quốc hội khóa 13 sẽ phụ trách các lĩnh vực: văn hóa - xã hội, kinh tế - tài chính, pháp luật - tư pháp và an ninh - quốc phòng. Ngoài chủ tịch và phó chủ tịch Quốc hội, 13 ủy viên Thường vụ còn lại sẽ là chủ tịch Hội đồng dân tộc, chủ nhiệm các ủy ban và trưởng một số ban giúp việc cho Thường vụ Quốc hội.

Quốc hội khóa 12 có 4 phó chủ tịch là các ông Nguyễn Đức Kiên, Uông Chu Lưu, Huỳnh Ngọc Sơn và bà Tòng Thị Phóng. Ngoại trừ ông Nguyễn Đức Kiên không tham gia khóa mới, 3 phó chủ tịch còn lại tiếp tục trúng cử đại biểu Quốc hội.

Số ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 12 là 18, trong đó 8 người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa 13. Ngoài Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng và 3 phó chủ tịch nêu trên, còn có các ông bà: Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách; Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội; Ksor Phước, Chủ tịch Hội đồng dân tộc và ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng.

Tư Khương

{iarelatednews articleid='7468,4633,1718,8256,8214,8136,8051,7820,7506,5638,2894,1719'}