Hơn 300.000 người thích kinh nghiệm tăng lương của GS Cù Trọng Xoay

18/08/2012 07:30
Long Hy (Tổng hợp)
(GDVN) - Mới đây trên facebook của mình, "giáo sư" Cù Trọng Xoay – Đinh Tiến Dũng đã có một bài viết tâm sự giống như một bài học cho các bạn trẻ biết kiếm tiền như những người thành đạt thì cần phải có “quá trình”.

Lời chia sẻ này của Đinh Tiến Dũng đã thu hút được một lượng “fan” khủng khiếp, với 311.860 lượt người ấn “Like”, 1.966 lời bình luận và 2.425 người chia sẻ trên facebook.

“Hồi sinh viên mình có chiếc quạt điện, chẳng hiểu sao đang yên đang lành nó lại quay rất chậm, rồi không quay nữa, nóng rực. Mà sinh viên thì lấy đâu ra tiền mua mới, thế là vác đi sửa. Ra hàng sửa quạt, bác thợ điện già tháo ra ngó nghiêng một hồi, rồi cầm cái búa gõ "cốp" một phát, thế là lại chạy ngon lành. Đến khi thanh toán, bác lấy mình 20K (thời đó một suất cơm là 5K). Mình tuy vẫn móc tiền trả nhưng vẫn than thở: "Bác lấy búa gõ có mỗi một cái mà lấy cháu đắt thế ạ?". Ông bác thợ điện già cười nói kiểu nửa đùa nửa thật: "Để có một cái gõ búa đó, bác mày phải có đến 30 năm trong nghề rồi cháu ạ. Tại sao gõ búa? Gõ ở đâu? Mạnh nhẹ thế nào? Không hề dễ dàng đâu". Mình ngẫm cũng có lý nên trả tiền rồi về.

Dòng tâm sự của Giáo sư Xoay trên facebook đang thu hút hàng trăm ngàn cư dân của trang mạng xã hội này ủng hộ.
Dòng tâm sự của Giáo sư Xoay trên facebook đang thu hút hàng trăm ngàn cư dân của trang mạng xã hội này ủng hộ.

Ngày nay có nhiều bạn trẻ mới ra trường, nhìn những người đi trước kiếm nhiều tiền một cách khá đơn giản (thậm chí chẳng làm gì nhiều, thi thoảng ký một chữ) thì cho rằng mình đang bị đối xử không công bằng, đòi tăng lương, đòi giảm công việc, đưa ra yêu sách hoặc bức xúc bỏ việc... Rồi cũng lại vật vã khổ sở chẳng đâu vào đâu.

Ngẫm lại chuyện ông bác thợ điện già ngày nào, chắc chắn bác ấy cũng đã có một thời lao động miệt mài vất vả, tích lũy kinh nghiệm, tích lũy uy tín, mối quan hệ khách hàng, vốn liếng mở cửa hàng... mới có được cú gõ búa trị giá 20K đấy. Nên mình nghĩ cuộc sống cái gì cũng có giá của nó cả, vất vả trồng cây thì sẽ có một ngày ăn trái ngọt. Đừng có vừa trồng cây vừa ghen tức với người đã ngồi ăn trái, để rồi vội vã hỏng việc hoặc tệ hơn là trèo rào sang hái trộm thì sớm muộn cũng ăn đòn.

Thôi. Mình lại tiếp tục cày bừa trên cánh đồng chữ nghĩa và mong đợi tương lai đây. Hic”.

Thành viên Dê Tài Ký II chia sẻ: “Hay nhất là cái đoạn: "Ngày nay có nhiều bạn trẻ mới ra trường… Rồi cũng lại vật vã khổ sở chẳng đâu vào đâu". Khi đi phỏng vấn xin việc hay đang làm việc trong công ty, mình phải biết rõ cái giá của mình, đừng có ham hét giá quá cao, nếu không rớt chắc! (nhưng nếu hơi cao cao một chút thì sướng)”. Nhiều thành viên sau khi đọc dòng “tâm thư” này của Giáo sư Xoay cũng đã ngộ ra được nhiều điều, facebook Petom Nguyễn thầm cảm ơn giáo sư: “Hay quá! ngộ ra rất nhiều, thanks pác!”.

Facebook Giáo sư Xoay.
Facebook Giáo sư Xoay.

Nickname Đá Lạnh đồng tình: "Like cho giáo sư! Gíao sư đã cho cho các thanh niên nhìn ra 1 góc nhìn mới. Thật uyên thâm, mong các bạn trẻ đừng có há miệng chờ sung, không như chuyện cổ tích đâu”.

Trong khi đó bạn Thang Nguyễn còn đắn đo và thắc mắc: “Nếu cứ theo lối mòn: cứ phải ra trường là phải đi làm chịu lương thấp, chịu sự chèn ép, không chịu thay đổi và không dám mạo hiểm để thay đổi cho mình một môi trường tốt hơn thì mãi mãi như vậy. Anh Xoay nói cũng đúng. Nhưng hãy hỏi xem xã hội này đã thực sự công bằng chưa. Ai cũng biết là muốn ăn quả ngọt thì phải chịu khó chăm bón. Nhưng vườn cây quá nhiều sâu, mình làm 1 mà nó phá 10”. Bạn Nguyen Quynh tâm đắc: “Đừng có vừa trồng cây vừa ghen tức với người đã ngồi ăn trái, để rồi vội vã hỏng việc hoặc tệ hơn là trèo rào sang hái trộm thì sớm muộn cũng ăn đòn”.

Một bạn sinh viên năm cuối có nickname Aladin Hải như đã thấm thía: “Cái này rất hay cho những người sắp ra trường như mình. Nhưng cái này luôn là chân lý: Khổ tận cam lai”.

Long Hy (Tổng hợp)