Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật 0917.84.9911

Dự thảo luật thủ đô: Tạm trú một chỗ ba năm mới được nhập hộ khẩu

18/08/2012 08:34
Phải có những giải pháp để giải quyết căn cơ sức ép dân nhập cư lên nội thành Hà Nội.

Để đăng ký thường trú tại nội thành Hà Nội, các cá nhân phải hội đủ các điều kiện: “Có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc nhà thuê ở nội thành của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà ở và đã tạm trú liên tục tại chỗ ở đó từ ba năm trở lên; nơi đề nghị đăng ký thường trú phải là nơi đang tạm trú”. Đó là những nội dung mới được Chính phủ đề xuất trong dự thảo Luật Thủ đô trình Ủy ban Thường vụ QH ngày 17-8.

Nhập hộ khẩu Hà Nội sẽ khó hơn

Việc ban soạn thảo bổ sung quy định trên được coi là một bất ngờ. Bởi dự thảo Luật Thủ đô trình QH khóa trước chỉ quy định: “Có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc nhà thuê lâu dài ở nội thành của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà ở và đã tạm trú liên tục tại chỗ ở đó từ hai năm trở lên” nhưng cũng đã gây ra rất nhiều tranh cãi, với nhiều ý kiến phản đối. Cuối cùng toàn bộ dự thảo luật trên đã không được QH khóa XII thông qua.

Tuy nhiên, dự thảo trình ra QH khóa XIII lần này, ban soạn thảo không chỉ dừng lại quy định như cũ mà còn tăng thêm nhiều điều kiện chặt chẽ hơn như tăng thời gian tạm trú từ hai năm (dự thảo cũ) lên thành ba năm. Đồng thời, bắt buộc các cá nhân phải tạm trú liên tục tại chỗ ở đó từ ba năm trở lên và nơi đề nghị đăng ký thường trú phải là nơi đang tạm trú. Ngoài ra, chính quyền còn “hứa” trong luật, sẽ có biện pháp hỗ trợ về tài chính, nhà ở đối với các trường hợp tự nguyện chuyển nơi thường trú từ nội thành ra ngoại thành.

Dự thảo luật thủ đô: Tạm trú một chỗ ba năm mới được nhập hộ khẩu ảnh 1

Số lao động tự do, tạm trú, vãng lai tăng nhanh gây sức ép rất lớn về gia tăng dân số cơ học vào thủ đô. Ảnh: HTD

Hiện nay, việc nhập hộ khẩu vào Hà Nội được thực hiện theo Luật Cư trú 2006 và các văn bản hướng dẫn thi hành với những điều kiện khá dễ thở. Theo đó, muốn nhập hộ khẩu chỉ cần có chỗ ở hợp pháp và tạm trú liên tục tại chỗ ở đó từ một năm trở lên; nơi đề nghị được đăng ký thường trú phải là nơi đang tạm trú. Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản.

Thường vụ QH đồng tình siết nhập cư

Lý giải về việc đưa ra những quy định ngặt nghèo trong dự thảo Luật Thủ đô, ban soạn thảo cho rằng qua năm năm thực hiện Luật Cư trú với quy định khá mở như trên, số người chuyển về Hà Nội làm ăn sinh sống (đăng ký thường trú), số lao động tự do, tạm trú, vãng lai tăng nhanh gây sức ép rất lớn về gia tăng dân số cơ học vào thủ đô. Về quy định “nơi đề nghị được đăng ký thường trú phải là nơi đang tạm trú”, theo ban soạn thảo làđể tránh tình trạng tạm trú một nơi nhưng lại đăng ký thường trú ở một nơi khác, gây khó khăn cho công tác quản lý dân cư.

Tán thành với quy định trên nhưng Ủy ban Pháp luật cho biết còn có ý kiến băn khoăn với lý do không thể hạn chế được người dân đến cư trú tại nội thành Hà Nội. Bởi nếu không được đăng ký thường trú thì họ vẫn có thể tạm trú tại đó để mưu sinh, mưu cầu hạnh phúc và như vậy áp lực lên cơ sở hạ tầng của Hà Nội vẫn không được giải quyết. Do đó, cùng với việc ban hành quy định trên, Ủy ban Pháp luật cho rằng cần phải có giải pháp tổng thể, đồng bộ về kinh tế-xã hội, quy hoạch, như chuyển các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ra khỏi nội thành; giảm bớt việc xây dựng nhà ở cao tầng trong nội thành... thì mới giải quyết được gốc rễ của vấn đề.

Các thành viên khác trong Ủy ban Thường vụ QH tỏ ra đồng thuận trong việc ban hành quy định trên. “Việc quy định các điều kiện chặt chẽ trong nhập cư là cần thiết. Chúng ta cần áp dụng những biện pháp hành chính chặt chẽ hơn để quản lý cư trú mang tính ổn định” - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi nhấn mạnh.

Sẽ bố trí đất sạch cho di dời trụ sở bộ, ngành

Dự thảo quy định khi thực hiện thu hồi đất của trụ sở các cơ quan trung ương, các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn thủ đô để sử dụng cho mục đích đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội, UBND TP Hà Nội có trách nhiệm bố trí quỹ đất sạch cho các cơ quan, đơn vị để thực hiện di dời. Còn lại việc xây dựng sẽ do ngân sách các cấp bố trí kinh phí đầu tư cho cơ quan, đơn vị theo phân cấp.

Lý giải về quy định trên, ban soạn thảo cho biết trên thực tế, việc di dời trụ sở một số cơ quan nhà nước còn nhiều khó khăn vướng mắc nên cần có quy định ở tầm luật để tháo gỡ. Quy định này xác định rõ trách nhiệm của TP Hà Nội trong việc bố trí quỹ đất sạch, còn các cấp ngân sách thì đảm bảo kinh phí đầu tư xây dựng trụ sở mới.

Theo các chuyên gia, việc ban hành quy định trên vào trong dự thảo Luật Thủ đô là điều hết sức cần thiết. Bởi hiện nay, nhiều bộ, ngành, trong đó có các bộ, ngành như GTVT, Xây dựng, Thanh tra… đều đang có kế hoạch di dời ra khỏi trung tâm TP. Tuy nhiên, do chưa có quy định nên một số bộ, ngành không để lại trụ sở cho Hà Nội mà có ý định bán hoặc đổi cho doanh nghiệp để lấy trụ sở mới. Điều này gây nhiều ý kiến lo ngại, “đất vàng” trụ sở các bộ, ngành sẽ biến thành chung cư, hay cao ốc… tiếp tục gây áp lực về giao thông đô thị.

THÀNH VĂN/Pháp luật TPHCM