3 điểm nóng biển đảo khiến Nội các Nhật Bản đứng ngồi không yên

19/08/2012 19:00
Anh Vũ (Tổng hợp)
(GDVN) - Căng thẳng leo thang tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng của Nhật Bản là do sự lãnh đạo không hiệu quả của đảng cầm quyền Dân chủ Nhật Bản (DPJ)

> Tra cứu ĐIỂM THI ĐH-CĐ 2012 nhanh, chính xác nhất

> Tìm hiểu đất nước Ireland, cơ hội nhận quà cực lớn
> Cả xã hội quan tâm: Tình hình biển Đông 

Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do (LDP) đối lập lớn nhất Nhật Bản - Sadakazu Tanigaki nhận định rằng các căng thẳng leo thang tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng của Nhật Bản là do sự lãnh đạo không hiệu quả của đảng cầm quyền Dân chủ Nhật Bản (DPJ).

Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do (LDP) Sadakazu Tanigaki.
Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do (LDP) Sadakazu Tanigaki.

Hãng truyền hình Asahi dẫn lời ông cho hay: "Ngay bây giờ, Nhật Bản đang gặp khó khăn về vấn đề lãnh thổ phía Bắc với Nga, về quần đảo Senkaku với Trung Quốc và nhóm đảo Takeshima với Hàn Quốc."

"Điều này xảy ra là bởi vì Nhật Bản đã mất đi ảnh hưởng và bị các nước khác trong khu vực đánh giá thấp. Thủ tướng Noda đã không thể hiện được sự lãnh đạo cứng rắn đối với các các quốc gia này."

Mở đầu là vào ngày 2/7, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã thăm hòn đảo lớn nhất của quần đảo Kuril tranh chấp với Nhật. Ngày 10/8, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak đã đến thăm nhóm đảo Dokdo/Takeshima. Và mới đây nhất là 14 người Hồng Kông đổ bộ lên quần đảo Senkaku.

Điều đáng lưu ý là trong cả 3 chuyến thăm trên, chính phủ Nhật Bản đều kiên quyết phản đối, thậm chí tìm mọi cách ngăn cản nhưng các kế hoạch đổ bộ của đối phương vẫn diễn ra theo đúng dự kiến.

Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư với Trung Quốc, Đài Loan

Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư bắt đầu "dậy sóng" kể từ khi Thống đốc Tokyo Shintaro Ishihara tuyên bố mua lại chuỗi đảo từ chủ sở hữu người Nhật. Không lâu sau đó, chính phủ Nhật cũng tuyên bố mua lại chuỗi đảo. Động thái này đã khiến Bắc Kinh vô cùng giận dữ và đến tháng 7, đã điều các tàu tuần tra đến gần Senkaku khiến Tokyo nổi nóng, triệu tập Đại sứ Trung Quốc đến để phản đối.

Ngày 19/8, đội tàu Nhật Bản chở 150 công dân và nghị sĩ nước này đã tới quần đảo Senkaku sau khi Tokyo trục xuất 14 người Hồng Kông ra quần đảo này chỉ vài ngày trước.

Trong khi đó, Đài Loan lần đầu tiên đã cáo buộc Nhật Bản "lén lút chiếm đóng" quần đảo tranh chấp ở biển Hoa Đông, nơi đang là trung tâm của căng thẳng giữa Tokyo, Bắc Kinh và Đài Bắc. Động thái này có thể là một dấu hiệu cho thấy Đài Bắc sẽ có một lập trường, phản ứng mạnh mẽ hơn về vấn đề này.

"Đó là điều phù hợp với tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của chúng tôi khi lá cờ của Đài Loan xuất hiện trên quần đảo Điếu Ngư mà Nhật Bản đang lén lút chiếm đóng" - Bộ Ngoại giao Đài Loan cho biết trong một tuyên bố cuối ngày 17/8.

Đội tàu Nhật Bản chở 150 công dân và nghị sĩ nước này đã tới quần đảo Senkaku.
Đội tàu Nhật Bản chở 150 công dân và nghị sĩ nước này đã tới quần đảo Senkaku.

Còn người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương nói rằng Trung Quốc đã trao công hàm kêu gọi phía Nhật Bản ngăn chặn ngay các hành động nhằm làm suy yếu tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc.

Tuyên bố này được đưa ra theo sau một tuyên bố khác vào cuối ngày 17/8 đã kêu gọi Nhật Bản thực hiện "cuộc đối thoại và đàm phán" để giải quyết tranh chấp.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda cũng đã phải đối mặt với sự chỉ trích từ các nhà lập pháp bảo thủ - bao gồm cả các thành viên của đảng đối lập chính là Đảng Dân chủ Tự do và Thống đốc Tokyo Shintaro Ishihara - khi không truy tố các nhà hoạt động.

Các thành viên của đảng cầm quyền cũng phàn nàn về khả năng của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển khi không thể ngăn chặn nhóm người đến Senkaku. 

Tranh chấp nhóm đảo Dokdo/Takeshima với Hàn Quốc

Tranh chấp giữa Tokyo và Seoul bị đẩy đến căng thẳng sau khi Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak vào ngày 10/8 đã đến thăm nhóm đảo Dokdo/Takeshima. Sau đó vài ngày là việc một nhóm ca sĩ và sinh viên Hàn bơi tiếp sức 230km ra nhóm đảo này mang theo là cờ Hàn Quốc.


Nhóm ca sĩ, sinh viên Hàn Quốc bơi tiếp sức ra đảo Dokdo/Takeshima.
Nhóm ca sĩ, sinh viên Hàn Quốc bơi tiếp sức ra đảo Dokdo/Takeshima.

Nhật Bản ngay lập tức đã triệu hồi Đại sứ tại Seoul và hủy bỏ chuyến thăm Hàn Quốc của Bộ trưởng Tài chính. Nước này cũng lần đầu tiên kêu gọi Hàn Quốc đưa vấn đề tranh chấp ra Tòa án Công lý Quốc tế nhưng ngay lập tức đã bị Seoul phản đối.

Đáp lại, vào ngày 17/8, Hàn Quốc tuyên bố sẽ có "biện pháp cứng rắn" nếu Nhật Bản không rút lại đề xuất trên. Seoul cho rằng, Tokyo vẫn chưa thể hiện hết trách nhiệm, sự sám hối đối với các tội ác trong chiến tranh và việc Nhật tuyên bố chủ quyền với nhóm đảo đã cho thấy điều đó.

Trong khi đó, một số tờ báo Nhật Bản như Yomiuri và Mainichi đã nhận định, nước này đang gắng hết sức tránh mâu thuẫn khi không có khả năng đối phó với các cuộc xung đột với Trung Quốc và Hàn Quốc trong cùng một lúc.

Tranh chấp quần đảo Kuril với Nga

Giữa Nga và Nhật Bản đang có tranh chấp Quần đảo Kuril hay Vấn đề lãnh thổ Phương Bắc. Các hòn đảo tranh chấp bị Hồng quân Liên Xô chiếm vào giai đoạn cuối của Thế chiến thứ 2, hiện dưới quyền kiểm soát của Nga như là Quận Nam Kuril thuộc Sakhalin, tuy nhiên Nhật Bản vẫn tuyên bố chủ quyền và coi đây là một phần của Phó tỉnh Nemuro thuộc tỉnh Hokkaido.

Thủ tướng Nga Medvedev thăm quần đảo Kuril vào đầu tháng 7 vừa qua.
Thủ tướng Nga Medvedev thăm quần đảo Kuril vào đầu tháng 7 vừa qua.

Nhật muốn Nga trả lại 4 hòn đảo ở phía nam của chuỗi đảo Kuril mà quân đội Liên Xô đã chiếm đóng vào thời kỳ cuối chiến tranh năm 1945 và tuyên bố rằng đó thuộc lãnh thổ của Nhật. 

Song Moscow luôn phản đối và khẳng định chủ quyền bằng các chuyến thăm liên tục tới các hòn đảo này. Nga còn lên kế hoạch triển khai bổ sung vũ khí tối tân hiện đại tại quần đảo tranh chấp, bao gồm cả những hệ thống tên lửa chống tàu ngầm trên biển, hệ thống tên lửa phòng không. Nhiều cuộc hội đàm giữa lãnh đạo hai nước đã được tổ chức nhằm giải quyết vấn đề đảo tranh chấp nhưng kết thúc mà chưa có tiến triển gì tích cực.

Hồi tháng 11/2010, Tổng thống Medvedev đã trở thành nhà lãnh đạo Nga đầu tiên thăm quần đảo Kuril và châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng quan hệ song phương Nga-Nhật. Đến đầu tháng 7 vừa qua, với vị trí là Thủ tướng Nga, ông lại tiếp tục chuyến thăm quần đảo tranh chấp này khiến Nhật phải triệu tập Đại sứ Nga tại Tokyo để phản đối và gọi đây là một hành động "đáng tiếc".

Hiện tại, vấn đề tranh chấp biển đảo với các nước láng giếng cũng được bổ sung thêm vào một danh sách dài các thách thức không hề nhỏ đối với chính quyền Nhật Bản. 

Anh Vũ (Tổng hợp)