Học sinh văng tục, chửi bậy: Vấn nạn của toàn xã hội

22/08/2012 16:16
Xuân Trung
(GDVN) - "Trước những hiện tượng học sinh văng tục, chửi bậy, chúng tôi là những nhà giáo dục thấy rất đau xót vì chưa làm được nhiều cho thế hệ trẻ, cho các em nhận thức được những thiếu xót đó".
LTS: Sau những đoạn clip do Phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam thực hiện về hành vi văng tục, chửi bậy của một số học sinh THPT khi tụ tập bạn bè, TS Nguyễn Tùng Lâm – Hiệu trưởng Trường THPT DL Đinh Tiên Hoàng, đồng thời là Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội thẳng thắn nhìn nhận: “Đây là hiện tượng phổ biến và việc để cho trẻ con thực hiện được những hành vi này là lỗi một phần do người lớn”.
Giá trị tôn vinh bị “đánh cắp”

Trao đổi với chúng tôi trước hiện tượng học sinh văng tục, chửi bậy ngay chốn đông người, thậm chí tại ngay môi trường giáo dục mà chính các em đang học, TS Nguyễn Tùng Lâm phân tích ở góc độ tâm lý: "Hiện tượng văng tục, chửi bậy của học sinh ở thành thị và nông thôn có sự khác nhau về độ  tuổi. Nếu ở thành thị được tính chủ yếu từ cấp THCS trở lên thì ở nông thôn độ tuổi này còn thấp hơn. Học sinh nói bậy chủ yếu được thực hiện ngoài giờ học, khi các em tổ chức thành nhóm tụ tập lại".

Một vấn đều mấu chốt theo TS Lâm, người lớn chúng ta chưa giúp cho thế hệ trẻ nhận ra được giá trị mà các em phải tôn vinh. Giống như văn hóa của những người có học sẽ khác, họ rất tôn trọng và giữ gìn cái gọi là “đẳng cấp” của mình. Việc nói tục, chửi bậy của học sinh có cảm giác văn hóa lớp trẻ sàn sàn như nhau, do đó các em không biết quý trọng giá trị mình đang có. “Hiện nay học sinh có ý nghĩ các em không ở vị trí nào, không cần quan tâm, không cần giữ gìn. Điều đó các  giáo viên phải nói với các em việc lên cấp 3 phải khác với các em cấp 2, các em không được chạy nhảy, không được nói tục, chửi bậy. Xây dựng cho học sinh có một ý thức tự học”, TS Lâm cho biết.
TS Nguyễn Tùng Lâm: Chúng ta hiện nay chỉ nhồi nhét kiến thức, học sinh phải làm thế này, phải làm thế kia, nhưng không biết điều đọng lại trong mỗi học sinh là cái gì? Ảnh Xuân Trung
TS Nguyễn Tùng Lâm: Chúng ta hiện nay chỉ nhồi nhét kiến thức, học sinh phải làm thế này, phải làm thế kia, nhưng không biết điều đọng lại trong mỗi học sinh là cái gì? Ảnh Xuân Trung
Một nguyên nhân khác khiến hiện tượng này mỗi lúc một nghiêm trọng, theo TS Lâm học sinh cấp 2, cấp 3 rất dễ bắt chước, các em thường có tâm lý đám đông, vì không có gì để giữ cho giá trị của mình nên thường có bạn nói được là mình cũng bắt chước, đó là tâm lý lây lan, chuyện đó các em coi là bình thường, thậm chí nếu ai đó thể hiện nói năng nghiêm túc thì lại được cho là “có vấn đề” (muốn hòa đồng với nhau thì phải nói bậy).

TS Nguyễn Tùng Lâm thẳng thắn đánh giá: “Khi hai điều này (không có giá trị gì để giữ và bắt chước tràn lan) trở thành nhiều, phổ biến thì nó thành một thói quen, thành một cái tật. Từ đó mỗi khi nói cứ phải văng cái này, văng cái kia mới chịu được. Nhiều học sinh không kiềm chế được còn chửi cả thầy cô giáo, văng tục ngay trong lớp”.
“Nhân cách không chỉ bởi ở những gì được nghe và nói, mà là chủ yếu được hình thành bởi hành động của mỗi cá nhân. Các học sinh nên thuộc 4 trụ cột của thế kỷ 21: Học để biết, học để làm, học để cùng chung sống, học để làm người”.

TS Nguyễn Tùng Lâm
Và, để hiện tượng này mỗi lúc một “phổ biến” theo TS Lâm còn có lỗi từ phía xã hội. Yêu cầu xã hội của chúng ta không cao, không được chặt chẽ, nhất là những người lớn, không lên án trẻ con khi bắt gặp những chuyện như trên. “Nếu đi đâu cũng nhắc nhở, cũng răn đe thì sẽ thành một chuẩn ý thức khác, nhưng đằng này người lớn cũng sợ trẻ con chửi lại mình. Thành ra không ai nói, không ai nhắc nhở, như vậy sự việc lại càng trầm trọng”, TS Lâm thừa nhận thực tế hiện nay. 

Thúc đẩy hai “thành trì”

Như vậy, trước một hiện tượng học sinh văng tục được cho là “phổ biến” như hiện nay, chúng ta có nên chấp nhận nó như một hiện tượng tự nhiên hay không, hay phải lên án? Trước câu hỏi này, TS. Nguyễn Tùng Lâm bày tỏ quan điểm, ông không nhất trí với suy nghĩ chấp nhận rằng hãy cứ để như một hiện tượng tự nhiên. “Đồng quan điểm khi một ý thức xã hội đã trở thành tràn lan thì nhiều khi người ta chấp nhận nó. Nhưng quan điểm của tôi không thể chấp nhận được, phải giải quyết vấn đề này tuy rằng nó khó”.

Choáng váng với clip nam sinh Thủ đô chửi tục trước cổng trường

Choáng váng với clip nam sinh Thủ đô chửi tục trước cổng trường

Chùm ảnh: Khi nữ sinh nói chuyện bằng chân tay (P3)

Chùm ảnh: Khi nữ sinh nói chuyện bằng chân tay (P3)


Kinh nghiệm của TS Lâm khi áp dụng ngay tại ngôi trường mà ông đang làm Hiệu trưởng, đó là cần biến những câu chuyện thường ngày thành chuyện đặc biệt, thành chuyện phải phê phán để làm gương cho con trẻ: “Chúng ta là người lớn phải làm sao cho trẻ con thấy xấu hổ khi lỡ lời nói tục, chửi bậy, chừng nào chưa làm cho trẻ con xấu hổ khi lỡ lời thì chừng đó chưa giải quyết được vấn đề. Vấn đề này cả xã hội phải đồng lòng”, TS Lâm nhấn mạnh.

Hai “thành trì” được TS Lâm khi nói về hiện tượng học sinh văng tục, chửi bậy là mỗi gia đình phải có ý thức nhắc nhở, dạy dỗ con em mình theo đúng tôn vinh giá trị văn hóa, theo đúng tấm gương trong sáng của ông cha ta. Từ đó xây đựng cho con trẻ một thói quen. Bên cạnh đó, nhà trường cũng phải cho áp dụng thực hành nhiều trong học tập, chúng ta không thể nói mãi lời hay ý đẹp. Nhà trường hãy coi chính những đoạn clip học sinh văng tục này để làm chủ đề cho các buổi thảo luận, từ đó tạo thành một “gương” phản chiếu trở lại các em.

Thẳng thắn thừa nhận rằng, xã hội càng hiện đại sẽ kéo theo nhiều vấn đề liên quan, trong đó có ý thức xã hội. Điều làm nên ý thức đó chính là nhân cách. Phải chăng nhân cách thế hệ trẻ hiện nay đang bị thui chột? TS Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ, nhân cách ông cha ta có hai mặt là Tài và Đức, muốn có Tài và Đức phải tác động ở ba mặt: Ý thức, tình cảm và hành vi.

“Chúng ta hiện nay chỉ nhồi nhét kiến thức, học sinh phải làm thế này, phải làm thế kia, nhưng không biết điều đọng lại trong mỗi học sinh là cái gì? Vậy dùng những tình cảm nào để khơi dậy được điều đó?  Và sau khi có nhận thức phải thể hiện bằng hành vi, bằng những việc làm cụ thể nào? Thực chất bốn phía của nhân cách là: Với người khác, với công việc, với sự nghiệp và với môi trường. Thêm vào đó, bổ sung cho “quả” nhân cách phải có kỹ năng sống và giá trị sống”, TS Lâm cho biết. 
Buông lỏng ngôn ngữ sẽ buông lỏng nhiều hành vi

Trước câu hỏi, thử hình dung trong vài thập kỷ nữa nếu chúng ta không kiểm soát được thói nói bậy của học trò thì xã hội sẽ ra sao? TS Nguyễn Tùng Lâm cho biết: “Chúng ta cũng không lo xã hội bát nháo quá vì đến một chừng mực nào đó tự nó phải điều chỉnh, nếu giải quyết sớm được sẽ tốt hơn. Nói như vậy vì sức bền của văn hóa có sức mạnh, tuy rằng nhiều học sinh tói tục, chửi bậy nhưng cũng có nhiều em không đồng tình với hiện tượng đó. Nhưng nếu chúng ta cứ thả lỏng thế hệ trẻ thì đó lại là một hình ảnh xấu, không đẹp đẽ gì. Từ buông lỏng về mặt ngôn ngữ sẽ có buông lỏng về hành vi khác, cái đó chúng ta phải ngăn chặn, mục đích của điều đó làm cho chất lượng cuộc sống của thế hệ trẻ được tốt hơn.

Trước những hiện tượng học sinh văng tục, chửi bậy, chúng tôi là những nhà giáo dục thấy rất đau xót vì chưa làm được nhiều cho thế hệ trẻ, cho các em nhận thức được những thiếu xót đó. Rất mong các lực lượng xã hội, các ông bố bà mẹ, các thầy cô giáo hãy coi đây không phải là việc nhỏ mà phải coi đây là việc rất cấp bách để giúp cho thế hệ trẻ giữ gìn được những giá trị bản thân. Cùng ngăn chặn những thói quen buông thả trong lời nói để sau này không buông thả trong những hành vi khác”. 
Xuân Trung