Bãi đá cổ Sa Pa: đã xếp hạng phải bảo vệ

23/08/2012 09:42
Theo Tuổi trẻ
Di tích quốc gia bãi đá cổ Sa Pa đứng trước nguy cơ bị xóa sổ khi nhà máy thủy điện Sử Pán 1 (huyện Sa Pa) sẽ được xây dựng trong khu vực bãi đá cổ.

Di tích quốc gia bãi đá cổ Sa Pa đứng trước nguy cơ bị xóa sổ khi nhà máy thủy điện Sử Pán 1 (huyện Sa Pa) sẽ được xây dựng trong khu vực bãi đá cổ.

Cho đến thời điểm này, Philippe Le Failler là chuyên gia nghiên cứu sâu nhất những bản khắc trên đá cổ. Cuốn sách Đá cổ Sa Pa của ông cũng dự định xuất bản vào cuối năm nay - Ảnh: Hà Hương
Cho đến thời điểm này, Philippe Le Failler là chuyên gia nghiên cứu sâu nhất những bản khắc trên đá cổ. Cuốn sách Đá cổ Sa Pa của ông cũng dự định xuất bản vào cuối năm nay - Ảnh: Hà Hương

Ðau đớn trước thông tin này, tiến sĩ Philippe Le Failler (Viện Viễn đông Bác Cổ) bày tỏ: "Tôi bắt đầu nghiên cứu bãi đá cổ Sa Pa từ năm 2005, đến nay chưa biết ai là chủ nhân của những hình khắc độc đáo này, cho nên nhiều năm nay tôi nghiên cứu bản rập và đối chiếu với sơ đồ của Sa Pa để chỉ ra ý nghĩa của các hình khắc.

Chúng tôi đã tiếp cận, in bản rập và tiến hành nghiên cứu với 185 viên đá. Quan trọng nhất là viên đá được phát hiện đầu tiên vào năm 1925.

Những bản khắc này giống như bản đồ và kiểu bản đồ chạm khắc bằng đá này rất hiếm gặp trên thế giới. Trình độ chạm khắc khá dễ hiểu: đường, ruộng, bản làng... khá rõ ràng.

Nơi này sẽ trở thành hồ chứa nước của thủy điện Sử Pán 1 - Ảnh: Hà Hương
Nơi này sẽ trở thành hồ chứa nước của thủy điện Sử Pán 1 - Ảnh: Hà Hương

Tôi hi vọng đến một lúc nào đó tôi có thể chỉ ra được bản đồ này khắc bản làng nào. Cũng có những bản đồ họ có vẽ đô thị ngày trước, những ngôi nhà song song, đường phố không giống nhà trên núi, có thể họ đã vẽ nó bằng ký ức về những vùng đất đã đi qua trong hành trình di cư.

Nhưng bây giờ, nếu thung lũng Mường Hoa này thay đổi bởi các hồ thủy điện (Quy hoạch ẩu, thủy điện sẽ "giết" Sa Pa) thì chẳng còn gì để so sánh hay nghiên cứu về bản đồ đá cổ nữa.

Cũng có những dân tộc đã đi qua nơi đây, nhưng đáng tiếc là không có ai ghi chép. Người Mông không biết viết chữ, người Thái biết chữ nhưng họ viết ít và viết chủ yếu về khu vực sông Ðà bây giờ. Người Lô Lô có chữ nhưng không sống ở vùng núi này lâu.

Những bản khắc đá này chính là ký ức hiếm hoi còn sót lại của các tộc người đã đi qua hoặc sinh sống ở vùng núi này. Chẳng lẽ các bạn định lãng quên và phá hủy điều này luôn?

Trước đây tôi nghĩ việc khắc "anh yêu em" trên đá hay gì đó là vấn đề lớn, nhưng giờ thủy điện mới là nguy cơ đe dọa.

Ai đã cho phép xây dựng thủy điện bên những viên đá cổ đã được xếp hạng di tích quốc gia từ năm 1994? Ðã xếp hạng thì phải bảo vệ. Ðừng nghĩ rằng khi đã xếp hạng di tích thì có nghĩa là di tích đã được bảo vệ rồi. Bởi vì đã xếp hạng mà luật không bảo vệ được thì đó là vấn đề".

Theo Tuổi trẻ