Indonesia mua tên lửa Mỹ sử dụng trong Chiến tranh Việt Nam

25/08/2012 08:24
Trịnh Tuân (Nguồn: Defense Aerospace)
(GDVN) - Bộ Quốc phòng Indonesia đã đặt mua của Mỹ các tên lửa không đối đất AGM-65K2 Maverick để trang bị cho các máy bay chiến đấu F-16 Fighting Falcon của Không quân nước này.

Defense Aerospace hôm thứ Năm (23/8) cho biết rằng Bộ Quốc phòng Indonesia đã đặt mua của Mỹ các tên lửa không đối đất AGM-65K2 Maverick.

Tên lửa mới này sẽ được trang bị cho các máy bay chiến đấu F-16 Fighting Falcon. Cơ quan hợp tác an ninh quốc phòng (DSCA) của Lầu Năm Góc đã báo cáo với Quốc hội Hoa Kỳ về bản hợp đồng tiềm năng này với tổng giá trị ước tính khoảng 25 triệu đôla.

Tiêm kích F-16 Fighting Falcon.
Tiêm kích F-16 Fighting Falcon.

Theo đó, Indonesia đã đặt mua của Mỹ 18 tên lửa Maverick, 36 tên lửa huấn luyện TGM-65K2, 3 tên lửa huấn luyện TGM-65D và các thiết bị phụ tùng thay thế.

Ngoài ra, nếu hợp đồng này được chấp thuận, Mỹ sẽ cung cấp cho Indonesia các tài liệu hướng dẫn kỹ thuật cũng như lực lượng nhân viên huấn luyện sử dụng.

Indonesia đã nhận được 12 chiếc máy bay chiến đấu F-16 từ phía Hoa Kỳ trong những năm 1996. Tuy nhiên, hiện nay, trong biên chế của Không quân nước này chỉ còn 10 chiếc F-16A/B (do 2 chiếc bị mất trong các vụ tai nạn).

Được biết, Indonesia sẽ nhận được 24 tiêm kích F-16 Block 25 đã qua sử dụng và được nâng cấp lên chuẩn Block 30 theo thỏa thuận đã đạt được với phía Mỹ trong tháng 11 năm 2011. Ngoài ra, Indonesia sẽ nhận được thêm 6 máy bay cùng loại dùng để lấy phụ tùng thay thế.

Tiêm kích F-16 Fighting Falcon của Không quân Indonesia.
Tiêm kích F-16 Fighting Falcon của Không quân Indonesia.

Cũng trong khuôn khổ bản hợp đồng này, Mỹ sẽ chuyển giao miễn phí các máy bay chiến đấu F-16 này cho Indonesia, nhưng các khoản chi phí nhằm phục vụ cho việc đại tu và nâng cấp thì nước này phải chi trả, ước tính khoảng 750 triệu đôla.

Vào giữa tháng 8 vừa qua, các nguồn tin quốc tế dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia, ông Purnomo Yusgiantoro cho hay chính quyền Mỹ đã đề nghị chuyển giao miễn phí cho phía Indonesia lô tiêm kích F-16 Fighting Falcon thứ hai.

Số máy bay chiến đấu F-16 mà phía Mỹ định chuyển giao cho quốc gia Đông Nam Á này chưa được tiết lộ cụ thể.

Tuy nhiên, theo Tổng thư ký Bộ Quốc phòng Indonesia - ông Eris Herryanto thì số tiêm kích F-16 sẽ đủ để cho Không quân nước này thành lập thêm 1 phi đội máy bay chiến đấu nữa.

Tiêm kích F-16 Fighting Falcon của Không quân Mỹ trong cuộc tập trận Red Flag-Alaska.
Tiêm kích F-16 Fighting Falcon của Không quân Mỹ trong cuộc tập trận Red Flag-Alaska.

AGM-65 Maverick là loại tên lửa không đối đất được sử dụng để tiêu diệt và phá hủy các mục tiêu chiến thuật bao gồm xe tăng, xe bọc thép, hệ thống phòng không, công sự, trận địa, hệ thống giao thông vận tải cũng như các tàu chiến, tàu vận tải.

Đây là một trong những tên lửa dẫn đường chính xác được sản xuất rộng rãi nhất ở phương Tây. Maverick được Hughes Missile Systems phát triển từ năm 1965.

Nó được sử dụng lần đầu tiên trong chiến tranh Việt Nam, chính thức là vào ngày 30 tháng 8 năm 1972. Trong thời gian diễn ra cuộc chiến Yom Kippur vào tháng 10 năm 1973, quân đội Israel đã sử dụng Maverick để tiêu diệt và vô hiệu hóa các xe thiết giáp của đối phương.

Tên lửa AGM-65 Maverick.
Tên lửa AGM-65 Maverick.

Tên lửa này cũng đã được sử dụng một cách phổ biến trong các cuộc chiến tranh Iran-Ira, chiến tranh vùng Vịnh, chiến tranh Iraq năm 2003 và đặc biệt là cuộc nội chiến ở Libi năm 2011.

Maverick có thiết kế kiểu mô-đun với động cơ đẩy nhiên liệu rắn, có khả năng khóa mục tiêu và hoạt động theo nguyên lý “bắn và quên”.

Đã có rất nhiều biến thể của Maverick ra đời như Maverick B, C, D, E, F, G, H và K. Trong đó AGM-65H/K là các biến thể tên lửa hiện đại được sản xuất từ năm 2007. Các biến thể khác nhau chủ yếu ở việc sử các đầu dò mục tiêu như đầu dò điện quang, laser, hồng ngoại...

AGM-65 Maverick được gắn trên một chiếc tiêm kích F/A-18C.
AGM-65 Maverick được gắn trên một chiếc tiêm kích F/A-18C.

Biến thể tên lửa Maverick K2 mà Không quân Indonesia đặt mua của Mỹ để trang bị cho các tiêm kích F-16 sử dụng hệ thống dẫn đường hồng ngoại với thiết bị tích điện kép (CCD) hoàn toàn mới.

Thiết bị tích điện kép (CCD - Charge Coupled Device) là một trong 2 loại sensor phổ biến trong máy ảnh kỹ thuật số cũng như các đầu dò tên lửa hiện nay.

CCD có nhiệm vụ biến đổi quang năng của ánh sáng tới thành các tín hiệu điện nhờ các photodiode và các vi mạch điện bên cạnh các photodiode đó, được cấu tạo từ các tinh thể silicon, tương tự như bộ xử lý trung tâm (CPU) của máy tính.

AGM-65 Maverick trang bị trên P-3C Orion.
AGM-65 Maverick trang bị trên P-3C Orion.
AGM-65 Maverick trang bị trên A-10.
AGM-65 Maverick trang bị trên A-10.


Tên lửa không đối đất Maverick có trọng lượng 209 - 304 kg, dài 2,49 m và đường kính 30,5 cm. Maverick có thể mang đầu đạn nặng 136 kg, đạt vận tốc tối đa 1.150 km/h và tầm hoạt động 22 km.

Trịnh Tuân (Nguồn: Defense Aerospace)