Đưa Hoàng Sa, Trường Sa vào sách Lịch sử phổ thông: Muộn còn hơn không

25/08/2012 15:44
Kim Ngân (ghi)
(GDVN) - “Việc đưa những kiến thức về chủ quyền biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa bổ sung vào chương trình SGK phổ thông môn Lịch sử là rất cần thiết và không cần đợi đến năm 2015”.
Nên đưa vào… từ lâu rồi
Gần đây, trong Hội thảo khoa học quốc gia về dạy học Lịch Sử ở trường phổ thông Việt Nam do Bộ GD&ĐT và Hội Khoa học Lịch Sử Việt Nam đã phối hợp tổ chức tại Đà Nẵng, nhiều GS, TS ý kiến về việc nên đưa vấn đề chủ quyền biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa vào sách giáo khoa (SGK) Lịch sử. Theo đánh giá của thầy Trần Trung Hiếu – giáo viên Lịch sử, Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An thì đây là lần đầu tiên Bộ GD&ĐT phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử tổ chức một cuộc hội thảo về dạy học Lịch sử ở trường phổ thông với quy mô lớn nhất, tập trung được nhiều nhà quản lý, chuyên gia hàng đầu của các trung tâm nghiện cứu, vụ, viện, các trường đại học và các giáo viên cốt cán của 63 tỉnh thành trên toàn quốc. Đó là một tín hiệu rất đáng mừng được xem đó như là sự khởi đầu cho sự thay đổi nhận thức tư duy về môn Sử, về dạy học Lịch sử.
Thầy Trần Trung Hiếu (phải) khẳng định việc đưa chương trình biển đảo Trường Sa, Hoàng Sa Việt Nam là cần thiết.
Thầy Trần Trung Hiếu (phải) khẳng định việc đưa chương trình biển đảo Trường Sa, Hoàng Sa Việt Nam là cần thiết.
Về vấn đề này, thầy Trung Hiếu cho rằng, vấn đề chủ quyền lãnh thổ đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đáng lẽ phải trở thành một trong những kiến thức quan trọng trong chương trình và nội dung SGK phổ thông môn Lịch sử từ lâu. Chúng ta đã có nhiều cơ sở về mặt lịch sử và pháp lý quốc tế để khẳng định chủ quyền của 2 quần đảo này. Xã hội đang lo lắng về sự “mất gốc” của một bộ phận không nhỏ thế hệ trẻ với lối sống thực dụng, ích kỷ, xa dần với thuần phong mỹ tục của văn hoá dân tộc. Đặc biệt là những học sinh đang ngồi trên các nhà trường nên hiểu về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa về lịch sử và pháp lý quốc tế và thể hiện trách nhiệm của những công dân với tổ quốc bằng những việc làm cụ thể.Không cần chờ đến năm 2015
Một thực tế đáng buồn hiện nay, một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng học sinh chán và sợ môn Lịch sử là do cách dạy, sách giáo khoa khó hiểu, không hấp dẫn và hiệu quả. Vậy, nếu đưa vấn đề “nóng” biển đảo vào chương trình có trở nên nhàm chán, khô cứng? Giải đáp cho câu hỏi này, thầy Trung Hiếu cho rằng: “Đến thời điểm này, chúng ta vẫn chưa có bộ Lịch Sử Việt Nam nào khả dĩ có thể coi là đã đạt chuẩn quốc gia, hay nói cách khác bộ SGK phổ thông môn Lịch Sử hiện hành bên cạnh những ưu điểm vẫn còn nhiều bất hợp lý và thiếu sót, chưa tham khảo và bắt kịp với chương trình và nội dung SGK của một số nước tiên tiến trên thế giới và khu vực”.
Đưa kiến thức Trường Sa, Hoàng Sa, vấn đề biển Đông sẽ làm giờ học Sử trở nên sinh động hơn (Ảnh minh họa Internet).
Đưa kiến thức Trường Sa, Hoàng Sa, vấn đề biển Đông sẽ làm giờ học Sử trở nên sinh động hơn (Ảnh minh họa Internet).
“Tôi rất tâm đắc với quan điểm của GS Phan Huy Lê khi xác định mục tiêu, yêu cầu môn Sử trong trường phổ thông là học Lịch Sử để làm gì? Và từ đó cần học những gì ? Kiến thức lịch sử mênh mông và luôn được bổ sung bằng những phát hiện mới, kết quả nghiên cứu mới.Thiết nghĩ việc đưa vấn đề kiến thức về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa gắn liền với những biến động về “vấn đề Biển Đông” trong khu vực liên quan đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam sẽ làm cho những giờ học Sử trở nên sinh động hơn, học sinh sẽ hứng thú hơn”, thầy Hiếu tin tưởng nói. Vì thế, thầy Trung Hiếu khẳng định: “Tôi hoàn toàn đồng ý, tán thành lời dẫn Hội thảo của GS.VS.NGND Phan Huy Lê - Chủ tịch HKHLS và rất nhiều chuyên gia đầu nghành môn Lịch sử đã thảo luận một cách thẳng thắn, cởi mở mang tính xây dựng về việc cần đưa ngay những kiến thức về chủ quyền biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa bổ sung vào SGK phổ thông môn Lịch sử ngay trong năm học này chứ không phải chờ đến sau năm 2015”. Chia sẻ về cách thực hiện chương trình này, thầy Trung Hiếu kiến nghị: “Việc đưa những kiến thức về chủ quyền biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa bổ sung vào chương trình SGK phổ thông môn Lịch sử có thể sẽ có đảo lộn chút ít về “ trật tự ” nội dung kiến thức theo phân phối chương trình gắn liền với những bài, mục cụ thể khi chưa có chương trình và nội dung SGK mới. Điều quan trọng là Bộ GD&ĐT có văn bản hướng dẫn cụ thể nên đưa lượng kiến thức như thế nào, đưa vào mục nào, bài nào, phương thức đưa là lồng ghép liên môn hay lồng ghép giữa chính khoá hay ngoại khoá… ”.
Kim Ngân (ghi)