Biển Đông: Trung Quốc tăng tần xuất tàu chở khách, vật tư ra Hoàng Sa

25/08/2012 20:16
Hồng Thủy (Nguồn Tân Hoa Xã)
(GDVN) - Sau khi thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” và “khu phòng thủ Tam Sa”, Trung Quốc đã và đang đẩy mạnh các hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng trên đảo Phú Lâm, phát triển nghề cá, du lịch và tăng cường các hoạt động quân sự, bán quân sự (trái phép)
Tân Hoa Xã ngày 25/8 đưa tin, bắt đầu từ 6 giờ chiều qua 24/8 tàu chở khách Quỳnh Sa 3 từ cảng Thanh Lan, Văn Xương đảo Hải Nam đi đảo Phú Lâm, Hoàng Sa, nơi Trung Quốc vừa đặt trụ sở cái gọi là “thành phố Tam Sa” từ 2 lần/tháng lên 4 lần/tháng.

Tàu Quỳnh Sa 3 - tàu hậu cần phục vụ lính, dân Trung Quốc chiếm đóng và sinh sống trái phép trên quần đảo Hoàng Sa sẽ tăng tần xuất lên 4 lần/tháng từ ngày 24/8
Tàu Quỳnh Sa 3 - tàu hậu cần phục vụ lính, dân Trung Quốc chiếm đóng và sinh sống trái phép trên quần đảo Hoàng Sa sẽ tăng tần xuất lên 4 lần/tháng từ ngày 24/8

Một viên chức của cái gọi là “thành phố Tam Sa” nói với Tân Hoa Xã, việc tăng tần xuất ra đảo Phú Lâm lên gấp đôi hiện nay của tàu Quỳnh Sa 3 sẽ nâng cao năng lực đảm bảo hậu cần cho lực lượng quân sự đồn trú (trái phép) và ngư dân Trung Quốc đưa ra quần đảo Hoàng Sa cư ngụ lâu dài (nhằm phục vụ âm mưu độc chiếm Biển Đông - PV).

Từ cảng Thanh Lan ra tới đảo Phú Lâm có khoảng cách hơn 180 hải lý (theo Tân Hoa Xã), tàu Quỳnh Sa 3 sẽ chạy mất 15 giờ và chuyên cung cấp những nhu yếu phẩm cần thiết nhất cho lính, dân Trung Quốc trên quần đảo Hoàng Sa nên nó được  gọi là con tàu của sự sống.

Tàu Quỳnh Sa 3 dài 84 mét, rộng 13,8 mét, tổng trọng lượng 25000 tấn, có thể chở 200 người và 50 tấn hàng hóa 1 lần ra đảo.

Tàu Quỳnh Sa 3 tại cảng Thanh Lan, Hải Nam trước khi ra Phú Lâm, Hoàng Sa
Tàu Quỳnh Sa 3 tại cảng Thanh Lan, Hải Nam trước khi ra Phú Lâm, Hoàng Sa

Cũng trong sáng nay 25/8, giới chức của cái gọi là “thành phố Tam Sa” khởi động dự án xây dựng nhà máy xử lý rác thải, nước thải trên đảo Phú Lâm, Hoàng Sa. Đây là một trong những hoạt động đầu tiên của Trung Quốc nhằm phát triển cơ sở hạ tầng tại Phú Lâm, Hoàng Sa. 

Những động thái này cho thấy, sau khi thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” và “khu phòng thủ Tam Sa”, Trung Quốc đã và đang đẩy mạnh các hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng trên đảo Phú Lâm, phát triển nghề cá, du lịch và tăng cường các hoạt động quân sự, bán quân sự (trái phép) trên quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!

Hồng Thủy (Nguồn Tân Hoa Xã)