Vàng liên tục tăng giá, doanh nghiệp vàng lợi đơn, lợi kép

24/07/2011 04:03
Trong nước, giá vàng trong thời gian vừa qua đã diễn biến theo chiều có lợi cho cả người bán và người mua.

Trong nước, giá vàng trong thời gian vừa qua đã diễn biến theo chiều có lợi cho cả người bán và người mua. Người mua ở đây được hiểu theo là các DN kinh doanh vàng còn người bán là người dân và các nhà đầu tư đã tích trữ vàng từ trước (khác với các đợt tăng giá trong năm 2010).

Giá vàng thế giới đã thiết lập một kỷ lục mới khi đạt ngưỡng trên 1608,5 USD/oz (ngày 19/7), cùng những nhân tố đang hỗ trợ, các chuyên gia cho rằng rất có thể một mặt bằng giá vàng mới sẽ được thiết lập .

   Biểu đồ giá vàng từ 14 - 20/7/2011
Biểu đồ giá vàng từ 14 - 20/7/2011

Giá vàng trong nước đã đạt tới đỉnh 39,7 triệu đồng/lượng (ngày 19/7) khi giá vàng thế giới chạm ngưỡng cao nhất từ trước tới nay 1608,5 USD/oz vào ngày 19/7 và sau đó đã điều chỉnh giảm xuống còn 39,5 triệu đồng/lượng (ngày 23/7).

Áp lực chốt lời


Điều khá đặc biệt là trong thời gian gần đây, khi chu kỳ và biên độ giá vàng ngày càng rút ngắn thì đợt tăng giá này kéo dài liên tục 12 ngày và biên độ cũng mở rộng. Giá vàng trong nước đã không phá được ngưỡng 40 triệu đồng/lượng như mong đợi của một số nhà đầu tư nhưng trên thực tế, nếu tính theo tỉ giá quy đổi thì giá vàng trong nước đã ở mức trên 40 triệu đồng/lượng.

Theo ông Nguyễn Thanh Trúc - TGĐ Cty kinh doanh vàng bạc đá quý AgriBank: Việc đầu tư vào vàng lúc này là khá rủi ro bởi giá vàng đã lên đến đỉnh và đang chịu áp lực xuống giá khi các nhà đầu cơ và đầu tư bán chốt lời. Tuy nhiên đợt điều chỉnh này có thể chỉ diễn ra trong ngắn hạn và khả năng tiếp tục tăng là hiện hữu. Giá vàng hiện trở thành hàn thử biểu và ngày càng nhạy cảm với "sức khỏe" kinh tế thế giới. Cuộc khủng hoảng nợ ở Châu Âu chưa giải quyết xong thì nay lại đứng trước nguy cơ lan rộng sang các nền kinh tế khác như Italia, Tây Ban Nha. Đặc biệt, nền kinh tế lớn số 1 thế giới chưa có những dấu hiệu khả quan. Đây được coi là lực đẩy cho giá vàng trong thời gian tới. Điều này cũng đồng nghĩa với việc giá vàng hoàn toàn có khả năng thiết lập một mặt bằng giá mới trên ngưỡng 1.600 USD/oz thay cho ngưỡng mặt bằng 1.500 USD/oz.

Ai được lợi ?

Ở trong nước, giá vàng trong thời gian vừa qua đã diễn biến theo chiều có lợi cho cả người bán và người mua. Người mua ở đây được hiểu theo là các DN kinh doanh vàng còn người bán là người dân và các nhà đầu tư đã tích trữ vàng từ trước (khác với các đợt tăng giá trong năm 2010).

Điều dễ dàng nhận thấy trên thị trường vàng VN là lượng vàng do người dân bán ra cao hơn nhiều so với lượng mua vào. Điều này khiến các DN kinh doanh vàng lợi đơn lợi kép. Ngoài việc hưởng chênh lệch giữa giá mua và giá bán, do lượng vàng các DN thu mua về quá lớn nên các DN phải xuất khẩu để hạn chế rủi ro và hiện thực hóa lợi nhuận.
 

Giá vàng trong nước biến động tăng trong suốt tuần qua.
Giá vàng trong nước biến động tăng trong suốt tuần qua.

Phần lớn vàng xuất khẩu dưới dạng trang sức nhưng giá trị gia tăng không cao do chủ yếu các DN xuất khẩu vàng vẫn tìm cách lách quy định cấm xuất khẩu vàng thô bằng cách "chế biến" thành vàng trang sức nhưng thực chất vẫn là vàng nguyên liệu. Với mức chênh lệch giữa giá vàng thế giới và giá vàng trong nước khoảng 1 triệu đồng/lượng thì trừ chi phí xuất mỗi lượng vàng hiện vào khoảng gần 200.000 đồng, bao gồm thuế, chi phí gia công và vận chuyển các DN xuất khẩu vàng đã thu về một khoản lợi nhuận không nhỏ trong thời gian vừa qua.

Cân nhắc lợi ích

Đầu tư vào vàng lúc này là khá rủi ro bởi giá vàng đã lên đến đỉnh và đang chịu áp lực xuống giá khi các nhà đầu cơ và đầu tư bán chốt lời.

Điều này cũng lý giải tại sao 6 tháng đầu năm lượng vàng xuất khẩu của VN đã tăng đột biến so với cùng kỳ năm trước. Lượng xuất khẩu đến giữa tháng 7 đạt gần 30 tấn. Còn theo số liệu công bố của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu đá quý, kim loại quý và sản phẩm tính đến 30/6 đạt 1,203 tỉ USD; riêng tháng 6 xuất tới 806,255 triệu USD, tăng 133% so với tháng trước. Xuất khẩu vàng được xem là một cứu cánh đối với cán cân ngoại thương của VN 6 tháng đầu năm.

Theo ông Nguyễn Thanh Trúc - TGĐ Cty kinh doanh vàng bạc đá quý AgriBank, lượng vàng xuất khẩu mạnh nhất vào tháng 6 và đầu tháng 7. Tuy nhiên do sự chênh lệch giữa giá vàng thế giới và giá vàng trong nước đã bị thu hẹp nên những ngày gần đây lượng vàng xuất khẩu giảm.

Trước đây, VN vẫn hạn chế xuất khẩu vàng miếng và nguyên liệu thông qua cơ chế cấp quota cho một số đầu mối. Trong khi đó, nữ trang được coi là một loại hàng hóa thông thường, được khuyến khích sản xuất và xuất khẩu nhằm phát triển các làng nghề truyền thống, tạo công ăn việc làm trong nước. Nhưng đầu năm nay, Bộ Tài chính quyết định áp thuế xuất khẩu 10% thay vì 0% với nữ trang hàm lượng vàng 99%. Và rất có thể  kim ngạch xuất khẩu vàng không còn ở mức cao như những tháng đầu năm nay bởi theo Dự thảo Nghị định kinh doanh vàng trình trình Chính phủ gần đây Ngân hàng nhà nước đề xuất giảm hàm lượng vàng 99% xuống 83,3%. Điều này sẽ làm tăng chi phí gia công đối với DN.

Chính vì vậy khi góp ý với dự thảo này, Hiệp hội kinh doanh vàng VN cũng đề nghị cân nhắc lại hàm lượng vàng khi xuất khẩu. Hiệp hội đề nghị không nên áp dụng tỉ lệ từ 20K (83,3%) trở lên, mà chỉ áp dụng theo quy định hiện hành (tức là từ 99% trở lên). Trong bối cảnh hiện nay chắc hẳn NHNN sẽ phải cân nhắc rất kỹ lợi ích khi xuất khẩu vàng bởi nó không chỉ giảm áp lực lên nhập siêu mà còn góp phần thu về lượng ngoại tệ rất lớn, huy động được nguồn lực "nằm chết" trong dân phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Diễn đàn doanh nghiệp

>> Kết thúc một tuần biến động, vàng tăng lên 39,5 triệu đồng/lượng