Học giả Đài Loan "xúi" Nhật Bản dâng Senkaku cho Trung Quốc

29/08/2012 07:05
Bảo Thành (Nguồn China Times)
(GDVN) - Không nên xem thường giá trị của các lực lượng vũ trang Đài Loan trong cuộc xung đột Điếu Ngư (Senkaku), vì Đài Loan nằm gần chiến trường hơn cả Trung Quốc và Nhật Bản
Có thể bạn quan tâm
Trong bài báo đăng trên Tuần san Asia mới nhất xuất bản tại Hồng Kông, chuyên gia phân tích quân sự Đài Loan Hoàng Minh Tuấn đã đưa ra một kịch bản về các hoạt động quân sự của Trung Quốc, Đài Loan và Nhật Bản khi có chiến tranh nổ ra tại nhóm đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.

Trực thăng vũ trang Đài Loan
Trực thăng vũ trang Đài Loan

Học giả này cho rằng, quân đội Trung Quốc (PLA) muốn đánh bại lực lượng Nhật Bản và đồng minh Mỹ xung quanh quần đảo này thì phải chiếm được ưu thế kiểm soát bầu trời và mặt biển cũng như tác chiến điện tử hơn đối phương. Nếu Trung Quốc có khả năng tiêu diệt được trung tâm thông tin liên lạc của Mỹ, họ sẽ có thể giành thắng lợi ngay cả khi đối phương chưa kịp chuẩn bị sẵn sàng. 
Tuy hiện nay không quân Trung Quốc đã có thể thực hiện tiếp liệu trên không nhưng họ vẫn không phải đối thủ của không lực Hoa Kỳ mạnh nhất thế giới. Ông Tuấn cho hay, Trung Quốc sẽ phải giành thắng lợi trong các trận hải chiến với quân Mỹ bằng hình thức chiến tranh bất đối xứng vì nước này còn thiếu tàu chiến tân tiến.
Trong bối cảnh đó, Trung Quốc muốn chiến thắng bắt buộc phải đánh nhanh thắng nhanh trong trận chiến với Nhật Bản vì nước này sẽ không duy trì được lợi thế nếu chiến dịch kéo dài. Nếu không làm được điều này, Trung Quốc tốt hơn là nên đánh bại đối phương bằng chính trị.

Chiến lược chung của Trung Quốc là kết nối toàn bộ cộng đồng người Hoa trên khắp thế giới, trong đó có Đài Loan, nhằm tập trung chĩa mũi nhọn vào vấn đề chủ quyền Senkaku/Điếu Ngư.

Tàu sân bay Thi Lang lớp Varyag Trung Quốc mua lại của Ukraine vẫn còn đang tu sửa và chạy thử lần thứ 10
Tàu sân bay Thi Lang lớp Varyag Trung Quốc mua lại của Ukraine vẫn còn đang tu sửa và chạy thử lần thứ 10

"Không nên xem thường giá trị của các lực lượng vũ trang Đài Loan trong cuộc xung đột Điếu Ngư (Senkaku), vì Đài Loan nằm gần chiến trường hơn cả Trung Quốc và Nhật Bản.” Học giả này nhận định, với phi đội máy bay hiện đại F-16A/B Block 20 và Mirage 2000, không quân Đài Loan có thể dễ dàng bắn hạ máy bay chiến đấu của Nhật Bản vì chúng có thể bay lâu hơn.

Tuy các chiến đấu cơ Nhật Bản có hệ thống tiếp liệu trên không nhưng máy bay Đài Loan vẫn có thể giành chiến thắng vì Nhật Bản khó có thể khống chế được bầu trời trên quần đảo này.  
Đài Loan sẽ dễ dàng đổ bộ lực lượng đặc biệt chiếm đóng các hòn đảo tranh chấp bằng trực thăng vũ trang. Các lực lượng đặc biệt Đài Loan như thủy quân lục chiến, đặc nhiệm và không quân có trình độ tác chiến cao hơn Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản. Bởi vậy, Trung Quốc cần phải tranh thủ sự ủng hộ của Đài Loan để giành chiến thắng trong cuộc chiến với Nhật Bản, ông Hoàng Minh Tuấn nhận định.
Trong trường hợp này, học giả Đài Loan "xui" Nhật Bản, muốn giành chiến thắng trước PLA hãy để Trung Quốc chiếm được các hòn đảo từ đầu. Việc duy trì lực lượng trên các hòn đảo này lâu dài là quá tốn kém vì chúng nằm cách đất liền Nhật Bản quá xa. Sự cơ động là chìa khóa dẫn đến thắng lợi nếu họ muốn đánh bại lực lượng chiếm đóng của Trung Quốc và giành lại vùng lãnh thổ tranh chấp.  

Tàu sân bay USS George Washington của hải quân Mỹ
Tàu sân bay USS George Washington của hải quân Mỹ

Ngay cả khi giành được thắng lợi về mặt chiến thuật, Nhật Bản cũng sẽ gặp khó khăn để gỡ được thế cờ bí với Trung Quốc bởi Nhật Bản là nước có nguồn tài nguyên hạn chế. Khả năng thành công sẽ càng thấp hơn nếu Washington quyết định đứng ngoài cuộc.

Khi Trung Quốc có khả năng khơi mào được phong trào phản chiến trong dư luận Mỹ bằng cách gây ra thiệt hại lớn về con người ngay từ giai đoạn đầu tham chiến của Mỹ, Bắc Kinh sẽ có cơ hội giành thắng lợi lớn hơn trên mặt trận chính trị.
Bảo Thành (Nguồn China Times)