V-League đang loạn vì... tiền

31/08/2012 04:32
Theo SGGP
Có người nói vui rằng: nếu việc xuống hạng của Hải Phòng chỉ vì tiền thì mọi việc quá đơn giản. Với đội bóng này, tiền chẳng phải là thứ lăn tăn, nhưng không có tiền thì đến một chi tiết nhỏ cũng trở thành nguy hiểm. Còn Đồng Tháp, họ chưa bao giờ được gọi là giàu nhưng rớt hạng, lại chưa chắc đã vì thiếu tiền.
Trước khi nói về chuyên môn, việc xuống hạng của Hải Phòng và Đồng Tháp khoét một lỗ rất sâu vào tâm thức của những người làm bóng đá tử tế một câu hỏi: Tại sao 2 đội bóng, 2 địa phương mà bóng đá chảy trong huyết quản người dân nơi đây lại rớt hạng? Trả lời câu hỏi đó sẽ bóc trần mọi sự phù phiếm đang phủ lên bóng đá Việt Nam. Không trả lời được câu hỏi, đừng mong sẽ làm được bóng đá chuyên nghiệp.

Tất nhiên, trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi cũng chẳng thể đưa ra lời lý giải nào rõ ràng được. Nhưng có một điều chắc chắn: sự xuống hạng của Hải Phòng và Đồng Tháp không liên quan gì đến tình yêu bóng đá ở 2 địa phương này. Chắc chắn một điều là các CĐV vẫn giữ nguyên sự ủng hộ dành cho đội nhà. Vấn đề còn lại: người ta đã đối xử với bóng đá như thế nào để khi có đủ đầy mọi thứ, vẫn bị xuống hạng.
Đối với người hâm mộ bóng đá Hải Phòng, việc đội nhà rớt hạng là nỗi đau không thể tả.
Đối với người hâm mộ bóng đá Hải Phòng, việc đội nhà rớt hạng là nỗi đau không thể tả.
Như chuyện ở Hải Phòng. Họ thiếu cái gì chứ? Sự hâm mộ cuồng nhiệt, một HLV có danh tiếng lẫy lừng, một đội hình không đến mức yếu kém về năng lực và cũng chẳng thiếu các ngôi sao. Phải chăng cái thiếu lớn nhất của đội bóng này chính là một khát vọng chơi bóng, thứ bóng đá cống hiến và tận lực thay vì cứ chạy theo những hào nhoáng của vẻ bề ngoài.

Hay như Đồng Tháp. Đúng là mùa này họ không mạnh, nhưng công bằng mà nói, họ đâu đến mức suy sụp cả một hệ thống nhân sự. Có những lúc, Đồng Tháp chơi rất ấn tượng và nhìn cách họ chơi những thời điểm đó, đâu kém gì HA.Gia Lai hay Bình Dương, Ninh Bình. Mặt khác, suốt 3-4 năm, lúc nào mà Đồng Tháp chẳng giỏi về năng lực vượt khó.

Điểm chung của Hải Phòng và Đồng Tháp, nếu xét trong chừng 5 mùa bóng trở lại đây, đó là số người gốc địa phương ra đi nhiều hơn quay về. Nói đúng hơn, đã đi là hình như…đi luôn. Quay về như Trần Công Minh, rốt cuộc cũng là “đắm cùng thuyền” đấy thôi. Nói như vậy để thấy, bóng đá ở các nơi này hình như rất “bạc”. Thế mới lạ, những nơi mà người ta yêu bóng đá nhất thì lại là nơi khó “sống” nhất hay sao?

Đấy là vấn đề. Lẽ ra, những người làm bóng đá tại Hải Phòng phải tìm cách vun vén được tình yêu bóng đá, thay vì thế, dường như điều đó lại được sử dụng cho một mục đích khác. Từ khi Vạn Hoa chuyển giao lại cho Xi măng Hải Phòng, đất cảng trở thành cái phễu “hút” người tứ xứ đổ về. Họ đến vì tiền, điều đó là chắc chắn. Ở một nơi vốn có khả năng đào tạo ra cầu thủ có tiếng như Hải Phòng mà cứ sử dụng chiến lược lấy người ngoài như vậy thì còn đâu là bản sắc địa phương được nữa.

Từ khi Xi măng Hải Phòng tiếp nhận đến nay, bóng đá trẻ của đất cảng lụi tàn. Người ta chỉ nghe đến những phi vụ chuyển nhượng đình đám, những trò quảng bá dày đặc trên sóng truyền hình. Chẳng ai nhắc nhớ rằng tại đất cảng có không ít những tài năng được đào tạo tại chỗ và thành danh. Tiền được tung ra quá nhiều nhưng đó là những đồng tiền mua lấy sự hào nhoáng hơn là tìm về bản ngã của mình. Kết cục của mùa giải 2012 thật ra chỉ là cái kết của cao trào “suýt vô địch” ở mùa bóng 2008. Năm đó, sau cú rướn bất thành ở cuối mùa, đất cảng tưởng như mình đã thành “đại gia”, thế là họ tung đủ các chiêu trò để rồi càng cố gắng, càng hụt hơi. Sau chức á quân năm 2010 và chuyển phiên hiệu thành Vicem Hải Phòng, mọi thứ tuột dốc không phanh.
Năm năm trong một “cơn say” bóng đá, chẳng ai ở Hải Phòng nhìn rõ ra mọi chuyện. Thậm chí ngay ở mùa này, họ vẫn chưa “tỉnh” khi mời về ông Lê Thụy Hải. Sự níu kéo đó chẳng đem lại cái gì ngoài nỗi chán chường dâng lên khi nguồn tiền cạn dần theo năm tháng.
Theo SGGP