Lớp học quá tải và "chiếc xe buýt chật chội"

31/08/2012 06:04
Xuân Trung
(GDVN) - Trong buổi họp báo cho các công tác đầu năm học, nhiều vấn đề được Bộ GD&ĐT mổ xẻ, trong đó nóng nhất là tình trạng lạm thu, hiện tượng quá tải trong các lớp học hiện nay.
Hiện tượng lạm thu vẫn còn
Chia sẻ với phóng viên, ông Lê Khánh Tuấn – Vụ phó Vụ kế hoạch Tài chính (Bộ GD&ĐT) cho biết, năm học mới đã bắt đầu nhưng hiện nay tình trạng lạm thu ở một số trường vẫn còn và đang diễn ra. Hiện Bộ GD&ĐT đang thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ để hạn chế tình trạng trên, trong đó quan tâm làm sao cho đủ nguồn đầu tư ngân sách theo quy định của Thủ tướng, nguồn vốn từ chương trình cho mục tiêu quốc gia để đảm bảo cho các trường có nguồn  chi tốt hơn, trước mắt nghiên cứu làm sao đảm bảo đủ ngân sách cho các trường để chi 80% cho con người, 20% cho các hoạt động và trang thiết bị.

Ông Lê Khánh Tuấn – Vụ phó Vụ kế hoạch Tài chính (Bộ GD&ĐT) cho biết, năm học mới đã bắt đầu nhưng hiện nay tình trạng lạm thu ở một số trường vẫn còn và đang diễn ra. Ảnh Xuân Trung
Ông Lê Khánh Tuấn – Vụ phó Vụ kế hoạch Tài chính (Bộ GD&ĐT) cho biết, năm học mới đã bắt đầu nhưng hiện nay tình trạng lạm thu ở một số trường vẫn còn và đang diễn ra. Ảnh Xuân Trung

Để có hành lang pháp lý ngăn chặn tình trạng lạm thu như hiện nay, ông Tuấn cho biết, hiện nay bộ đang soạn thảo hai văn bản để sắp tới ban hành: Văn bản thứ nhất hướng dẫn việc thu tự nguyện trong các trường theo các quy trình. “Hiện nay việc ban hành hơi khó vì các quy định vẫn chưa rõ ràng, cho tới hiện tại chỉ dựa vào một số Nghị định của Thủ tướng để cụ thể hóa. Vì vậy công việc thống nhất với Bộ Tài chính và các bộ khác hơi chậm, nhưng đây là những bước cuối cùng để sắp tới ban hành thông tư này” ông Tuấn nói. 

Văn bản thứ hai theo ông Tuấn sẽ ban hành theo Thông tư 49 (Quy định các trường chất lượng cao được tổ chức thu các khoản dịch  vụ chất lượng cao), theo đánh giá đây cũng là một trong những giải pháp để tránh lạm thu như hiện nay. 

Nhiều ý kiến cho rằng, tăng học phí để tránh lạm thu trong các trường học, vì thực tế các trường thu không đủ chi như hiện nay. Ông Tuấn cho rằng, lộ trình tăng học phí đang trình Thủ tướng xem xét, bộ đã làm việc với 20 tỉnh thành cùng với các bộ ngành khác về vấn đề này. Tuy nhiên, chưa đặt vấn đề tăng học phí trong thời điểm hiện tại.
Thừa, thiếu giáo viên là bình thường

Trước vấn đề ở một số địa phương đang có tình trạng thừa giáo viên  trong khi đó lại yếu về chất lượng trong giảng dạy. Vấn đề này ông Hoàng Đức Minh – Cục trưởng Cục nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết, chất lượng giáo viên đôi chỗ chưa đáp ứng được so với yêu cầu. Bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ sư phạm chỉ là một cách nhìn nhận. Vấn đề giáo viên thừa tại một số địa phương, ông Minh nhận định do biến động của học sinh, đặc biệt là do chuyển đổi số lượng cơ học.
Ông Hoàng Đức Minh – Cục trưởng Cục nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết, chất lượng giáo viên đôi chỗ chưa đáp ứng được so với yêu cầu. Ảnh Xuân Trung
Ông Hoàng Đức Minh – Cục trưởng Cục nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết, chất lượng giáo viên đôi chỗ chưa đáp ứng được so với yêu cầu. Ảnh Xuân Trung
Ông Minh cho rằng, vấn đề thừa, thiếu giáo viên chỉ là vấn đề bình thường trong quá trình phát triển. “Thực ra hiện nay cũng có một số trường đang thừa giáo viên, các tỉnh hầu như đều có số học sinh trên lớp thừa, theo quy định số học sinh THCS chỉ là 45 học sinh trên lớp, ở đây cũng là dịp để thực hiện tốt chất lượng, tốt hơn nữa điều chỉnh số lượng học sinh chỉ 35-40 học sinh trên lớp. Như vậy, điều kiện hoàn toàn cho phép công tác bồi dưỡng học sinh cũng như đội ngũ giáo viên”, ông Minh nói.
Chiếc xe buýt chật chội

Hiện tượng phân luồng cho học sinh cấp 2, cấp 3 chưa phù hợp khiến các em học xong không định hướng được nghề nghiệp của  mình, ông Hoàng Ngọc Vinh – Vụ trưởng Vụ giáo dục Chuyên nghiệp cho biết, công tác phân luồng thực tế đã đặt nhiều năm nay, nhưng tiến triển chưa được bao nhiêu.

Theo ông Vinh, đã có nhiều cách làm tuyên truyền, cải thiện chất lượng đào tạo nhưng vẫn còn nan giải. Điều đó chủ yếu phụ thuộc ở nhận thức của các doanh nghiệp, ông Vinh đặt câu hỏi: “Có nơi nào nhận học sinh chưa có bằng tốt nghiệp hay không?

Hơn nữa, mục tiêu phân luồng làm cho công tác quản lý trở nên khó khăn hơn vì hiện tại Bộ GD&ĐT và Bộ LĐ TB&XH cùng quản lý, hơn nữa bậc TCCN không được đầu tư nhiều do vậy thí sinh bị thiệt thòi.
 
Ông Lê Tiến Thành – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) thẳng thắn thừa nhận tình trạng lớp học quá tải hiện nay do có nhiều người di cư từ ngoài vào các khu vực nội đô. Ảnh Xuân Trung
Ông Lê Tiến Thành – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) thẳng thắn thừa nhận tình trạng lớp học quá tải hiện nay do có nhiều người di cư từ ngoài vào các khu vực nội đô. Ảnh Xuân Trung

Vấn đề “nóng” hiện nay theo nhiều phụ huynh phản ánh các lớp học đang trong tình trạng quá tải, đặc biệt là các lớp thuộc trường chuẩn quốc gia. Ông Lê Tiến Thành – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) thẳng thắn thừa nhận: “Bộ có biết tình trạng này, xuất phát từ thực tế ở các thành phố lớn, hằng năm đều có lượng di cư lớn, do đó học sinh ngày càng đông, ngược lại các vùng nông thôn ngày càng ít đi. Thành phố do đó không xây dựng kịp trường học, do vậy mới có hiện tượng trên, trách nhiệm là ở UBND cấp thành phố”.

Đại diện ngành giáo dục tiểu học cũng cho biết, ngành muốn tất cả các trẻ đều được đến trường, nhưng ở chiếc xe buýt chỉ có 30 chỗ không thể nhét hết 50 người, 20 người còn lại sẽ không được đi. Tuy nhiên, trong giáo dục không thể chỉ chấp nhận 30 người và thẳng thừng từ chối  không cho những em còn lại vào học, như vậy trong nhiều giải pháp phải chấp nhận một giải pháp.

“Chúng tôi biết các thành phố đều cố gắng xây trường để giảm học sinh trên một lớp, nhưng để đạt được con số mong muốn thì các UBND phải cố gắng nhiều. Chúng ta rất bức xúc về sự mất cân đối trên nhưng đó là thực tế mà hiện tại chúng ta phải chia sẻ để các thành phố có lộ trình, không thể có một giải pháp tức thì ngay được”, ông Thành phân trần
Xuân Trung