Unilever chính thức lên tiếng, “tiền hậu bất nhất” về quảng cáo Vim

31/08/2012 14:40
Hà Nhi
(GDVN) - Unilever Vietnam “mong muốn nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về vấn đề vệ sinh và diệt khuẩn”, tuy nhiên, hình ảnh quẹt tay vào bồn cầu đã vô tình phản lại điều đó.
Unilever Việt Nam né trả lời? Trong công văn gửi báo điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 30/8/2012, bà Bùi Thị Thanh Huyền, Giám đốc ngành hàng chăm sóc nhà cửa đã đại diện cho công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam đưa ra câu trả lời xung quanh những xôn xao về quảng cáo nước tẩy rửa Vim đang được nhiều người quan tâm. Theo đó, đại diện Unilever Việt Nam gần như đã không trả lời thẳng vào vấn đề mà những câu hỏi phóng viên Giáo dục Việt Nam đã đưa ra. Trong 6 câu hỏi mà phóng viên Giáo dục Việt Nam đã gửi tới hãng có đề cập tới sự phản cảm của hình ảnh người phụ nữ quẹt bàn tay vào bồn cầu tạm cảm giác “ghê ghê” cho người xem, cũng như việc có thể tạo tiền lệ xấu để trẻ em học theo.
Công văn trả lời Báo điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 30/8/2012 của đại diện công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam.
Công văn trả lời Báo điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 30/8/2012 của đại diện công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam.
Tuy nhiên, Unilever Việt Nam hoàn toàn không nhắc tới hay giải thích gì về hình ảnh được coi là rất phản cảm và mất vệ sinh này.
Đại diện công ty này chỉ khẳng định “Nhãn hàng Vim là nhãn hàng tẩy rửa bồn cầu và nhà tắm hàng đầu tại Việt nam, được đông đảo người tiêu dùng tin tưởng từ lâu” và “Vim luôn cam kết mang đến những sản phẩm với công thức cải tiến và chất lượng tốt nhất cho người tiêu dùng nhằm cải thiện điều kiện vệ sinh và nâng cao nhận thức của người tiêu dùng”. Trong công văn của Unilever Việt Nam cũng nêu rõ: “Bồn cầu là nơi tồn tại của rất nhiều vi khuẩn. Những vi khuẩn này là mầm mống gây nên những bệnh nguy hiểm cho con người như tiêu chảy, tả, lị, thương hàn…Tuy nhiên, bằng mắt thường không thể thấy được vi khuẩn”. Theo Unilever, việc thường xuyên cọ rửa và diệt vi khuẩn cho bồn cầu là “vô cùng cần thiết nhằm bảo vệ sức khỏe cho mọi người”. Mục đích là vậy nhưng theo ý kiến của không ít độc giả, những gì mà Unilever đưa lên quảng cáo dường như hoàn toàn trái ngược với những phát ngôn trên. Hình ảnh người phụ nữ quẹt bàn tay vào bồn cầu – nơi có nhiều vi khuẩn có thể coi là một minh chứng cho điều này. Có ai dám khẳng định bồn cầu sau khi tẩy rửa bằng Vim sẽ sạch bóng vi trùng, trong khi gần 50% số ca tiêu chảy theo khảo sát của Bộ Y tế là do bàn tay chưa được rửa sạch? Hơn nữa, sau khi xem các chất có trong thành phần được ghi bên ngoài vỏ bao bì của dung dịch tẩy rửa bồn cầu Vim (như: Sodium Hypochlorite, Lauric Acid, Sodium Hydroxide, Amine Oxide...), TS. Nguyễn Văn Khải – chuyên gia vật lý, nhấn mạnh: đa phần chúng là các chất axit, có tác dụng khử trùng và đều gây độc hại với cơ thể của con người. Như vậy, “cứ cho ý đồ của Vim là muốn chứng minh bồn cầu 100% sạch khuẩn, quảng cáo mong muốn truyền tải thông điệp về sự sạch sẽ nhưng cách cho tay vào quẹt, lại vô cùng mất vệ sinh và độc hại. Như vậy chẳng phải là ‘tiền hậu bất nhất” sao?” – một độc giả chia sẻ.
Sự độc hại của Vim được ghi rõ trên mục lưu ý của vỏ bao bì sản phẩm.
Sự độc hại của Vim được ghi rõ trên mục lưu ý của vỏ bao bì sản phẩm.
Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa Chưa nói tới việc, trên Giáo dục Việt Nam, GS.Nguyễn Lân Dũng đã đề cập tới tính phản khoa học trong clip quảng cáo khi Vim dùng một loại kính lúp, hay một miếng thử quẹt để kiểm tra vi khuẩn như kiểu “đánh lừa” người xem. Đại diện của Unilever Việt Nam cũng thừa nhận: “Nội dung quảng cáo của nhãn hàng Vim có sử dụng hình ảnh vi khuẩn được nhân cách hóa cũng như hình ảnh thiết bị đèn chiếu thấy vi khuẩn trong bồn cầu là mang tính chất minh họa, chỉ nhằm để có thể truyền tải thông điệp tới người tiêu dùng một cách đơn giản, dễ hiểu và hiệu quả”. “Trong các chiến dịch truyền thông, trước khi phát sóng đến đông đảo người tiêu dùng, chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu kỹ càng về các vấn đề bồn cầu và nhà tắm” – vị đại diện này nhấn mạnh. Tuy nhiên, với nhiều ý kiến trái chiều của dư luận, đại diện của Unilever Việt Nam đã không đưa ra ý kiến gì về việc có hay không việc sửa đổi các hình ảnh vi khuẩn được cho là “phản cảm”, ghê rợn trong các quảng cáo của Vim trong thời gian tới. Câu hỏi về mức độ thành công của quảng cáo và doanh thu vượt mức của Vim đạt được sau quảng cáo này cũng được hãng “tỉnh bơ’. Thêm vào đó, với nghi ngại của GS. Nguyễn Lân Dũng về việc nhiều doanh nghiệp hiện nay mượn danh các bệnh viện, các cơ sở, tổ chức khoa học để “bịt mắt” người tiêu dùng, Unilever Việt Nam chỉ nhắc lại: “Sản phẩm Vim có tính năng diệt khuẩn được kiểm nghiệm của viện Pasteur Tp.Hồ Chí Minh” mà không đưa ra các dẫn chứng hay các giấy tờ chứng minh kèm theo để chứng minh cho việc kiểm nghiệm này.


Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết, những ý kiến của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!

Hà Nhi