Trung Quốc quyết tập trung nguồn lực cho phát triển động cơ máy bay

04/09/2012 07:00
Việt Dũng (nguồn báo Nhân Dân, Phương Đông, TQ)
(GDVN) - Theo báo “Nhân Dân” TQ, công nghiệp hàng không nước này đã giành được nhiều đột phá lớn, có thể cạnh tranh quốc tế, nỗ lực phát triển động cơ.
Động cơ phản lực mang tên CJ-1000A của Trung Quốc.
Động cơ phản lực mang tên CJ-1000A của Trung Quốc.

Tờ “Nhân Dân” Trung Quốc vừa có bài viết tuyên truyền cho rằng, những năm gần đây, Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc đã có nhiều thành quả tự chủ sáng tạo, công nghiệp hàng không Trung Quốc đã tiếp cận trình độ tiên tiến của thế giới, chuyển từ “theo không kịp” tiến lên “cùng cạnh tranh”, từ “giật gấu vá vai” đến “cầu được ước thấy”, có thể “ưỡn ngực” như một cường quốc hàng không. Trung Quốc đã liên tiếp đột phá được những công nghệ quan trọng như phát triển được máy bay chiến đấu J-10, động cơ nội địa, máy bay trực thăng cỡ lớn…

Báo “Nhân Dân” Trung Quốc tuyên truyền, động cơ hàng không tính năng cao từng là “gót chân Achilles” kiềm chế nghiêm trọng sự phát triển tổng thể của công nghiệp hàng không Trung Quốc. Tại Triển lãm Hàng không Chu Hải năm 2010, Công nghiệp Hàng không Trung Quốc đã trưng bày động cơ phản lực WS-10, chính thức tuyên bố với bên ngoài:

"Trung Quốc đạt được thành quả mang tính giai đoạn quan trọng trong nghiên cứu động cơ phản lực cỡ lớn tính năng cao, đã có khả năng tự chủ nghiên cứu phát triển động cơ hàng không thế hệ thứ ba, đã thực hiện được bước nhảy về động cơ hàng không quân dụng từ lực đẩy trung bình lên lực đẩy lớn".

Trong thời gian thực hiện Quy hoạch 5 năm lần thứ 11, Công nghiệp hàng không Trung Quốc đã giành được 17 giải tiến bộ khoa học kỹ thuật quốc gia, 2 giải đặc biệt về tiến bộ khoa học kỹ thuật quốc gia, lần lượt đã nghiên cứu chế tạo hoàn thành nhiều loại máy bay quân dụng kiểu mới và các loại tên lửa, nhiều kiểu loại động cơ hàng không và thiết bị trên máy bay cũng đã được đưa vào sản xuất hàng loạt.

Chẳng hạn máy bay chiến đấu J-10, công nghiệp hàng không Trung Quốc đã thực hiện được bước nhảy từ thế hệ thứ hai sang thế hệ thứ ba về máy bay quân sự. Đến nay, lại có một loạt trang bị hàng không tiên tiến mới đang được đẩy nhanh nghiên cứu chế tạo.

Máy bay chiến đấu J-10
Máy bay chiến đấu J-10
Máy bay chiến đấu JF-17
Máy bay chiến đấu JF-17

Hợp đồng 1 tỷ USD xuất khẩu máy bay FC-1 Kiêu Long/JF-17 Thunder cho Pakistan năm 2009 đã thực hiện được một kỷ lục lớn nhất về trị giá hợp đồng xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc, đã thực hiện được bước chuyển từ xuất khẩu hàng hóa sang xuất khẩu “kép” hàng hóa và công nghệ.

Còn máy bay trực thăng EC175 đã thực hiện được bước chuyển của Trung Quốc từ người làm thuê nhỏ lên cổ đông lớn trong hợp tác quốc tế lĩnh vực hàng không, đã xây dựng được chuỗi công nghiệp vừa mang đặc sắc Trung Quốc, vừa có thể hòa nhập vào kinh tế hàng không thế giới, trở thành một kiểu mẫu thành công trong hợp tác giữa công nghiệp hàng không Trung Quốc với quốc tế.

Năm 2009, Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc đã lần đầu tiên đứng vào Top 500 doanh nghiệp quân sự mạnh của thế giới. Năm 2012, Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc tiếp tục đứng ở Top 500 này, đồng thời giành vị trí thứ 9 thế giới loại doanh nghiệp quốc phòng và hàng không vũ trụ, bước lên một khởi điểm mới trong cuộc cạnh tranh với các doanh nghiệp công nghiệp quân sự cấp thế giới như Tập đoàn Quốc phòng Vũ trụ châu Âu, hãng Boeing.

Báo Trung Quốc cho rằng, an ninh không thể mua được, thậm chí còn có thể bị phong tỏa công nghệ; cũng không thể mua được công nghệ lõi, mũi nhọn, muốn phát triển thì phải tự chủ sáng tạo.

Máy bay trực thăng dân dụng cỡ lớn AC313 của Trung Quốc.
Máy bay trực thăng dân dụng cỡ lớn AC313 của Trung Quốc.

Đầu thế kỷ này, Công ty Lê Minh của Công nghiệp Hàng không Trung Quốc đã chịu sức ép sinh tồn rất lớn, nhưng họ đã mạnh dạn từ bỏ những chương trình không có liên quan đến ngành chính, tập trung những nguồn lực quan trọng nhất cho công nghiệp động cơ hàng không, tập trung vào nghiên cứu chế tạo tua-bin chạy ga, đã sản xuất được tua-bin chạy ga hạng nặng (R0110) có bản quyền sở hữu trí tuệ, giúp cho Trung Quốc không còn bị phụ thuộc hoàn toàn vào thiết bị động cơ trong lĩnh vực quốc phòng, công nghiệp nặng.

Ngày 18/3/2010, máy bay trực thăng cỡ lớn AC313 do Trung Quốc độc lập nghiên cứu chế tạo đã lần đầu tiên bay thành công, đã kết thúc lịch sử không thể sản xuất được máy bay trực thăng dân dụng cỡ lớn của Trung Quốc.

Hiện nay, Công nghiệp Hàng không Trung Quốc đã tập hợp được rất nhiều nhân tài hàng không ưu tú và có ý thức trách nhiệm, trong đó có 17 viện sĩ hai viện. Công nghiệp hàng không Trung Quốc đang tập trung đột phá vào động cơ máy bay cỡ lớn.

Động cơ WS-10 do Trung Quốc tự sản xuất
Động cơ WS-10 do Trung Quốc tự sản xuất
Việt Dũng (nguồn báo Nhân Dân, Phương Đông, TQ)