Máy bay siêu thanh X-51A bị rơi vỡ sẽ làm lung lay quyết tâm của Mỹ?

05/09/2012 15:00
Việt Dũng (nguồn báo báo Phương Đông)
(GDVN) - Mỹ đẩy nhanh “chương trình tấn công toàn cầu tốc độ nhanh” và vũ khí tấn công tốc độ nhanh là sát thủ chiến lược thời đại hậu vũ khí hạt nhân.
Máy bay ném bom B-52 mang theo thiết bị bay siêu thanh X-51A. X-51A sử dụng động cơ phản lực tĩnh siêu âm SJY61 của Công ty Rocketdyne, có thể tăng tốc lên khoảng 6 Mach.
Máy bay ném bom B-52 mang theo thiết bị bay siêu thanh X-51A. X-51A sử dụng động cơ phản lực tĩnh siêu âm SJY61 của Công ty Rocketdyne, có thể tăng tốc lên khoảng 6 Mach.

Tờ “Thanh niên Trung Quốc” vừa có bài viết cho rằng, ngày 15/8, Không quân Mỹ ra tuyên bố, lần bay thử thứ ba ngày 14/8 của thiết bị bay (máy bay) siêu thanh siêu cao X-51A WaveRider đã thất bại.

Trong cuộc thử nghiệm cùng ngày, X-51A đã tách khỏi máy bay ném bom B-52 ở trên độ cao 15.000 km, tên lửa đẩy thuận lợi điểm hỏa, nhưng sau khi bay được 16 giây, một cánh đuôi (tail wing) cân bằng của thiết bị bay đã gặp trục trặc, khiến cho động cơ phản lực tĩnh siêu âm của nó không thể điểm hỏa thành công, thiết bị bay nhanh chóng mất kiểm soát, rơi xuống Thái Bình Dương.

Không quân Mỹ muốn lần này X-51A có thể tăng tốc lên gấp 6 lần tốc độ âm thanh, vọt lên độ cao 21.000 km, bay liên tục 300 giây, không ngờ cánh đuôi có yêu cầu công nghệ hoàn toàn không cao lại có vấn đề, khiến cho lần bay thử thứ ba cũng thất bại như lần thứ hai vào năm 2011.

Nhưng, X-51A bay thử thất bại hoàn toàn không có nghĩa là “chương trình tấn công toàn cầu tốc độ nhanh” của quân Mỹ sẽ chấm dứt, bởi vì, vũ khí tấn công tốc độ nhanh trong tương lai sẽ trở thành sát thủ chiến lược thời đại hậu vũ khí hạt nhân của quân Mỹ, vị thế của nó không thể lung lay.

Vũ khí tấn công toàn cầu tốc độ nhanh đang trở thành thủ đoạn răn đe chiến lược phi hạt nhân mới của quân Mỹ

Sau khi Obama lên cầm quyền, một mặt đề xuất xây dựng “thế giới không có vũ khí hạt nhân”, thúc đẩy cắt giảm vũ khí hạt nhân, đồng thời đẩy nhanh phát triển “chương trình tấn công toàn cầu tốc độ nhanh”, cố gắng đạt được khả năng dùng vũ khí thông thường tấn công bất cứ mục tiêu nào trên thế giới trong vòng 1 giờ.

Vì vậy, vũ khí tấn công toàn cầu tốc độ nhanh đang trở thành thủ đoạn răn đe chiến lược phi hạt nhân mới của quân Mỹ, có vị trí hết sức quan trọng trong phát triển hệ thống vũ khí trang bị tương lai của quân Mỹ. Nó không chỉ có tính răn đe chiến lược, mà còn có tính linh hoạt trong chiến đấu thực tế, làm cho Mỹ có khả năng giảm phụ thuộc vào vũ khí hạt nhân trong chiến lược an ninh quốc gia.

Mỹ lần đầu tiên đưa ra khái niệm “tấn công toàn cầu tốc độ nhanh” trong “Báo cáo nghiên cứu tình hình hạt nhân” công bố năm 2002. Báo cáo cho biết, phải thay đổi cơ cấu của lực lượng chiến lược, tăng cường lực lượng tấn công phi hạt nhân bổ sung cho lực lượng hạt nhân chiến lược, đồng thời cùng tạo nên sức mạnh răn đe chiến lược.

Còn khái niệm “tấn công toàn cầu tốc độ nhanh” đã được làm rõ vào năm 2008. Tháng 10 cùng năm, trong báo cáo “Tấn công toàn cầu thông thường tốc độ nhanh của Mỹ: năm 2008 và vấn đề sau này” của Ủy ban Nghiên cứu Quốc gia, Viện Khoa học Quốc gia Mỹ, “thông thường” được định nghĩa là “phi hạt nhân”, “tốc độ nhanh” được định nghĩa là tiến hành tấn công trong vòng 1 giờ sau khi phóng, còn “tấn công toàn cầu” là chỉ “tấn công bất cứ mục tiêu nào trên thế giới với độ chính xác chỉ vài mét”.

Căn cứ vào chương trình nghiên cứu phát triển vũ khí tấn công toàn cầu tốc độ nhanh do Bộ Quốc phòng Mỹ đưa ra, hệ thống vũ khí mới phải có 4 khả năng tác chiến:

Một là khả năng tấn công trong nháy mắt. Mục tiêu tấn công chủ yếu là các mục tiêu có giá trị cao và nhạy cảm với thời gian thoáng qua, như nơi tổ chức hội nghị của tổ chức khủng bố, nơi phóng vũ khí sát thương quy mô lớn. Vì vậy, vũ khí tấn công tốc độ nhanh phải có thể tiến hành tấn công và tiêu diệt bất cứ mục tiêu nào trên toàn cầu trong vòng 1 giờ sau khi nhận được lệnh.

Hai là khả năng tác chiến tầm xa. Vũ khí tấn công tốc độ nhanh có thể từ lãnh thổ Mỹ tấn công bất cứ mục tiêu nào ở nước ngoài, cự ly tác chiến khoảng 10.000-12.000 km.

Ba là khả năng đột phá phòng không tàng hình. Các nước đang đua nhau phát triển công nghệ cảnh báo trên không và gây nhiễu điện tử để nâng cao khả năng đánh chặn, trong khi đó hệ thống vũ khí tấn công tốc độ nhanh phải vài năm sau mới đưa vào sử dụng, vì vậy vũ khí này trong giai đoạn thiết kế phải xem xét đầy đủ khả năng đột phá phòng không tàng hình để đáp ứng yêu cầu môi trường chiến trường sau nhiều năm.

Bốn là khả năng tấn công chính xác. Vũ khí tấn công tốc độ nhanh sẽ trang bị đầu đạn thông thường có uy lực không lớn, vì vậy yêu cầu đối với tấn công chính xác rất cao, cố gắng thực hiện được “phát nào trúng phát đó” để giảm thiệt hại phụ, giảm tranh chấp ngoại giao.

“Chương trình tấn công toàn cầu tốc độ nhanh” của quân Mỹ là một hệ thống khổng lồ

Ngoài X-51A, trên thực tế Bộ Quốc phòng Mỹ đã đưa ra một loạt phương án dự phòng đối với hệ thống vũ khí tấn công toàn cầu tốc độ nhanh, “chương trình tấn công toàn cầu tốc độ nhanh” đã là một hệ thống khổng lồ. Khái quát lại, vũ khí trang bị chính gồm một số loại dưới đây:

Thứ nhất là tên lửa đẩy siêu thanh kiểu lướt. Tư tưởng thiết kế của nó là kết hợp giữa hoạt động đẩy của tên lửa với công nghệ lướt siêu thanh không động lực. Toàn bộ quá trình bay là: tên lửa đẩy đưa thiết bị mang theo đạn dược lên tới độ cao 100 km trở lên, sau đó tắt máy và tách khỏi.

Sau đó, thiết bị mang đạn dược bay theo quán tính ở ngoài bầu khí quyển, khi đến gần khu vực mục tiêu, thiết bị mang đạn dược hạ thấp đi vào bầu khí quyển, dựa vào lực nâng khí động học bay lướt cơ động với tốc độ siêu thanh cự ly xa, ở vùng trời mục tiêu khoảng 30.000 m, phóng đạn dẫn đường chính xác tấn công mục tiêu.

Tàu vũ trụ X-37B của hãng Boeing Mỹ.
Tàu vũ trụ X-37B của hãng Boeing Mỹ.

Tên lửa đẩy siêu thanh kiểu lướt có đường đạn (đạn đạo) hoàn toàn khác với tên lửa đạn đạo xuyên lục địa truyền thống, có thể tránh hiệu quả “phán đoán nhầm hạt nhân” có thể gây ra bởi tên lửa hạt nhân chiến lược mang theo đầu đạn thông thường, mục tiêu của chương trình thiết bị bay công nghệ siêu thanh là cuối cùng phải nghiên cứu chế tạo được “thiết bị bay hành trình siêu âm”, Chương trình đại diện của nó là chương trình Falcon và chương trình “tên lửa tấn công thông thường”.

Thiết bị bay trong chương trình Falcon có tốc độ tối đa hơn 20 Mach, có thể tấn công mục tiêu ngoài 16.000 km trong vòng 2 giờ. Nó sử dụng hệ thống dẫn đường tổ hợp GPS/quán tính, sai lệch xác suất là 3 m. Mục tiêu của nó là thể hiện, nghiệm chứng thiết bị bay lướt siêu thanh không động lực có thể thực hiện nhiệm vụ vươn tới toàn cầu, cuối cùng phát triển được thiết bị bay hành trình siêu thanh có thể tái sử dụng.

Thứ hai là tên lửa hành trình siêu thanh. Đại diện của nó là X-51A WaveRider. Nó là một loại tên lửa hành trình lấy động cơ phản lực tĩnh siêu âm làm động lực, tốc độ bay vượt 5 Mach, có thể tiến hành bay siêu thanh trong bầu khí quyển, thông qua triển khai ở tuyến đầu thực hiện nhiệm vụ tấn công toàn cầu tốc độ nhanh.

Tên lửa hành trình dưới siêu âm tấn công mục tiêu ngoài 1.000 km cần hơn 1 giờ, còn tên lửa hành trình siêu thanh chỉ cần vài phút, nó đóng vai trò không thể thay thế khi tấn công các mục tiêu nhạy cảm về thời gian và mục tiêu cơ động giá trị cao như giá phóng tên lửa, tàu sân bay.

Ngoài ra, tên lửa hành trình siêu thanh còn có chức năng to lớn là có thể nâng cao có hiệu quả khả năng tấn công đối với các mục tiêu gia cố (gồm mục tiêu ở sâu dưới lòng đất).

X-37B có tiềm năng phát triển thành máy bay chiến đấu quân sự trong không gian.
X-37B có tiềm năng phát triển thành máy bay chiến đấu quân sự trong không gian.

Thứ ba là thiết bị bay thử nghiệm quỹ đạo X-37B. Đây là một loại tàu vũ trụ không gian có thể tái sử dụng, sử dụng khoang tải trọng có hiệu quả triển khai thiết bị hàng không vũ trụ cỡ nhỏ.

Tháng 4/2010, thiết bị bay thử nghiệm quỹ đạo X-37B đầu tiên của Không quân Mỹ được tên lửa đẩy Atlas-5 phóng lên quỹ đạo, đánh dấu công nghệ tái vận tải giành được đột phá mới, cũng đã tạo sự hỗ trợ quan trọng cho phát triển khả năng tấn công toàn cầu tốc độ nhanh của Mỹ.

Do thiết bị bay X-37B có khả năng ở lại trên quỹ đạo, có thể căn cứ vào chỉ lệnh tác chiến nhanh chóng tái xâm nhập bầu khí quyển hoặc ở trên quỹ đạo phóng vũ khí xuống, tiến hành tấn công tốc độ nhanh đối với các mục tiêu nhạy cảm thời gian và mục tiêu giá trị cao, vì vậy được Bộ Quốc phòng Mỹ đưa vào phương án dự phòng dài hạn có thể nâng cao khả năng “tấn công toàn cầu tốc độ nhanh”, mục tiêu là khoảng năm 2030 có khả năng tấn công chính xác mục tiêu tầm xa trong vòng 1 giờ.

Thứ tư là chương trình “cải tiến Trident thông thường”. Tháng 3/2006, Hải quân Mỹ đã công bố chương trình “cải tiến Trident thông thường” nhằm cải tiến đầu đạn hạt nhân của tên lửa đạn đạo phóng ngầm Trident hiện có của Hải quân Mỹ thành đầu đạn thông thường.

Ngoại hình tên lửa Trident sau cải tiến cơ bản tương đồng với tên lửa xuyên lục địa hạt nhân, sự khác biệt chủ yếu là đã áp dụng đầu đạn thông thường mới, đã nâng cao khả năng kiểm soát và dẫn đường đoạn cuối.

Sau khi cải tiến, độ bắn trúng chính xác của tên lửa đạn đạo phóng ngầm Trident từ 90-120 m nâng lên thành 10 m, tầm phóng khoảng 7.500 km, có thể tiến hành tấn công tốc độ nhanh đối với các mục tiêu ở bất cứ nơi nào trên thế giới trong vòng 1 giờ sau khi nhận được chỉ lệnh tác chiến. Hải quân Mỹ xác định mỗi tàu ngầm lớp Ohio mang theo 22 quả tên lửa hạt nhân Trident và 2 quả tên lửa thông thường Trident.

Ngoài ra, vũ khí liên quan đến “tấn công toàn cầu tốc độ nhanh” của quân Mỹ còn có “tên lửa tấn công toàn cầu phóng ngầm” có thể thay đổi đường đạn của Hải quân, và “vũ khí siêu thanh tiên tiến” có khả năng lướt siêu thanh của Lục quân.

Thiết bị bay siêu thanh Falcon HTV-2 của Mỹ
Thiết bị bay siêu thanh Falcon HTV-2 của Mỹ

Kế hoạch nghiên cứu phát triển thiết bị bay siêu thanh sẽ không đi theo con đường thẳng

Do phạm vi số Mach (Mach number) của bay siêu thanh rất rộng, phải vượt qua 3 giai đoạn là dưới tốc độ âm thanh, tốc độ âm thanh và tốc độ siêu âm, mới có thể đi vào giai đoạn tốc độ siêu thanh, cho nên khó khăn công nghệ của nó cũng chưa từng có, dự đoán sẽ không thuận buồm xuôi gió.

Việc nghiên cứu phát triển nó chắc chắn phải đột phá 4 công nghệ quan trọng lớn là công nghệ đẩy siêu thanh, công nghệ thiết kế nhất thể hóa, công nghệ vật liệu kết cấu và động lực học không khí siêu thanh. Những năm qua, quân Mỹ luôn tiến hành các cuộc thử nghiệm có liên quan, có thể gọi là khi thất bại khi thắng lợi.

Tháng 4/2010, Cục Kế hoạch Nghiên cứu Cấp cao Bộ Quốc phòng Mỹ đã tiến hành thử nghiệm bay lần đầu tiên chiếc Falcon HTV-2, dùng tên lửa đẩy Minotaur-4 đưa nó lên điểm phân tách đã định, trong tình hình đang ở tốc độ bay hơn 20 Mach, HTV-2 đã tách khỏi tên lửa, nhưng sau khi phóng được 9 phút, nó mất liên lạc với trạm kiểm soát trên mặt đất.

Cuộc thử nghiệm mặc dù chưa đạt được thành công, nhưng lần bay này đã nghiệm chứng công nghệ tách giữa thiết bị bay siêu thanh với tên lửa đẩy, đã đặt nền tảng cho phát triển tương lai của nó.

Tháng 5/2010, X-51A tiến hành bay siêu thanh lần đầu tiên, tốc độ bay đạt 5 Mach, động cơ phản lực tĩnh siêu âm hoạt động khoảng 200 giây, vượt xa kỷ lục bay 12 giây của thiết bị bay siêu thanh X-43A, đánh dấu động cơ phản lực tĩnh siêu âm thực dụng hóa lần đầu tiên đã hoàn thành bay siêu thanh.

Ngày 13/8/2011, tại căn cứ không quân Vandenberg, phía tây bắc Santa Barbara, bang California, Falcon HTV-2 được phóng lên không tiến hành bay thử lần hai, nhưng sau khi bay được nửa tiếng thì mất liên lạc với mặt đất, bay thử tiếp tục thất bại. Hiện nay, Mỹ còn đang tiếp tục triển khai công việc thiết kế HVT-3.

Falcon HTV-2
Falcon HTV-2

Một loại vũ khí tấn công toàn cầu tốc độ nhanh khác của “tên lửa tấn công thông thường” đang được Không quân Mỹ nghiên cứu chế tạo, cũng là tiến hành nghiên cứu chế tạo dựa trên nền tảng “máy bay nghiệm chứng công nghệ siêu thanh” của chương trình Falcon.

Nó cũng là một loại thiết bị bay lướt siêu thanh không động lực, có thể mang theo “bom đường kính nhỏ”, “đạn tấn công trực tiếp liên hợp”.

Hiện nay, việc nghiên cứu chế tạo “tên lửa tấn công thông thường” đã đi vào giai đoạn hai, sẽ triển khai thiết kế thực tế thiết bị bay vận tải, nghiên cứu chế tạo và bay thử. Không quân Mỹ có kế hoạch triển khai hệ thống “tên lửa tấn công thông thường” đầu tiên trong lãnh thổ vào năm 2017-2020.

Những năm gần đây, mặc dù đã thất bại nhiều lần, nhưng Mỹ vẫn không từ bỏ nghiên cứu phát triển thiết bị bay siêu thanh, bởi vì rủi ro cao thường đi liền với lợi ích lớn.

Thiết bị bay siêu thanh hành trình xa, tốc độ nhanh, được gọi là cuộc cách mạng công nghệ lần thứ ba trong lịch sử hàng không, kế tiếp sau cánh quạt, đẩy phản lực; một khi công nghệ then chốt của nó giành được đột phá lớn, ứng dụng quân sự sẽ rất rộng rãi.

Chẳng hạn, sau khi trải qua cải tiến công nghệ siêu thanh, hệ thống tác chiến hiện có của Mỹ lại có bước nhảy vọt về chất mới, làm cho việc tấn công chính xác toàn cầu, tấn công không gian đối đất, tác chiến chống vệ tinh trở thành hiện thực.

Nhưng, điều đáng chú ý là, do chương trình “Hermes” của châu Âu, việc thử nghiệm thiết bị hàng không vũ trụ siêu thanh của Nga đều đã tuyên bố dừng phát triển, Mỹ ở vị thế độc tôn trên phương diện công nghệ bay siêu thanh.

Hơn nữa, “chương trình tấn công toàn cầu tốc độ nhanh” của Mỹ chủ yếu được sự hỗ trợ của công nghệ này càng thu hút sự quan tâm và cảnh giác trên phạm vi toàn cầu.

Thiết bị bay siêu thanh X-51
Thiết bị bay siêu thanh X-51
Việt Dũng (nguồn báo báo Phương Đông)