Giọng hát Việt: Phần thi Đối đầu nên đổi tên là gì?

04/09/2012 14:21
TS Phan Quốc Linh
(GDVN) - Chương trình Giọng hát Việt (The Voice) đang thu hút hàng triệu gia đình, bạn trẻ ở Việt Nam. TS Phan Quốc Linh muốn đưa đến độc giả một góc nhìn riêng của mình, về tên gọi của 2 phần thi đang gây chú ý rất lớn, Giấu mặt và Đối đầu. Giaoduc. net. vn xin đăng tải nguyên văn ý kiến của TS Phan Quốc Linh về chương trình này.
>>Bài 1: Đối đầu, Giấu mặt - tên gọi 'phản cảm' của Giọng hát Việt!

Phần thi Đối đầu nên đổi tên là gì?

Gọi đây là phần thi Đối đầu, theo tôi, BTC đã có sự nhầm lẫn, sai sót về ngữ nghĩa so với nguyên bản.

Đối đầu (against) có ý nghĩa khái quát, ở mức độ tư tưởng, thậm chí là cấp độ hệ tư tưởng; điều này khác hoàn toàn với cuộc đấu, đánh nhau - tay bo (battle). Đối đầu chỉ dùng trong trường hợp nảy sinh mâu thuẫn gay gắt, đối kháng nhau, loại trừ lẫn nhau, chẳng hạn: đối đầu giữa hai phe, đối đầu giữa hai thế lực, đối đầu giữa hai nhóm lợi ích, v. v... Việc hai người có thể xảy ra hiện tượng đối đầu nhau, nhưng là ở hoàn cảnh nào đó, mâu thuẫn quyền lợi xuất phát từ lợi ích sống còn...

Ngoài ra, khi nói đối đầu bao giờ cũng gắn với sự mâu thuẫn trực tiếp, căng thẳng. Điều này hoàn toàn không đúng trong trường hợp thi sinh The Voice, vì sự mâu thuẫn của thí sinh (tạm gọi như vậy) nếu có, lại phải thông qua nhân tố thứ ba là giám khảo và khán giả, chứng tỏ giữa họ là hoàn toàn không có sự đối kháng, mâu thuẫn căng thẳng, trực tiếp (đối đầu). Nói cách khác, cuộc thi nghệ thuật không có mâu thuẫn đối kháng, đối đầu, cùng lắm chỉ có sự canh tranh mà thôi.

Ngân Bình và Quốc Huy, đội Thu Minh, trong phần thi Đối đầu.
Ngân Bình và Quốc Huy, đội Thu Minh, trong phần thi Đối đầu.

Từ Battle trong tiếng Anh có nghĩa là cuộc đánh nhau (tay bo), cuộc đấu, cũng có nghĩa, như tôi đã nói ở trên, là sự đối đầu nhưng theo nghĩa khái quát, trừu tượng, không thích hợp khi nói về cuộc thi bình thường, chưa kể đây là một cuộc thi ở lĩnh vực nghệ thuật, một lĩnh vực vốn xa lạ với sự đối đầu, đối kháng...

Từ những phân tích trên đây qua thực tế kịch bản đang được lên sóng trên VTV3, và qua ngữ nghĩa trong kịch bản gốc (original), chúng tôi thấy nên đi tìm tên gọi cho phần thi này. Sau đây là các bước tìm kiếm (search).

- Lần theo nghệ thuật hát dân gian, chúng ta bắt gặp hình thức hát đối đáp. Thường là một bên nam bên nữ hát đối nhau, kẻ trước người sau.

- Trong bộ môn thể thao - võ thuật, có hình thức song đấu, nghĩa là đấu đối kháng theo từng cặp.

Trong The Voice, có phần thi, đang được gọi là Đối đầu, thí sinh hát song ca, mặc nhiên bộc lộ sự khác biệt, hơn kém nhau nào đó, kết quả là kẻ thắng người thua. Thực chất đây là một dạng song đấu (a battle phase).

Tuy nhiên, khác với song đấu bình thường, chẳng hạn song đấu trong môn thể thao - võ thuật như ta vừa nói ở trên, việc sử dụng chiêu thức thi đấu là không bắt buộc, có thể tùy hứng, v. v... song đấu ở phần thi hát này có sắc thái riêng, đặc biệt ở chỗ cả hai thí sinh cùng hát một bài, nghĩa là vừa song hành vừa đối ngẫu. Đây quả là một hình thức hát - thi mới, chưa có tên trong lịch sử âm nhạc nước ta, có thể gọi là hình thức hát song đối (vừa song hành vừa đối ngẫu).

The Voice - giọng hát Việt song hành Bài hát Việt

Việc Ban giám khảo khuyến khích thi sinh hát tiếng Anh, thậm chí có lúc số lượng còn vượt xa số bài hát tiếng Việt, là một hiện tượng lệch pha, sai lầm mang tính chiến lược phát triển nghệ thuật ca nhạc trong dòng chảy âm nhạc dân tộc, đồng nghĩa là không hiểu đúng yêu cầu kịch bản.

The Voice, như chúng tôi có dịp đề cập ở phần trên, có nghĩa là giọng hát với hoàn cảnh cụ thể ở gốc độ này là cấp quốc gia (truyền hình quốc gia). Đồng nghĩa là cuộc thi co tính quốc gia, dân tộc không chỉ ở gốc độ đẳng cấp mà quan trọng hơn, mang đẳng cấp vì nó xử lý vấn đề ở gốc độ văn hóa quốc gia, dân tộc. Cụ thể là không phải hát bài hát bất kỳ, ngược lại, The Voice - giọng hát Việt song hành Bài hát Việt.

Điều này, ngoài sự định hướng từ kịch bản, còn là vấn đề vốn xuất phát từ bản chất ngôn ngữ, với những biểu hiện cụ thể, thuộc tính bản chất của nó.

Bằng cảm nhận của một nhà thơ về sắc thái khác nhau, phong phú và riêng biệt của mỗi thứ tiếng, cũng như nét đặc sắc của ngôn ngữ tiếng Việt, Lưu Quang Vũ đã viết trong bài thơ”Tiếng Việt”:

Trái đất rộng giàu sang bao thứ tiếng
Cao quý thâm trầm rực rỡ tươi vui
Tiếng Việt rung rinh nhịp đập trái tim người
Như tiếng sáo, như dây đàn máu nhỏ

Và với thứ tiếng có đến những sáu thanh điệu, tiếng Việt quả nhiên có sức biểu cảm riêng, khác với các ngôn ngữ khác trên thế giới: "Tiếng tha thiết, nói thường nghe như hát/kể mọi điều bằng ríu rít âm thanh/Như gió nước không thể nào nắm bắt/dấu huyền trầm, dấu ngã chênh vênh...”.

Lý do có thể nằm ngay trong chính cấu trúc từ và ngữ âm của ngôn ngữ, do chỗ mỗi ngôn ngữ có cấu trúc ngữ âm, theo đó, cũng có thể nói được về cách xử lý âm nhạc cho lời hát của từng hệ ngôn ngữ là khác nhau, có cá tính. Xin được phân tích một thí dụ.

Quốc tế=international (tiếng Anh)=merdunaroden (tiếng Nga, Bun).  Tiếp tục phân tích theo gốc độ ngữ âm học, chúng ta có thể thấy: Ở tiếng Việt có cấu trúc từ theo âm tiết rời, trong khi đó ở ngôn ngữ khác trong ví dụ nêu trên, từ có cấu trúc âm ghép: Quốc tế=tinter/national (tiếng Anh)=merdu/naroden (tiếng Nga, Bun).

Điều chúng tôi muốn ghi nhận ở đây là sự khác nhau trong cách kết hợp từ, theo đó là âm tiết - gắn với phát âm, bao gồm cả giọng điệu, ngữ điệu thông thường và giọng hát, có quy chuẩn tác động đến chuyện chúng ta đang bàn là The Voice - giọng hát Việt song hành bài hát Việt.

Ở gốc độ khoa học về ngôn ngữ, không quá khó để chúng ta nói rằng mỗi thứ tiếng có sắc thái riêng, theo gốc độ nhạc lý hay thanh nhạc, có thể khẳng định việc hát bài hát tiếng mẹ đẻ, ngoài chuyện theo sát kịch bản, là hoàn toàn chuẩn y đối với việc thi giọng hát chuẩn, điều mà nếu hát tiếng nước ngoài không cho phép thí sinh - ca sỹ đạt được ngưỡng khả thi.

Kỹ thuật hát tròn vành rõ chữ, sự thăng hoa cảm xúc khi hát bằng tiếng nước ngoài vốn là rào cản đối với bất kỳ ai, khác nhau chỉ là ở mức độ mà thôi... là những hững hụt dễ xảy ra và không khó để có thể thấy được trong The Voice giọng hát Việt.

Việc thí sinh hát tiếng Anh quá nhiều trong The Voice, theo đó, e làm”thất thoát”giọng hát Việt...
TS Phan Quốc Linh