MiG-31 và những kỳ vọng mới của Không quân Nga

06/09/2012 06:48
Theo Bee
Tạp chí hàng không nổi tiếng Air International đã tiết lộ một số thông tin thú vị chưa từng được công bố về một số dự định mới cũng như sức mạnh thật sự của các máy bay tiêm kích đánh chặn MiG-31.
Tạp chí hàng không nổi tiếng Air International đã tiết lộ một số thông tin thú vị chưa từng được công bố về một số dự định mới cũng như sức mạnh thật sự của các máy bay tiêm kích đánh chặn MiG-31, máy bay tiêm cường kích Su-34 và Su-24 của Không quân Nga.

Theo nhận xét của Tư lệnh Không quân, tướng Alexander Zelin, Không quân Nga đã trải qua quãng thời gian chuyển đổi sâu sắc trong thời kỳ hậu Xô Viết để tiến tới thay đổi cả về lực lượng lẫn tư duy ở mức độ như thời Chiến tranh Lạnh.

Lực lượng này xây dựng một chương trình quy mô để mua vũ khí mới, đồng thời không ngừng nâng cấp những máy bay quân sự cũ bằng các hệ thống điện tử hàng không hiện đại và trang bị thêm vũ khí mới.

Super Su-27 và hậu duệ Su-30SM, Su-35S

Ngoài hợp đồng mua 48 máy bay chiến đấu đa năng, siêu cơ động thế hệ 4++ Su-35 đã được ký kết vào tháng 8/2009, tướng Zelin nói rằng sau đó Không quân sẽ ký thêm một hợp đồng cho 48 chiếc Su-35 nữa.

Hiện nay 4 chiếc Su-35S thuộc series sản xuất loạt đầu tiên đã được chuyển giao cho Không quân và đang tham gia bay trong chương trình thử nghiệm nhà nước.

Ngoài Su-35, trong tháng 3/2012, Không quân Nga cũng đã đặt mua thêm 30 chiến đấu cơ đa năng Su-30SM của Tổng công ty hàng không Irkut. Dự kiến số máy bay này sẽ được chuyển giao trong giai đoạn 2013 - 2015.

Máy bay Su-30SM sử dụng 2 động cơ lực đẩy vector đa chiều cho khả năng cơ động cao, được đánh giá là phù hợp nhất để đào tạo phi công ở tuyến Trung đoàn, bao gồm cả những phi công sẽ bay trên máy bay chiến đấu chiến thuật tiên tiến Su-35 và Su-T-50.

Nga đang thay đổi "chất" cho các tiêm kích dòng Sukhoi và Mikoyan. Ảnh tiêm kích Su-27SM3.
Nga đang thay đổi "chất" cho các tiêm kích dòng Sukhoi và Mikoyan. Ảnh tiêm kích Su-27SM3.


Cả hai "hậu duệ" của Su-27 (Su-35S và Su-30SM) đều sẽ được bổ sung những hệ thống hàng không dựa trên các hệ thống thế hệ thứ năm được phát triển cho dự án tiêm kích tàng hình PAK FA Sukhoi T-50. Dự kiến, trong khuôn khổ chương trình vũ khí nhà nước, Không quân Nga sẽ mua khoảng 60 máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm Su-T-50.

Kế hoạch nâng cấp MiG-31


Nói về tiêm kích đánh chặn lừng danh Mikoyan MiG-31 Foxhound, tướng Zelin cho biết rằng, MiG-31 sẽ vẫn là một nhân tố quan trọng trong hệ thống phòng thủ không gian của Nga. Tuy nhiên, trong số 252 chiếc Foxhound mà Không quân Nga đang sở hữu, chỉ có 100 chiếc sẽ tiếp tục phục vụ.

Hầu hết sẽ được nâng cấp lên chuẩn hiện đại MiG-31BM (bao gồm cả một số máy bay MiG-31DZ, MiG-31BS trang bị hệ thống tiếp nhiên liệu trên không, và các máy bay MiG-31B. Số máy bay này sẽ được nâng cấp radar có tầm phát hiện "siêu xa".

Ngoài ra, MiG-31 cũng được bổ sung thêm các chế độ hoạt động mới, trang bị hệ thống điện tử hàng không và buồng lái mới cũng như hệ thống định vị và tên lửa mới, bao gồm tên lửa không - đối - không tầm xa K-37M có tầm bắn lên đến 222 km và tên lửa sử dụng radar chủ động R-77-1.

Vũ khí mới của MiG-31

Tên lửa R-77-1 hay còn được gọi là R-77M, đây là một biến thể được nâng cấp mới từ tên lửa R-77 nổi tiếng của Nga. Theo tạp chí quốc phòng Jane, R-77-1 được Tập đoàn tên lửa chiến thuật Vympel NPO bắt đầu phát triển từ năm 2002, thử nghiệm lần đầu tiên năm 2006.

Nga chưa công bố nhiều thông tin về R-77-1. Nhưng một báo cáo năm 2009 nói rằng nó chính là tên lửa RVV-SD được phát triển để trang bị cho loại tiêm kích đa năng, siêu cơ động thế hệ 4++ Su-35S và Tổ hợp hàng không chiến thuật tương lai cho không quân PAK FA (Sukhoi T-50).

Theo KTRV, RVV-SD là tên lửa không - đối - không tầm trung, dùng tiêu diệt các mục tiêu bay, bao gồm máy bay tiêm kích, máy bay ném bom, máy bay vận tải quân sự, trực thăng và tên lửa hành trình trong mọi điều kiện thời tiết, cả ngày lẫn đêm, ở mọi góc độ, trên không, trên bộ và dưới mặt nước khi gặp đối phương tác chiến điện tử mạnh.

RVV-SD là tên lửa hoạt động theo nguyên lý "bắn và quên", sử dụng hệ dẫn quán tính có điều khiển bằng vô tuyến và đầu dẫn radar chủ động, đạt tầm bắn xa 110 km (bán cầu trước) và 0,3 km (bán cầu sau). Độ cao tiêu diệt mục tiêu từ 20 m tới 25 km.

K-37M hay còn được gọi là RVV-BD hoặc AA-13 Arrow (theo cách gọi phương Tây), là một tên lửa không - đối - không tầm xa được phát triển cho biến thể MiG-31BM từ những năm 1980 để thay thế cho tên lửa R-33.

K-37M có vẻ như là một kẻ thừa kế công nghệ tên lửa không - đối - không K-37 trang bị cho máy bay MiG-31M. Tới mùa hè năm 2010, chương trình tên lửa này vẫn trong giai đoạn phát triển như một vũ khí riêng cho máy bay MiG-31BM.

Một số nguồn tin Nga báo cáo rằng, K-37M đã trải qua lần thử nghiệm đầu tiên trong đầu năm 2012 trước khi chuẩn bị đưa vào trang bị cho Không quân Nga. Tuy nhiên, tất cả những thông số về tên lửa mới vẫn nằm trong vòng bí mật, ngoại trừ tầm xa hiệu dụng tới 222 km được Tư lệnh Zelin mới tiết lộ gần đây.

Nhiệm vụ mới cho MiG-31

Ngoài việc hiện đại hóa và trang bị thêm các loại vũ khí, radar mới, Không quân Nga cũng đang triển khai kế hoạch mới cho máy bay MiG-31BM, bao gồm việc bố trí luân phiên các phi đội Foxhound tại các sân bay quân sự và cả dân sự trên toàn bộ lãnh thổ nước Nga, nhưng trước hết sẽ là vùng Viễn Đông và vùng lãnh thổ phía Bắc.

Tiêm kích đánh chặn MiG-31 của Không quân Nga
Tiêm kích đánh chặn MiG-31 của Không quân Nga

Trong quá trình định vị lại như vậy, các máy bay MiG-31BM sẽ thường xuyên di chuyển ở các khu vực vùng sâu vùng xa để lấp đầy "khoảng trống" của các hệ thống tên lửa phòng không.

MiG-31BM sẽ hoạt động hoàn toàn độc lập mà không cần sự hỗ trợ của các hệ thống kiểm soát không gian trên mặt đất. Nó sẽ sử dụng radar mạnh mẽ, hệ thống định vị phức tạp và đường truyền dữ liệu tiên tiến để tự hoạt động như một hệ thống phòng không di động tốc độ cao trên không để đánh chặn các mục tiêu.

Theo Bee