Bảo Yến chê bai đồng nghiệp: Xấu chàng thì hổ ai?

06/09/2012 07:23
Quốc Khánh
(GDVN) - Ca sỹ Bảo Yến đưa ra “tiêu chuẩn” để trở thành một nghệ sỹ thực thụ khiến nhiều người cảm thấy choáng váng. Chị cho rằng, phải trụ vững và tỏa sáng 20 năm trên sân khấu mới là nghệ sỹ thực thụ. Nhưng với nghệ thuật, liệu thời gian có phải là tất cả?
Thập niên 80 – 90 của thế kỷ 20 chứng kiến sự trưởng thành và tỏa sáng của hàng loạt những tên tuổi lớn như Hồng Nhung, Thanh Lam, Mỹ Linh, Trần Thu Hà, Bảo Yến… Cùng với các nhạc sỹ Dương Thụ, Quốc Bảo, Phó Đức Phương, Trọng Đài, Bảo Chấn, Trần Tiến…Thế hệ này đã tạo nên một nền âm nhạc rực rỡ cho đất nước, với những tình khúc vượt thời gian. Tuy nhiên, cho đến nay, chỉ còn Hồng Nhung, Mỹ Linh, Trần Thu Hà, Thanh Lam là vẫn còn miệt mài ca hát, Bảo Yến đã “ở ẩn” khá lâu.
Đến nay, rất ít khi được nghe những ca khúc mới mà Bảo Yến biểu diễn. Người xem chỉ còn biết tìm về quá vãng để tiếc nuối, để thưởng thức giọng ca trầm buồn như một thứ bùa mê lòng người. Nhưng có lẽ, đó là Bảo Yến của hơn 20 năm về trước. Còn hiện tại, Bảo Yến chỉ là một cựu ngôi sao. Nói cách khác, Bảo Yến cũng chưa thể tỏa sáng suốt 20 năm liên tục. Nói như lời của Mr Đàm: “Tôi biết ở cái thời vàng son nhất của chị Bảo Yến lúc đó, chắc chắn là không thể nào đạt được 20 năm. Vậy thì tất cả mọi người phải dùng danh xưng nào khác ngoài hai từ “ca sĩ” để nói về tài năng của chị?”. Như vậy, thời gian có phải là “tiêu chuẩn duy nhất đúng để định danh nghệ sỹ thực thụ? Nhiều người cho rằng, việc Bảo Yến "dìm hàng" đồng nghiệp cuối cùng cũng chỉ là một cách nhằm khẳng định vị trí, hồi tưởng thời vàng son của mình. Quan điểm đó phần nào cực đoan bởi họ vốn đã và vẫn có một sức sống mãnh liệt trong lòng khán giả. Tự bản thân không cần thiết phải cố làm cho mình nổi tiếng nữa.
Ca sỹ Bảo Yến.
Ca sỹ Bảo Yến.
Lời phát biểu của “Nữ hoàng nhạc sến” khiến chúng ta liên tưởng đến những nhà văn, nhà thơ ở cả Việt Nam và thế giới. Có thể họ sáng tác hàng nghìn bài thơ, truyện ngắn nhưng nếu để lại cho mai hậu dù chỉ một tác phẩm thôi đã là một may mắn lớn. Chính Hữu sẽ còn sống mãi với Đồng Chí, Nguyễn Du tồn tại với Truyện Kiều, nhà thơ Quang Dũng sẽ “đi cùng năm tháng” với Tây Tiến... Họ sáng tác không nhiều, nhưng đã đóng đinh vào lịch sử văn học nước nhà. Chỉ cần một bài thơ ấy, họ khẳng định vị trí của mình trong làng văn chương Việt thế kỷ XX. Có nghĩa, chỉ cần một tác phẩm trong đời “lấy lòng” được nhiều thế hệ, người nghệ sỹ đó đã thành công một cách viên mãn. Không cần phải chạy hết đoạn đường dài 20 năm trời mới có thể xây dựng được một tên tuổi. Còn chuyện “thiếu tình người” ở làng giải trí Việt mà Bảo Yến đưa ra thì thật khó để có được một cái nhìn thật chính xác. Tuy nhiên, ở bất cứ công việc, ngành nghề nào đều có kẻ xấu người tốt. Hãy cởi mở lòng mình hơn việc ôm khư khư mối hận rồi lại bung ra để biến mình và đồng nghiệp thành trò cười cho thiên hạ. Người xưa vẫn quan niệm, không có lửa thì sẽ không có khói. Xấu chàng thì hổ ai?!
Quốc Khánh