Nghi vấn hàng loạt đại gia xăng dầu lãi lớn nhờ gian lận, trốn thuế

06/09/2012 11:11
Theo Vef
PVOil, SaigonPetro, Petimex, Petec, dầu khí Mê- kong… đều không tái xuất xăng dầu tạm nhập với số lượng cực lớn, có loại lên tới 80-90%. Còn với hàng đã tái xuất, việc thẩm lậu hàng nghìn tấn xăng dầu trở ngược Việt Nam rất dễ diễn ra, gây nhiễu loạn thị trường.

Không tái xuất tới 80-90% xăng dầu

Những lo ngại này hoàn toàn có cơ sở khi Tổng cục Hải quan công bố thực trạng tạm nhập tái xuất xăng dầu của các doanh nghiệp (DN) đầu mối.

Thống kê của Tổng cục cho thấy, tính từ năm 2009 đến hết tháng 6/2012, các DN đã tạm nhập gần 10 triệu tấn xăng dầu nhưng lại chỉ tái xuất có hơn 8 triệu tấn. Số xăng dầu tạm nhập mà không tái xuất còn tồn tới hơn 1,98 triệu tấn, giá trị 1,4 tỷ USD. Điều đáng nói là, hiện tượng tạm nhập ồ ạt nhưng tái xuất nhỏ giọt hoặc thậm chí, không tái xuất như đăng ký ban đầu là một xu hướng phổ biến ở hầu hết các DN đầu mối. Năm sau, hàng tạm nhập mà không tái xuất ở mỗi DN lại gia tăng mạnh so với năm trước.

Đơn cử như trong khoảng 3 năm rưỡi qua, SaigonPetro không tái xuất dầu diezen tới 83% lượng tạm nhập và 100% đối với xăng tạm nhập. Riêng năm 2011, khoảng 14,4 nghìn tấn xăng và dầu diezen đã tạm nhập nhưng rốt cục, không tái xuất giọt nào.

DN đầu mối lớn thứ 2 trên cả nước là PVOil cũng không tái xuất tới 97% xăng, 84% dầu madut và 67% dầu diezen so với lượng đã tạm nhập.Tính tổng hợp các loại hàng xăng dầu thì DN này chỉ tái xuất từ 25-33% mỗi năm so với lượng tạm nhập. Năm 2011, đơn vị này còn giữ lại toàn bộ 8 nghìn tấn xăng và trước nữa, năm 2009, cũng không tái xuất toàn bộ 6,7 nghìn tấn xăng đã tạm nhập.

DN xăng dầu đã từng kêu ca kinh doanh xăng dầu nội địa lỗ, có lãi là nhờ tạm nhập tái xuất.
DN xăng dầu đã từng kêu ca kinh doanh xăng dầu nội địa lỗ, có lãi là nhờ tạm nhập tái xuất.


Những DN thị phần nhỏ như dầu khí Mê kong cũng không tái xuất hàng tạm nhập từ 53-66%, Petec không tái xuất từ 55-80% xăng dầu vốn dĩ chỉ tạm nhập. Cả những DN mới chớm bước vào thị trường xăng dầu cũng không đứng ngoài cuộc. Ví dụ như công ty vận tải thủy bộ Hải Hà "tồn" từ 96% dầu diezen, 100% xăng tạm nhập, Nam Viet Oil cũng lưu hàng tạm nhập mà không tái xuất tới 86% đối với xăng, 72% dầu madut, 49% dầu diezen. Chỉ có Petrolimex là tái xuất gần bằng với lượng nhập và lượng tồn hàng chỉ dưới 10% theo quy định được phép của Nhà nước.

Nhìn nhận những lợi lộc mà giới DN đầu mối được hưởng từ bài toán nhập nhiều xuất ít này, ông Nguyễn Văn Cẩn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan nói: "Chính sách thuế thay đổi nhanh. Ví dụ, thời điểm hiện nay, thuế nhập khẩu xăng là 12% nhưng DN lại còn tồn những lô tạm nhập mà chưa thanh khoản ở thời điểm đầu năm thuế 0%. Giờ chuyển tiêu thụ nội địa, DN sẽ báo thanh khoản lô xăng dầu nhập ở thời điểm thuế 0% để tiêu thụ trong nước".

Về thời hạn nộp thuế, đáng lẽ phải hoàn thành trong 30 ngày nếu nhập cho tiêu thụ nội địa nhưng nay, DN được 195 ngày mới phải nộp thuế. Thời điểm này, có thể lãi suất cao hơn nhiều so với tiền phạt chậm nộp thuế nên khả năng DN chiếm dụng thuế là có.

Như phân tích của ông Cẩn, xăng dầu nhập cho nội địa sẽ phải nộp thuế trong thời gian 30 ngày, kể cả xăng dầu chuyển từ tạm nhập tái xuất sang cũng phải chịu quy định này. Nói cách khác, nếu DN chuyển xăng dầu tiêu thụ nội địa sau 30 ngày kể từ ngày tạm nhập thì DN sẽ còn phải chịu phạt thuế. Tuy nhiên, các DN vẫn lách được bởi vì thuế nhập khẩu xăng dầu thời gian qua tăng trong thời gian rất ngắn. Kể từ tháng 3 đến tháng 7, trung bình 10-15 ngày, thuế tăng một lần, một tháng, thuế tăng 2 lần với chênh lệch 2-6%.

Vì vậy, DN vừa nhập xăng dầu theo hình thức tạm nhập tái xuất nhưng chưa đầy 30 ngày sau, đã có thể xin chuyển sang tiêu thụ nội địa và hưởng lợi chênh lệch thuế tăng lên trong thời gian này mà không lo bị phạt chậm nộp.

Chiêu khác là, khi thuận lợi, DN có thể rút xăng dầu vốn có mục đích là tạm nhập tái xuất ra tiêu thụ nội địa rồi sau đó, nhập bù sau hoặc khai bổ sung chuyển đổi loại hình từ tạm nhập tái xuất sang nhập tiêu thụ nội địa. Ở trường hợp này, DN đã bán xong mới có tiền nộp thuế, kéo dài được thời gian nộp thuế.

Còn hải quan thì chịu thua vì không thể kiểm chứng nổi chủng loại xăng dầu "mác tái xuất" khác với "mác nội địa".

Vị Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan than phiền: "Rất khó giám sát các thủ thuật lách thuế của DN. Không như ô tô, xe máy, ti vi ..., tạm nhập lô nào, tái xuất đúng lô ấy, còn với xăng dầu, chúng ta không thể phân biệt rõ ràng như vậy. 13 DN đầu mối không lưu kho riêng đâu là hàng tạm nhập tái xuất, đâu là xăng dầu nhập cho tiêu thụ nội địa.

Chưa kể, Nhà nước cho phép xăng dầu tạm nhập có tới 195 ngày thời hạn nộp thuế, khoảng thời gian quá dài, trong khi DN có thể hợp thức hóa chứng từ, gian lận, lách luật mà gianh giới để chứng minh các DN buôn lậu, làm sai quy định rất khó".

Hiện nay, Tổng cục Hải quan vẫn đang thanh kiểm tra vấn đề này, làm rõ liệu gần 2 triệu tấn xăng dầu không xuất trong 3,5 năm qua có được chuyển tiêu thụ nội địa hay chảy đi đâu, có nộp đúng và đủ thuế các loại như xăng dầu nhập cho nội địa hay không. Dự kiến, 15/12, cuộc tổng rà soát này mới hoàn thành.

Khó kiểm soát tình trạng nhập lậu hàng tái xuất

Hưởng chênh lệch thuế trong tạm nhập tái xuất xăng dầu như trên chưa hẳn đã là gian lận vì chỉ là sự tính toán của DN áp dụng quy định sao cho có lợi cho mình nhất. Vấn đề đau đầu hơn là việc kiểm soát chống buôn lậu tiềm ẩn từ chính những lô hàng tạm nhập tái xuất này.

Gần đây nhất, ngày 28/7, Cục điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan bắt giữ 1.360 tấn xăng tái xuất trên tàu Giang Châu 01, mang 2 quốc tịch Campuchia và Trung Quốc đang bơm lậu về Việt Nam. Lô hàng này được tạm nhập từ kho xăng Vũng Áng của Công ty Xăng dầu Hàng không, đã hoàn tất thủ tục tái xuất sang Trung Quốc nhưng trên đường vận chuyển ở vùng biển Thanh Hóa - Nam Định, tàu đã bơm xăng dầu sang 3 tàu nội địa. Lô hàng trị giá tới 40 tỷ đồng.

Nhưng rất có thể, khoản lãi có được là nhờ gian lận.
Nhưng rất có thể, khoản lãi có được là nhờ gian lận.


Cũng theo ông Cẩn, có hàng nghìn bộ tờ khai hồ sơ làm sẵn cho tiêu thụ nội địa trên tàu, chỉ cần điền con số vào là xong. Giả dụ nếu không bắt được quả tang toàn bộ hành vi trên mà chỉ kiểm tra chứng từ, DN hoàn toàn có thể khai báo đang chở hàng tiêu thụ nội địa, có giấy tờ chứng minh trong khi, hải quan không thể phân biệt đâu là xăng dầu tạm nhập tái xuất và đâu là xăng dầu tiêu thụ nội địa. Tất cả đều chung một bồn chứa và giống nhau.

"Cho đến thời điểm này, vụ việc đã chuyển sang cơ quan cảnh sát điều tra và hiện đã có lệch bắt khởi tố bị can tạm giam 13 đối tượng, trong đó truy nã đặc biệt 1 đối tượng. Việc công ty xăng dầu hàng không- DN đầu mối đã tái xuất lô hàng trên có liên đới trách nhiệm sai phạm hay không sẽ được cơ quan điều tra làm rõ. Song, qua đó mới thấy được sở hở của tạm nhập tái xuất đặc biệt ở xăng dầu", ông Cẩn nhấn mạnh.

Trong 6 tháng đầu năm 2012, cả nước mới nhập 3.205 nghìn tấn xăng dầu cho tiêu thụ nội địa và 1.360 tấn xăng nhập lậu bằng 42% tổng lượng xăng dầu trên. Số hàng này đủ cho nhu cầu nội địa trong vòng 1 tháng. Không chịu bất cứ thuế phí nào, nếu toàn bộ lô hàng trót lọt về Việt Nam thì thị trường xăng dầu nội địa sẽ bị nhiễu loạn đến thế nào?

Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết, những ý kiến của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!





Theo Vef