Đại học Nguyễn Trãi - Nơi tạo nên những sinh viên tài năng

08/09/2012 14:02
PV
(GDVN) - Với tiêu chí "Học để thay đổi vận mệnh", Đại học Nguyễn Trãi đã đào tạo thành công lớp sinh viên đầu tiên. Họ đều là những thanh niên ưu tú thuộc về thế hệ tương lai, hứa hẹn sẽ tỏa sáng ở nhiều lĩnh vực.

Đại học Nguyễn Trãi: Trung thực, chất lượng, nhân văn

Sau nhiều năm chuẩn bị hội đủ các điều kiện, trường ĐH Nguyễn Trãi được thành lập theo Quyết định số 183/QĐ-Ttg ngày 5/2/2008 của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là sau 4 năm triển khai thực hiện các chương trình đào tạo (2009-2012), với mô hình tổ chức của một trường đại học tư thục, có cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao trong mọi hoạt động, Trường ĐH Nguyễn Trãi đã tuyển sinh được 4 khoá với quy mô đào tạo ngày càng tăng; với các ngành đào tạo như: Kiến trúc, Thiết kế đồ hoạ, Thiết kế nội thất, Tài Chính Ngân hàng, Quản trị kinh doanh…

Với tâm huyết tri ân đồng đội đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhà đầu tư đã dành nguồn kinh phí lớn để đầu tư cơ sở hạ tầng, thu hút lực lượng cán bộ tâm huyết và có kinh nghiệm trong triển khai đào tạo, tạo nên danh tiếng của trường Đại học Nguyễn Trãi trong hệ thống giáo dục Việt Nam.

Những sinh viên khóa 1 của ĐH Nguyễn Trãi vui mừng nhận bằng tốt nghiệp
Những sinh viên khóa 1 của ĐH Nguyễn Trãi vui mừng nhận bằng tốt nghiệp

Trong thời khắc chuẩn bị cho lễ tốt nghiệp đầu tiên, TS Nguyễn Tiến Luận - Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Nguyễn Trãi xúc động chia sẻ: "Cách đây gần 20 năm, người ta nghe nói về du học tự túc như là chuyện lạ, bởi vì đời sống của người dân còn thấp, vấn đề nhận thức có nhiều rào cản và họ quen với việc được nhà nước bao cấp.

Trong quá trình đưa học sinh đi du học tự túc, tôi phát hiện ra một số khó khăn cho các du học sinh, đó là chuyện phải học tập và sinh sống xa nhà, chi phí vô cùng tốn kém… từ đó mới nảy ra ý định thành lập ĐH Nguyễn Trãi và tiến tới mục tiêu xuất khẩu giáo dục tại chỗ. Chúng tôi đang thu được rất nhiều thành công từ việc áp dụng các mô hình đào tạo hiện đại và tôi không hề giấu diếm tham vọng sẽ đưa ĐH Nguyễn Trãi trở thành trường có chất lượng tốt nhất Việt Nam”.

Trong xu hướng hợp tác của thế kỷ XXI, Việt Nam không chỉ hội nhập về kinh tế, văn hóa, mà giáo dục cũng là mục tiêu hết sức quan trọng. Nắm chắc xu thế này, lãnh đạo Trường Đại học Nguyễn Trãi thực hiện chuyển giao công nghệ đào tạo từ các nước có nền giáo dục hiện đại, nhằm kịp thời đổi mới quy trình đào tạo, nâng cao chất lượng của việc dạy và học, nghiên cứu khoa học coi đó là nhiệm vụ hàng đầu trong chiến lược phát triển bền vững của trường.

Sinh viên ĐH Nguyễn Trãi háo hức trước lễ kỷ niệm tốt nghiệp
Sinh viên ĐH Nguyễn Trãi háo hức trước lễ kỷ niệm tốt nghiệp

TS Nguyễn Tiến Luận bày tỏ: "Chúng ta cần phải thay đổi triệt để trong vấn đề nhận thức về giáo dục thì mới bắt nhịp được với thế giới. Để đưa ra được một mô hình đào tạo hiện đại, chúng tôi đã phải học hỏi từ rất nhiều trường đại học nổi tiếng của Mỹ, Anh, Đức… và rút ra được nhiều bài học thú vị. Phương pháp mà chúng tôi áp dụng hiện nay là giảng viên không dạy những gì trong giáo trình vì những kiến thức đó sinh viên phải tự đọc, tự nghiên cứu ở nhà và thư viện; thời gian trên lớp là lúc thày và trò cùng trao đổi – sinh viên phải là trung tâm, như vậy mới phát huy được khả năng tự nghiên cứu của các em thông qua lời khuyên của giảng viên".

Mục tiêu chiến lược: ĐH có thương hiệu trong tốp hàng đầu Việt Nam

Mục tiêu mà ĐH Nguyễn Trãi hướng tới là trở thành trung tâm đại học tư thục đa ngành, nằm trong nhóm các trường đại học có thương hiệu ở Việt Nam vào năm 2015, vươn lên nhóm các trường đại học ngoài công lập hàng đầu vào năm 2020; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước và nhu cầu du học tại chỗ, thu hút các cán bộ giỏi và tâm huyết về làm việc, nhiều sinh viên quốc tế đến học, tạo dựng môi trường đào tạo mang tính nhân văn tiêu biểu của Việt Nam.

TS Nguyễn Tiến Luận cũng hết sức trăn trở về những tồn tại của nền giáo dục nước nhà: "Hệ thống giáo dục cơ bản của chúng ta tốt, nhưng học lý thuyết nhiều quá mà không có thực hành nên khi ra trường sinh viên gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí rất nhiều sinh viên không viết được một cái đơn xin việc đạt yêu cầu, kỹ năng tổ chức công việc, kỹ năng giao tiếp… rất thiếu và yếu, trong khi những kỹ năng ấy lại quyết định tới 80% khả năng thành công của một cá nhân. Vì vậy, để theo kịp các nước phát triển, chúng ta cần phải đổi mới phương pháp đào tạo, nên phát huy tính tự chủ của sinh viên nhiều hơn, không nên chỉ duy trì những bài giảng mang tính hàn lâm".

TS Nguyễn Tiến Luận - Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Nguyễn Trãi
TS Nguyễn Tiến Luận - Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Nguyễn Trãi

Trả lời câu hỏi của phóng viên: Ở vào tuổi này có lẽ không mấy người dám mạo hiểm như ông, bởi lẽ đầu tư cho một trường đại học là quá tốn kém. Vì sao ông lại chọn con đường khó khăn này? TS Luận chia sẻ: "Khó khăn thì nhiều lắm, nhưng đây là ước nguyện mà tôi muốn đi tới cùng. Mỗi người đều có một cách lựa chọn cho sự nghiệp của mình, riêng tôi thì chọn giáo dục vì một số lý do: Thứ nhất, tôi muốn tri ân những đồng đội đã ngã xuống và những người còn sống, sự hy sinh – đóng góp lớn lao của họ đã giúp chúng ta có được cuộc sống hòa bình của ngày hôm nay. Thứ hai là tôi muốn để lại cho các thế hệ sau này một cái gì đó thực sự có ý nghĩa, mà đầu tư cho giáo dục tức là đầu tư cho con người, góp phần phát triển các tài năng cho đất nước, điều đó có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với một người lính như tôi. Đầu tư vào giáo dục, tôi không nghĩ rằng sẽ kiếm được nhiều tiền, mà đơn giản là tôi muốn đóng góp nhiều hơn cho xã hội, cho tương lai của đất nước".

ĐH Nguyễn Trãi vẫn đang tiến từng bước vững chắc với dự án “xuất khẩu giáo dục tại chỗ”, triển khai hai mô hình đào tạo:

Mô hình du học tại chỗ: Hợp tác với các cơ sở đào tạo của nước ngoài để chuyển giao công nghệ, đổi mới quy trình đào tạo. Đây là một chủ trương lớn của Chính phủ Việt Nam về xã hội hóa giáo dục, mở các khóa đào tạo ngắn hạn, dài hạn tại Việt nam, cấp văn bằng, chứng chỉ quốc tế cho người học theo quy định của nhà nước và khuyến khích sinh viên nước ngoài đến Việt Nam tham gia học tập.

Mô hình hợp tác đào tạo xen kẽ: Áp dụng hình thức phối hợp xen kẽ giữa học tập và công tác trong đào tạo, đặc biệt là đào tạo để đạt học vị tiến sỹ. Đây là một trong những hình thức đào tạo được các cán bộ khoa học Việt Nam quan tâm, nhất là đối với cán bộ khoa học công nghệ không thể thoát ly công tác.

TS Nguyễn Tiến Luận chia sẻ: “Chúng tôi có đội ngũ cán bộ lãnh đạo và chuyên viên chủ chốt gồm những giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ khoa học và cơ sở vật chất tốt, có đầy đủ trang thiết bị hiện đại, có hệ thống giảng dạy theo tiêu chuẩn quốc tế, giúp người học thu nhận được các kiến thức và kỹ năng để tiếp tục học lên, có việc làm với thu nhập cao, có nhiều khả năng thăng tiến và có thể chuyển đổi nghề nghiệp”.

Trải qua 5 năm trưởng thành và phát triển, ĐH Nguyễn Trãi đã đạt được nhiều thành công từ việc áp dụng các mô hình đào tạo hiện đại của quốc tế. Với đà phát triển ấy, trong tương lai không xa, ĐH Nguyễn Trãi sẽ trở thành trường có chất lượng tốt nhất, sớm đứng trong các trường Đại học hàng đầu Việt Nam.

PV