Nữ sinh dân tộc Thái được tài trợ 4 năm học để trở thành cô giáo

10/09/2012 06:02
Xuân Hoà
(GDVN) - Đó là những gì em Vi Thị Tâm, người dân tộc Thái – tân sinh viên trường Đại học Vinh  chia sẻ khi biết được anh Tào Đức Hiệp sẽ giúp đỡ em ăn học trong cả 4 năm, xây đắp ước mơ trở thành cô giáo.
Như Báo Giáo dục Việt Nam đã đưa tin sau khi biết về hoàn cảnh của em Vi Thị Tâm, một học sinh giỏi ở bản Bồn Pủn, xã vùng sâu Châu Lý, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An, mặc dù thi đậu vào khoa Văn của Trường ĐH Vinh, nhưng vì không có tiền nên em định bỏ nuôi giấc mơ con chữ để đi làm thêm ở miền Nam. Thông qua báo chí anh Tào Đức Hiệp hiện đang là Phó Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Công Đoàn Đường sắt Việt Nam đã thấu hiểu hoàn cảnh của gia đình em Tâm và đã quyết định kêu gọi, đồng thời ủng hộ cho em Tâm trong 4 năm học đại học. Tạm thời mức ủng hộ của anh sẽ là 1.500.000 đồng/ tháng.

Nơi ở của em Tâm tại phòng kí túc xá Trường ĐH Vinh. - Ảnh: Xuân Hòa.
Nơi ở của em Tâm tại phòng kí túc xá Trường ĐH Vinh. - Ảnh: Xuân Hòa.

Cùng với đó anh Hiệp cũng đã chủ động liên lạc với em Tâm để động viên cô sinh viên nghèo vượt khó này chăm chỉ học hành để đưa con chữ về với bản làng. Mặc dù hiện tại anh Tào Đức Hiệp vẫn đang ở trong căn nhà cấp 4, đi xe máy “cà tàng”, nhưng vì những ngày tháng ngày tuổi thơ của anh cũng phải sống trong khó khăn, thiếu thốn nên anh luôn đồng cảm với những hoàn cảnh như em Tâm. Và với anh Hiệp, việc tình nguyện hướng thiện vì người nghèo là niềm vui trong cuộc sống.

Riêng em Vi Thị Tâm sinh ra trong gia đình nghèo vào thuộc dạng bậc nhất nhì của xã Châu Lý, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An. Tâm là con đầu trong gia đình có 4 chị em. Hằng ngày ngoài giờ đi học, Tâm phải theo bố mẹ đi làm ruộng, đia chặt làm cỏ, chặt mía thuê để kiếm tiền phụ giúp bố mẹ và nuôi các em ăn học. Cũng vì hoàn cảnh quá khó khăn mà em gái thứ 2 của Tâm đã phải nghỉ học khi đang học dở lớp 10, đi làm công nhân trong miền Nam. Bản thân Tâm dù đã nhiều lần cũng định nghỉ học để đi làm phụ bố mẹ nhưng được sự động viên của bạn bè, thầy cô nên Tâm tiếp tục theo đuổi giấc mơ nuôi con chữ.
Tâm đang làm quen dần với sinh hoạt tại nơi ở mới. - Ảnh: Xuân Hòa.
Tâm đang làm quen dần với sinh hoạt tại nơi ở mới. - Ảnh: Xuân Hòa.

Trong đợt thi đại học vừa qua Tâm thi đỗ vào khoa Văn của Trường ĐH Vinh, nhưng ngày cầm giấy báo nhập học thấy các khoản tiền phải đóng gần như là khối tài sản khổng lồ với gia đình Tâm nên em đã nói dối với bố mẹ là đã thi trượt đại học.

Sau đó em xin phép bố mẹ làm hồ sơ đi làm thêm ở miền Nam để kiếm tiền và năm sau sẽ tiếp tục nuôi giấc mơ con chữ. Nhưng cũng chính lúc này con đường nuôi giấc mơ con chữ của em lại được mở ra. Thấy ý chí ham học của Tâm nhưng hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên một cán bộ xã Châu Lý đã đồng cảm nên chủ động liên lạc hoàn cảnh của em Tâm đến báo chí. 

Sau đó những bài báo về hoàn cảnh của em được một số cơ quan báo đài đưa lên. Từ những thông tin này nhiều độc giả đã gọi điện động viên và ủng hộ tiền giúp em tiếp tục nuôi giấc mơ con chữ.

Gặp em trong khu vực kí túc xá của Trường ĐH Vinh, Tâm vừa vui mừng xúc động cho biết đã biết tin về việc được anh Tào Đức Hiệp ủng hộ cho em 4 năm học. “Em không biết nói gì hơn ngoài lời cảm ơn sâu sắc đến mọi độc giả. Cảm ơn chú Hiệp đã giúp em tiếp tục nuôi ước mơ của mình. Có lẽ nếu không có sự giúp đỡ của những độc giả như chú Hiệp chắc giấc mơ được học tiếp của em đã không còn. Cho đến nay, tổng số tiền độc giả cũng đã ủng hộ em được 16 triệu đồng. Tính đi tính lại cũng đủ học cho 2 năm đầu nên ban đầu em định sau khi quen với cuộc sống ở đây rồi em sẽ tìm việc làm thêm để học tiếp. Nhưng giờ có sự giúp đỡ của chú Hiệp thì em đã có thể toàn tâm vào học tập. Em hứa sẽ cố gắng học tập tốt để không phụ công giúp đỡ của mọi người và sẽ đưa con chữ về với bản làng em”, Tâm xúc động chia sẻ.

Trong cuộc gặp này với phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam, Tâm cũng cho biết đã bắt đầu đi học được buổi học đầu tiên vào ngày 7/9. Biết hoàn cảnh khó khăn của Tâm nên các chị và các bạn học cùng phòng kí túc xá của cũng đã động viên và giúp đỡ em rất nhiều.

“Mặc dù còn nhiều bỡ ngỡ vì từ nhỏ em đến giờ em mới được xuống thành phố nhưng cũng may ai cũng hiểu và giúp đỡ em. Hiện tại điều em lo lắng nhất của Tâm là chưa quen với cách học tập mới. Nhưng em tin rằng với sự giúp đỡ của thầy cô, các anh chị và các bạn em sẽ sớm tìm ra được phương pháp học hợp lý”, Tâm giải bày.
Các chị và các bạn cùng phòng Tâm biết hoàn cảnh của gia đình em nên cũng thường xuyên quan tâm và giúp đỡ em. Ảnh - Xuân Hòa.
Các chị và các bạn cùng phòng Tâm biết hoàn cảnh của gia đình em nên cũng thường xuyên quan tâm và giúp đỡ em. Ảnh - Xuân Hòa.
Cùng chung tâm trạng biết ơn và vui mừng của Tâm, bố mẹ và gia đình tâm cũng hết sức cảm ơn tấm chân tình của anh Hiệp và các độc giả đã ủng hộ Tâm. “Gia đình chúng tôi thật có phúc lớn. Nếu không có các độc giả thương cháu nó thì có lẽ ước mơ đi học của cháu nó đã bị đứt quãng rồi. Chúng tôi sẽ cố gắng động viên cháu học tập để không phụ công của mọi người”, chị Lương Thị Lan (mẹ em Tâm) tỏ lòng.

Anh Vi Văn Quà (bố em Tâm) xúc động cho biết: “Cuộc đời tôi và mẹ cháu đã không được học đến nơi đến chốn. Mặc dù lam lũ cả đời nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo. Cháu nó may mắn được các chú, các bác giúp đỡ được đi học. Có lẽ có cho cháu học may ra cuộc sống gia đình tôi mới có ngày sáng lạng hơn được. Cảm ơn mọi người đã giúp đỡ cháu và giúp đỡ gia đình tôi”.

Trao đổi về thông tin trên, thầy Đinh Xuân Khoa – Hiệu trưởng trường ĐH Vinh chia sẻ: “Tôi cũng vừa biết thông tin trên. Tôi rất mừng cho em Tâm và cảm thấy sự ủng hộ của anh Hiệp và các độc giả báo chí thật là cao quý. Tôi rất mong sẽ có nhiều hơn nữa những em học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn sẽ được giúp đỡ và được đến trường như em Tâm. Về nhà trường chúng tôi sẽ cố gắng giúp đỡ em trong việc học tập hàng ngày tại trường lớp. Nhà trường cũng sẽ tạo điều kiện tốt nhất để em học tập”.

Hiện tại Tâm đang học lớp A3, khoa Văn, Trường ĐH Vinh. Trước khi chia tay em tâm sự: “Em biết còn nhiều bạn cũng khó khăn như em. Em cũng mong các bạn có may mắn tiếp tục được đến trường như em. Em mong ước mai sau học xong em được về dạy học nơi bản làng mà em đã sinh ra”.
Xuân Hoà