Đi học có gì vui?

10/09/2012 06:04
Phạm Xuân Nguyên (Theo PL.TP HCM)
Nhà thơ Thanh Tịnh nhớ về buổi tựu trường của mình biết bao hồi hộp, run rẩy: “Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh.
"Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học”. Còn nhà thơ Xuân Tâm náo nức ngày nghỉ hè: “Sung sướng quá, giờ cuối cùng đã hết/ Đoàn trai non hớn hở rủ nhau về/ Chín mươi ngày nhảy nhót ở miền quê/ Ôi tất cả mùa xuân trong mùa hạ”.
Ngày nay, cả hai luồng cảm xúc tươi mới dạt dào khi khai giảng và bế giảng năm học như vậy đã trôi vào dĩ vãng, có thể nói là đã không còn nữa. Thương biết mấy cho những học trò thời nay đến trường không còn được hồn nhiên vô tư trong sáng. Có nhắc lại những câu văn câu thơ trên đây các em sẽ ngỡ như chuyện cổ tích.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Vì cả một mùa hè các em đâu được nghỉ ngơi, chơi đùa, vui thú cùng thiên nhiên, gia đình, bạn bè. Nghỉ hè hiện nay thực chất là một học kỳ mới, cha mẹ lo chạy trường cho con, con thì lo học thêm. Gánh nặng và áp lực bài vở vốn đã rất lớn trong kỳ chính khóa tưởng có thể giảm bớt lúc nghỉ hè nhưng không được thế. Con em chúng ta giờ đây “mỗi khi đến hè lòng man mác buồn” không phải vì xa mái trường, xa thầy cô bạn bè với những kỷ niệm đẹp đẽ trong năm học, mà vì lại phải học, học nữa, học miết. Cho nên ngày khai trường trở lại đối với các em chỉ là nối tiếp của một chu trình học không ngưng nghỉ với một tâm trạng nặng nề.
Vì vào năm học mới lại là một cuộc chạy đua học quá tải, khi việc tiếp thu bài giảng và việc tự học không có động lực tự thân, không được khuyến khích tinh thần chủ động sáng tạo của người học, bị trói buộc trong áp lực điểm số, thi cử. Nhà trường của chúng ta nay chỉ thiên về dạy và học áp đặt khiến học sinh bị ở vào thế thụ động và trở nên thụ động cả trong nhà trường và ngoài xã hội. Thì chính ngay lễ khai giảng hằng năm đã là một kiểu “văn mẫu” nhàm chán lặp đi lặp lại, bị áp đặt từ ngoài vào cho học sinh vốn là chủ nhân của môi trường giáo dục.

Lễ khai giảng nào ở đâu cũng giống nhau, cũng theo một công thức, kiểu cách, cũng đặt học sinh vào thế thụ động chịu đựng, cũng không thể nào làm các em thực sự hào hứng, vui thích vì các em không được tổ chức cho mình, chỉ buộc phải làm theo kịch bản có sẵn, một kịch bản mà các em phải bị tập dượt từ trước. Ngay cái lễ khai giảng đó, cái thời điểm mở đầu năm học lẽ ra phải kích thích được hứng thú của học sinh, đã gây ức chế, nhàm chán thì thử hỏi với cung cách dạy và học đã bị báo động lâu nay của cả ngành giáo dục thì học sinh làm sao thấy thoải mái, tích cực.
“Mỗi ngày đến trường là một ngày vui” - câu khẩu hiệu nêu ra rất đúng. Nhưng câu khẩu hiệu đó không thể thực hiện được ở nhà trường ta hiện nay khi cả thầy và trò không hề được đặt trong môi trường có thể vui được. Vui trong sự học hành tự nguyện nhiệt tình của trò, trong sự dâng hiến dạy dỗ của thầy cô, trong sự đồng cam cộng cảm của gia đình và xã hội, trong môi trường giáo dục thanh khiết, lành mạnh, cao quý. Nhà triết học Anh John Locke (1632-1704) có nói: “Dạy trẻ là khó vì bản tính của chúng còn hay lơ đãng nên việc đầu tiên là phải làm sao cho cách thức dạy dỗ của chúng ta gây được hứng thú cho chúng”. Điều này quả đang là một khó khăn của nền giáo dục chúng ta. Đi học có gì vui? - câu hỏi phải đặt ra là vì vậy.
Phạm Xuân Nguyên (Theo PL.TP HCM)