Xếp hạng năng lực cạnh tranh 32 NH: Cú sốc cho thị trường tài chính!

13/09/2012 08:22
P.Thúy
(GDVN) - Với nhiều năm kinh nghiệm trong ngành ngân hàng tại Mỹ, TS Hiếu cho rằng việc đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh 32 NH vừa qua gây sốc cho thị trường tài chính cũng là điều dễ hiểu.

Ở Việt Nam chưa quen với việc đánh giá tín dụng
3 ngày sau khi công bố xếp hạng năng lực cạnh tranh 32 ngân hàng thương mại của Công ty Cổ phần Xếp hạng Tín nhiệm Doanh nghiệp Việt Nam (CRV), nhiều ngân hàng đã lên tiếng phản đối. Phía CRV Index 2012 cũng đưa ra thư ngỏ về những thiếu sót của kết quả này. Tuy nhiên, làn sóng "phản pháo" từ những ngân hàng bị xếp hạng tín nhiệm thấp vẫn chưa dừng lại. Các ngân hàng bị xếp vào nhóm C, D có năng lực cạnh tranh trung bình và hạn chế đều khẳng định đây là bảng xếp hạng cẩu thả, thiếu khách quan.
TS Nguyễn Trí Hiếu: Ở VN việc đánh giá như CRV làm còn khá mới gây nên cú sốc cho thị trường tài chính
TS Nguyễn Trí Hiếu: Ở VN việc đánh giá như CRV làm còn khá mới gây nên cú sốc cho thị trường tài chính
Chia sẻ với báo Giáo dục Việt Nam quanh bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh, TS Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia tài chính với hơn 30 năm hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng tại Mỹ cũng thừa nhận: Việc xếp hạng như báo cáo ngày 8/9 vừa qua của CRV gây cú sốc lớn đối với thị trường tài chính trong nước là điều dễ hiểu. Bởi ở Việt Nam, việc xếp hạng chỉ số tín nhiệm như thế này còn khá mới mẻ. Hơn thế nữa, việc các ngân hàng bị xếp ở nhóm thấp bức xúc là không tránh khỏi. Về mặt khách quan, các công ty đánh giá chỉ số tín nhiệm nhiều năm trên thế giới cũng có thể có những sai sót nên không thể đổ đồng mọi sai sót này lên cho CRV, hơn nữa, ban tổ chức cũng có động thái xin lỗi về chỉ số đánh giá trên.
Ở các nước phát triển, việc xếp hạng các ngân hàng, tín dụng có từ rất lâu nên có những ngân hàng chỉ tiêu tài chính để xếp thứ hạng tốt, xấu nên thị trường vẫn chấp nhận chuyện đó còn nước ta điều này mới mẻ, chưa kể việc họ xếp hạng như thế nào, có đúng hay không? Phương pháp như thế nào. Điều này gây nên cú sốc lớn đối với thị trường tài chính đặc biệt là các ngân hàng bị xếp thứ hạng xấu. “Tôi nghĩ, các ngân hàng ở Việt Nam cũng dần dần làm quen với việc xếp hàng tín dụng. Việc xếp hạng tín dụng đó nếu là các cơ quan uy tín, có tên tuổi trên thị trường thì được dễ dàng chấp nhận hơn là việc các công ty tư vấn, tổ chức xếp hạng chưa có uy tín và chưa từng làm việc đó trước đây” – TS Hiếu cho biết. Theo TS Hiếu, chính quyền và cơ quan chủ quản nên đưa ra một xem xét xem tổ chức, cơ quan nào có thể đánh giá chỉ số tín nhiệm tín dụng để tạo cho họ uy tín trên thị trường, để việc đánh giá của họ được thị trường chấp nhận dễ dàng hơn.  Chỉ đánh giá bằng báo cáo tài chính thì chưa đủ Với kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng nhiều năm, TS Hiếu cho rằng có thể việc đánh giá chỉ số tín nhiệm cạnh tranh của CRV chỉ dựa trên các báo cáo tài chính của ngân hàng, tổ chức tín dụng. "Nếu CRV chỉ sử dụng báo cáo tài chính để đánh giá thì không đúng cho lắm. Bởi lẽ, báo cáo tài chính ngân hàng ở Việt Nam thường không được minh bạch, không hoàn toàn chính xác như ở Mỹ đặc biệt là trong vấn đề nợ xấu của các ngân hàng, lãi sau thuế, vấn đề rủi ro tài chính… Tất cả con số đó chưa chắc đã hoàn chỉnh, nếu chỉ dựa vào báo cáo tài chính của ngân hàng để đánh giá thì không đủ điều kiện, cần dựa vào cơ sở đánh giá khác". Trên thế giới, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế như Standard & Poor's, Moody’s và Fitch thường có đánh giá ở nhiều tiêu chí khác nhau không chỉ tiêu chí tài chính mà cả các tiêu chí phi tài chính. Trong lúc này, một giải pháp trung hòa là dùng những con số chính xác của báo cáo tài chính, dựa vào tiêu chí tổng tài sản của các ngân hàng, dựa vào tỷ lệ lợi nhuận, an toàn vốn, hoặc tỷ lệ  lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu, tỷ lệ thanh khoản… dựa vào vài tiêu chí như thế để xếp hạng các ngân hàng, dưới tiền đề báo cáo tài chính chính xác. Nếu làm được điều đó, thị trường không phải “lấn cấn” trong vấn đề cơ quan đánh giá một cách chủ quan hay khách quan. Các tổ chức trên thế giới thường đánh giá theo các hạng như AAA, AAB… điểm tín nhiệm cho đầu tư, những công ty này dùng nhiều tiêu chí tài chính và phi tài chính, những điểm tín nhiệm như thế công bố rộng rãi từ Standard & Poor's đến Moody’s, Fitch… là những công ty có uy tín, kinh nghiệm đều làm vậy. Những báo cáo tài chính ở Mỹ rất chính xác và minh bạch, được kiểm toán bởi những công ty kiểm toán độc lập nên việc đánh điểm tín nhiệm như thế được đánh giá cao, tin tưởng cao. “Việc đánh giá chỉ số tín nhiệm gây ra bức xúc trong giới truyền thông và ngân hàng vì thông tin không được minh bạch, công ty xếp hạng chưa có uy tín và lịch sử lâu đời. Hơn nữa, việc tổ chức này chia ngân hàng ra làm 4 nhóm A. B. C. D nó còn quá chung chung. 4 nhóm khách hàng này không trùng với 4 nhóm khách hàng mà ngân hàng nhà nước đã chia ra nên rất nhiều khách hàng họ đặt vấn đề chỉ tiêu đánh giá, đặt tính khách quan và khả năng  tin cậy của tổ chức đánh giá là điều dễ hiểu” – TS Hiếu phân tích.

Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết, những ý kiến của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!

P.Thúy