Mỹ đòi thanh tra đột xuất các cơ sở hạt nhân Iran

13/09/2012 14:06
Bảo Thành (Nguồn: WSJ)
(GDVN) - Việc đề xuất những quyền đặc biệt này cho các thanh sát viên chứng tỏ cộng động quốc tế đang mất dần kiên nhẫn với việc Iran ngăn cản các thanh sát viên kiểm tra chương trình hạt nhân của mình.
Có thể bạn quan tâm
> Tìm hiểu đất nước Ireland, cơ hội nhận quà cực lớn
> Cả xã hội quan tâm: Tình hình biển Đông 
> Mục mới: Nóng trên mạng

Tờ Wall Street Journal xuất bản ngày 21/9 đưa tin, Mỹ và một số đồng minh đã gia tăng sức ép lên Iran bằng một đề xuất cho phép thanh sát viên Liên Hợp Quốc được quyền kiểm tra đột xuất các cơ sở hạt nhân của Iran.

Trong bản dự thảo nghị quyết đưa ra hôm qua, 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Đức cho rằng việc Iran cho phép các thanh sát viên quốc tế tự do tiếp cận các cơ sở hạt nhân là “cần thiết và cấp bách”. Dự kiến Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) sẽ thông qua nghị quyết này trong buổi họp sắp tới ở Viên trong tuần này.

Các thành viên IAEA nhóm họp tại Viên
Các thành viên IAEA nhóm họp tại Viên

Về mặt pháp lý, ngôn từ được sử dụng trong nghị quyết này, đặc biệt là cụm từ “cần thiết và cấp bách” sẽ tạo động lực cho các nhân viên Liên Hợp Quốc trong quá trình thanh sát chương trình hạt nhân của Iran mà Mỹ và đồng minh nghi ngờ đang được sử dụng để phát triển vũ khí hạt nhân.

Tuy Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế không có quyền thực thi nghị quyết này, nhưng nếu Iran không tuân thủ lệnh kiểm tra đột xuất thì sẽ vi phạm Công ước an toàn hạt nhân của Liên Hợp Quốc mà nước này đã ký vào năm 1974 và có thể dẫn tới bị cô lập về ngoại giao.

Những ngôn từ mạnh trong nghị quyết này thể hiện sự cấp thiết phải gây sức ép lên Iran, đặc biệt là trong bối cảnh cuộc nội chiến ở Syria đang diễn biến phức tạp và Israel liên tiếp tung ra những lời đe dọa tấn công Iran làm dấy lên những căng thẳng ở Trung Đông.

Israel liên tiếp đe dọa sẽ tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran
Israel liên tiếp đe dọa sẽ tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran

Nó cũng thể hiện chiến thắng về ngoại giao của Mỹ và đồng minh Châu Âu khi hối thúc Nga và Trung Quốc nhất trí với lời lẽ trong bản dự thảo nghị quyết. Các nhà ngoại giao nói rằng ban đầu Nga đã yêu cầu dự thảo nghị quyết phải có lời lẽ ít cụ thể hơn.

Sau hội nghị Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế hôm qua, 6 quốc gia trên đã vận động các thành viên trong ban điều hành cơ quan này ủng hộ nghị quyết. Chiến dịch vận động này dự kiến sẽ được tiếp tục cho đến khi ban điều hành Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế bỏ phiếu thông qua nghị quyết này.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland nói rằng: “Chúng tôi đang trông chờ tín hiệu ủng hộ mạnh mẽ từ ban điều hành với những gì mà Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế đang thực hiện và thể hiện sự quan ngại sâu sắc đối với các hoạt động hạt nhân của Iran.”

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland

Việc đề xuất những quyền đặc biệt này cho các thanh sát viên chứng tỏ cộng động quốc tế đang mất dần kiên nhẫn với việc Iran ngăn cản các thanh sát viên kiểm tra chương trình hạt nhân của mình. Từ hồi tháng 1, yêu cầu kiểm tra ngay lập tức đối với một cơ sở quân sự quan trọng ở Parchin của các quan chức Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế đều bị Iran bác bỏ.

Ảnh vệ tinh căn cứ Parchin của Iran
Ảnh vệ tinh căn cứ Parchin của Iran

Hôm thứ Hai, tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế Yukiya Amano nói rằng việc Iran vừa dọn dẹp Parchin vừa ngăn cản các thanh sát viên đã ảnh hưởng xấu đến khả năng đánh giá cơ sở quân sự này. Các nhà ngoại giao phương Tây nói rằng Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế muốn tới thăm Parchin để quyết định xem liệu Iran có thử nghiệm các thiết bị nổ dùng để làm mồi cho một vụ nổ hạt nhân hay không.

Các nhà ngoại giao tại Viên nói rằng Iran cũng đã chấp nhận để các thanh sát viên được tiếp cận Parchin, nhưng với những điều kiện mà các quan chức của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế không thể chấp nhận.
Bảo Thành (Nguồn: WSJ)