Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật 0917.84.9911

Tán thành mức thuế thu nhập cá nhân là 9 triệu đồng/tháng

14/09/2012 07:19
(Theo Người đưa tin)
Lần đầu tiên được đưa ra thảo luận tại phiên họp UBTVQH, quy định về mức khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân (TNCN) quy định trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân đã thu hút sự tranh luận sôi nổi của đông đảo thành viên UBTVQH.

Trước đó, Ủy ban Tài chính - Ngân sách QH, cơ quan được giao trách nhiệm thẩm tra dự án luật đã đề xuất hạ mức khởi điểm chịu thuế xuống 7 triệu đồng, mức giảm trừ gia cảnh là 2,8 triệu đồng/tháng và mỗi người nộp thuế chỉ được giảm trừ cho 2 trường hợp thay vì giữ nguyên mức khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân 9 triệu đồng/tháng và mức giảm trừ gia cảnh 3,6 triệu đồng/người/tháng như theo đề xuất của Chính phủ.

Tan thanh muc thue thu nhap ca nhan la 9 trieu dongthang

Ảnh minh họa

“Lo” thất thoát nguồn thu ngân sách

Là một trong những lý do để UB Tài chính - Ngân sách “hạ” mức khởi điểm chịu thuế của Chính phủ xuống. “Theo tính toán, nếu áp dụng mức đề xuất chịu thuế của Chính phủ từ 1-7-2013 (thời điểm dự kiến Luật có hiệu lực thi hành) thì thu ngân sách 6 tháng cuối năm 2013 sẽ giảm khoảng 5.200 tỷ đồng và giảm thu ngân sách năm 2014 khoảng 13.350 tỷ đồng. Do đó, trong bối cảnh hiện nay có tính đến việc nâng giảm trừ gia cảnh lên, nâng hợp lý thôi, nâng không quá nhanh như Chính phủ ” – Chủ nhiệm UB Tài chính- Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết.

Cũng theo vị đại diện UB này, “việc nâng mức GTGC từ 4 triệu đồng lên lên 9 triệu đồng/tháng sẽ làm sai lệch bản chất của thuế TNCN, đưa thuế TNCN trở thành thuế thu nhập cao thông qua việc thu hẹp quá lớn số lượng người nộp thuế”.

Trước đó, trong Tờ trình UBTVQH, Chính phủ đã đề nghị cho phép điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế từ mức 4 triệu đồng/tháng hiện nay lên 9 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm); mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc từ 1,6 triệu đồng/tháng lên 3,6 triệu đồng/tháng.

Theo Chính phủ, từ năm 2009 đến nay, do tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, nền kinh tế - xã hội nước ta gặp nhiều khó khăn, giá cả hàng hoá, dịch vụ tăng cao làm ảnh hưởng đến đời sống người nộp thuế. Do đó, để thực hiện việc giảm tỷ lệ động viên thuế, phí trên GDP theo Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2020, đảm bảo tính ổn định của chính sách cho giai đoạn sau năm 2014, đồng thời để có sự quan tâm, chia sẻ của Nhà nước đối với người nộp thuế trước bối cảnh khó khăn của nền kinh tế thì việc nghiên cứu điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh là cần thiết.

“Quan trọng sử dụng nguồn thu từ thuế sao cho hiệu quả, không lãng phí”

Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn khẳng định. Theo ông, “không phải cứ đóng thuế nhiều là yêu nước mà phải xem việc đóng thuế có đúng không và sử dụng nguồn thu đó như thế nào”. Bày tỏ sự ủng hộ cao với đề xuất của Chính phủ; đồng thời không nhất trí với thẩm tra sơ bộ của UB Tài chính - Ngân sách, phó chủ tịch Quốc hội phân tích: Trước đây cho ý kiến về Luật Thuế Thu nhập cá nhân, đa số đại biểu quốc hội và thành viên UBTVQH đề xuất mức chịu thuế 5 triệu, nhưng Chính phủ không tiếp thu. Sau 3 năm thi hành, việc sửa đổi, bổ sung Luật Thuế TNCN lần này Chính phủ đã đưa ra mức khởi điểm chịu thuế cao hơn nhưng lại bị UB Tài chính Ngân sách “phang một gáo nước lạnh”. Chính phủ đã “thương dân”, tại sao mình không ủng hộ hoặc đề nghị tăng khởi điểm chịu thuế lên mức cao hơn, chẳng hạn như mức 9,5 triệu, 10 triệu?”.

Đồng ý với một số quan điểm mà UB Tài chính Ngân sách đưa ra trong báo cáo thẩm tra, tuy nhiên Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cũng cho rằng, mức khởi điểm chịu thuế mà UB này đề xuất cần phải tính đến bản chất của thuế thu nhập. “Mục đích của Nhà nước ta là không ngừng nâng cao đời sống nhân dân; muốn nâng cao đời sống phải tính đến mức thu nhập. Không thể đặt ra vấn đề cứ có thu nhập là phải chịu thuế mà phải xem thu nhập đến mức nào thì phải chịu thuế”. “Chưa kể, người lao động có thu nhập phải đảm bảo các nhu cầu tối thiểu của họ ở một mức ngày càng tốt hơn. Nếu Chính phủ thấy có thể nâng mức chịu thuế đến 9 triệu đồng/tháng mà không ảnh hưởng đến các vấn đề khác thì chúng ta nên hoan nghênh chứ không nên chỉ lo ngồi tính mỗi năm ngân sách mất đi bao nhiêu tiền vì không thu thuế” – ông Hiện nhấn mạnh.

Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai phân tích, thu nhập thực tế của người dân hoàn toàn giảm sút, lương có tăng lên thì với đà lạm phát như hiện này cũng khó mà bù đắp được. Hơn nữa, hiện nước ta cũng chưa công bố được mức sống tối thiểu, mức tiền lương tối thiểu đáp ứng mức sống tối thiểu đến đâu thì chưa thể có căn cứ để quy định thuế thu nhập cá nhân ở mức bao nhiêu là hợp lý.


(Theo Người đưa tin)