Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật 0917.84.9911

Tổng Bí thư: 'Đề nghị các nước tôn trọng quyền lợi chính đáng của VN'

16/09/2012 13:02
T.N
(GDVN) - "Trong bối cảnh quốc tế hiện nay, việc xây dựng một Cộng đồng ASEAN đoàn kết và vững mạnh có ý nghĩa quan trọng hơn bao giờ hết. Việc tiến tới một Đông Nam Á hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển phồn vinh là mục tiêu chung của chúng ta...".
LTS: Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức CH Singapore từ ngày 12 - 14/9 theo lời mời của Thủ tướng Chính phủ, Tổng Thư ký Đảng Hành động Nhân dân Singapore (PAP) Lý Hiển Long, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm và phát biểu tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu. Tổng Bí thư một lần nữa khẳng định: Là một thành viên của ASEAN, Việt Nam triệt để tuân thủ nguyên tắc đã nêu trong Hiến chương ASEAN là: “Không tham gia vào bất kỳ một chính sách hay hoạt động nào, kể cả việc sử dụng lãnh thổ của một nước, do bất kỳ một quốc gia thành viên ASEAN hay ngoài ASEAN hoặc đối tượng không phải là quốc gia tiến hành, đe dọa đến chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ hay sự ổn định chính trị và kinh tế của các quốc gia thành viên ASEAN".

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội kiến với Tổng thống Singapore Tô-ni tân Keng Giam. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội kiến với Tổng thống Singapore Tô-ni tân Keng Giam. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

"Nhìn lại chặng đường phát triển 45 năm qua và hướng đến những chặng đường phát triển tới đây của ASEAN, chúng ta thấy không chỉ có thuận lợi, mà còn cả những khó khăn, thách thức, đòi hỏi các nước ASEAN phải cùng nhau hành động với tinh thần tin cậy, đoàn kết và hợp tác trên cơ sở giữ vững các nguyên tắc cơ bản đã nêu trong Hiến chương ASEAN, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong các cấu trúc khu vực, phát huy vai trò chủ động của ASEAN trong việc củng cố môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực. Với tư cách là một khu vực mở, ASEAN cần tiếp tục mở rộng hợp tác cùng có lợi với các nước và các đối tác khác, không nhằm chống lại bất cứ quốc gia hoặc liên minh nào. Với vai trò trung tâm, ASEAN cần thúc đẩy các biện pháp nhằm bảo đảm hòa bình, ổn định và an ninh chung của khu vực. Trong bối cảnh quốc tế hiện nay, việc xây dựng một Cộng đồng ASEAN đoàn kết và vững mạnh có ý nghĩa quan trọng hơn bao giờ hết. Việc tiến tới một Đông Nam Á hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển phồn vinh là mục tiêu chung của chúng ta.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội kiến với Chủ tịch Đảng Hành động Nhân dân Singapore Kho Bun Oan. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN).
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội kiến với Chủ tịch Đảng Hành động Nhân dân Singapore Kho Bun Oan. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN).

Gần đây, tình hình khu vực Đông Nam Á có mặt trở nên căng thẳng bởi những diễn biến phức tạp ở Biển Đông, một vùng biển có tầm quan trọng cả về địa chiến lược và địa kinh tế đối với khu vực và thế giới. Đây là một thực tế đáng lo ngại. Là một nước có liên quan trực tiếp, Việt Nam cam kết thực hiện nghiêm chỉnh Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và Hướng dẫn thực hiện DOC giữa ASEAN và Trung Quốc, Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, cam kết tích cực cùng các nước ASEAN thúc đẩy đàm phán để sớm ký với Trung Quốc Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) theo đúng tinh thần Tuyên bố 6 điểm của các Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN về vấn đề Biển Đông. Đồng thời, Việt Nam đề nghị các nước tôn trọng quyền lợi chính đáng của Việt Nam là một quốc gia ven biển, trong đó có các quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế đã được quy định trong luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982. Chúng tôi cho rằng duy trì môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực là mong muốn chung, lợi ích chung và trách nhiệm chung của tất cả các nước thành viên trong ASEAN.
Là một thành viên của ASEAN, Việt Nam triệt để tuân thủ nguyên tắc đã nêu trong Hiến chương ASEAN là: “Không tham gia vào bất kỳ một chính sách hay hoạt động nào, kể cả việc sử dụng lãnh thổ của một nước, do bất kỳ một quốc gia thành viên ASEAN hay ngoài ASEAN hoặc đối tượng không phải là quốc gia tiến hành, đe dọa đến chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ hay sự ổn định chính trị và kinh tế của các quốc gia thành viên ASEAN”; đồng thời, cam kết thực hiện nguyên tắc này với tất cả các nước ngoài ASEAN, không lôi kéo, không tham gia liên minh của nước này để chống lại nước khác. Việt Nam sẽ nỗ lực không ngừng mở rộng sự hợp tác của bản thân mình và sự hợp tác của ASEAN với các nước ngoài khu vực, nhất là với tất cả các nước đối thoại của ASEAN, các nước lớn như Trung Quốc, Nga, Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ…
Với tinh thần đó, đến nay Việt Nam đã tham gia một cách có trách nhiệm tất cả các cơ chế hợp tác hiện có của ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác bên ngoài, coi ASEAN thực sự là gia đình lớn thân thiết của mình, coi các nước đối tác là những người bạn đồng hành không thể thiếu trên con đường phát triển...", trích diễn văn của Tổng Bí thư.


T.N