Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật 0917.84.9911

Thịt sống, tiết canh dễ chứa khuẩn liên cầu lợn gây chết người

17/09/2012 16:35
Thảo Lăng
(GDVN) -BS Lâm nói thêm, sở dĩ nói khuẩn liên cầu lợn rất nguy hiểm, bởi vì người nhiễm khuẩn này có thể gây ra nhiễm trùng máu, viêm màng não, sốc, suy gan thận,… nếu không được chữa trị kịp thời sẽ dẫn đến tử vong.

Liên quan tới bệnh nhiễm khuẩn liên cầu lợn, vừa qua đã có một bệnh nhân ở Tây Hồ, Hà Nội chết do bệnh này. Tìm hiểu sâu hơn về môi trường sống, tác hại và cách phòng tránh loại khuẩn này, phóng viên báo điện tử giaoduc.net.vn đã có cuộc phỏng vấn ngắn với bác sĩ Nguyễn Tiến Lâm, Trưởng khoa Virus - Ký sinh trùng Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương.

BS Nguyễn Tiến Lâm cho biết, liên cầu lợn là một loại khuẩn rất nguy hiểm với sức khỏe, tính mạng con người. Khuẩn liên cầu lợn có sẵn trong cổ họng, đường tiêu hóa, đường hô hấp, sinh dục của lợn. Khi chúng mắc bệnh - nhất là bệnh tai xanh, hệ miễn dịch suy giảm và đây là dịp cho loại vi khuẩn này có cơ hội phát triển mạnh.

Hình ảnh bác sĩ Nguyễn Tiến Lâm, Trưởng khoa Virus- Ký sinh trùng bệnh viện Nhiệt đới Trung ương đang chữa trị cho bệnh nhân.
Hình ảnh bác sĩ Nguyễn Tiến Lâm, Trưởng khoa Virus- Ký sinh trùng bệnh viện Nhiệt đới Trung ương đang chữa trị cho bệnh nhân.

Khi gặp điều kiện thích hợp, khuẩn liên cầu lợn lây lan sang người qua đường tiêu hóa khi ăn những thức ăn tươi sống từ lợn như tiết canh, thịt lợn sống, tái,…; qua hô hấp; qua đường máu, khi người giết mổ lợn có vết thương hở trên cơ thể…

BS Lâm nói thêm, sở dĩ nói khuẩn liên cầu lợn rất nguy hiểm, bởi vì người nhiễm khuẩn này có thể gây ra nhiễm trùng máu, viêm màng não, sốc, suy gan thận,… nếu không được chữa trị kịp thời sẽ dẫn đến tử vong.

Hiện nay, chưa có loại thuốc nào đặc trị khuẩn liên cầu lợn. Do đó, việc chữa trị bệnh nhân nhiễm khuẩn khả quan khi bệnh nhân được phát hiện và đưa tới bệnh viện sớm.

Các biểu hiện lâm sàng dễ nhận thấy của người nhiễm khuẩn liên cầu lợn là đã từng có yêu tố tiếp xúc với việc giết mổ, ăn thịt lợn tái, sống, ăn tiết canh lợn,… đau đầu, đau toàn thân, rối loạn tinh thần, có hiện tượng nhiễm trùng huyết, …

Những bệnh nhân nhiễm khuẩn khi chưa có biểu hiện sốc và suy tạng thì có thể chữa trị khỏi. Đồng thời, việc điều trị cho bệnh nhân nhiễm khuẩn liên cầu lợn hiện nay chủ yếu dựa vào việc diệt khuẩn và hồi sức (nếu suy thận thì chữa suy thận, rối loạn đông máu chữa rối loạn đông máu,…)

Người bệnh nhiễm khuẩn liên cầu lợn có thể bị hoại tử chân tay.
Người bệnh nhiễm khuẩn liên cầu lợn có thể bị hoại tử chân tay.

Để phòng chống bệnh nhiễm khuẩn liên cầu lợn, bác sĩ Nguyễn Tiến Lâm khuyến cáo mọi người không nên ăn các loại thức ăn tươi sống được chế biến từ lợn, tuyệt đối không ăn tiết canh lợn, không giết mổ lợn có bệnh, những người bị tổn thương tay chân không được giết mổ lợn, khi mổ lợn cần được bảo hộ bằng găng tay, khẩu trang,…

Được biết, từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận 20 bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn, đặc biệt chỉ riêng trong tháng 5 có đến năm ca. Trong số này, đa phần là bệnh nhân nặng hoặc bị biến chứng.  

Thông tin từ Sở Y tế Hà Nội cho hay, người nhiễm bệnh có triệu chứng viêm não, xuất huyết, viêm phổi, viêm cơ tim và viêm khớp, tỷ lệ tử vong khoảng 7%. Nếu không được chữa trị kịp thời, người bệnh sẽ bị viêm màng não, nhiễm trùng huyết gây choáng và có thể để lại những di chứng nặng nề với 60% bị ù tai giảm thính lực, 20% điếc hoàn toàn không hồi phục. Ở miền Nam Việt Nam, 95%-98% bệnh nhân nhiễm vi khuẩn liên cầu lợn thường bị viêm màng não.

* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!
Thảo Lăng