Hải quân ASEAN hợp tác tình báo, đối phó thách thức trên biển Đông

27/07/2011 23:16
(GDVN) - Tại Hội nghị Tư lệnh Hải quân các nước ASEAN lần thứ 5, lãnh đạo lực lượng hải quân 9 nước ASEAN đã đạt được những đồng thuận quan trọng.
(GDVN) - Sáng 27/7, tại Hà Nội, Phó Đô đốc Nguyễn Văn Hiến  – Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tư lệnh Hải quân Nhân dân Việt Nam đã điều hành thành công Hội nghị Tư lệnh Hải quân các nước ASEAN lần thứ 5 (ANCM-5). Tại Hội nghị, những người đứng đầu lực lượng Hải quân 9 nước ASEAN và Tùy viên Quốc phòng Lào đã đạt được những đồng thuận quan trọng, trong nhiều vấn đề lớn như hợp tác, giao lưu hải quân, đối phó các thách thức chung trên biển…
Những kỳ vọng mạnh mẽ
Mở đầu hội nghị, Phó Đô đốc Nguyễn Văn Hiến nhấn mạnh: “Việt Nam kỳ vọng mạnh mẽ rằng ANCM-5 không chỉ dừng lại ở một diễn đàn để trình bày và chia sẻ kinh nghiệm, mà Hải quân các nước ASEAN sẽ cùng thiết lập nền tảng cho một cơ chế với những định hướng phát triển hợp tác cơ bản”. 
Phó Đô đốc Nguyễn Văn Hiến và người đồng nhiệm bên phía Philippines
Phó Đô đốc Nguyễn Văn Hiến và người đồng nhiệm bên phía Philippines
Cũng theo người đứng đầu lực lượng Hải quân Việt Nam, ANCM-5 diễn ra trong bối cảnh an ninh trên Biển Đông đang hết sức phức tạp. Việc vi phạm chủ quyền quốc gia đối với một số nước ASEAN đang gây ra những lo ngại cho nhiều nước trong và ngoài khu vực, đặc biệt là những vi phạm luật quốc tế, cụ thể là Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS 1982) và Tuyên bố ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC). 
“Tình hình này không có lợi cho bất cứ quốc gia nào trong khu vực, kể cả quốc gia không có biển. Hải quân các nước ASEAN là lực lượng thực thi pháp luật, đảm bảo an ninh trên biển. Chúng ta vừa có nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia của mình, và cũng có nghĩa vụ hợp tác, phối hợp trên biển với tư cách là thành viên của ASEAN”, Phó Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, nói.
Về phía Hải quân Philippines, Phó Đô đốc Alexander P Pama bày tỏ quan điểm về an ninh biển và hợp tác an ninh trên biển, và đề nghị các nước trong khu vực ủng hộ giải quyết các vấn đề tranh chấp song phương cũng như đa phương.
Tại hội nghị, các đoàn đã trao đổi quan điểm về tình hình an ninh khu vực, trong đó có tình hình Biển Đông. Một quốc gia đơn lẻ khó có thể tự giải quyết các thách thức an ninh phi truyền thống và truyền thống trong môi trường biển khu vực. Đặc biệt là thừa nhận sự tồn tại tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa một số nước ASEAN cũng như giữa các nước này với Trung Quốc. 
Trong khi chưa có một cơ chế quản lý xung đột hữa hiệu thì những tính toán sai lầm có thể dẫn đến xung đột. Kêu gọi các bên liên quan tìm kiếm giải pháp ngoại giao hoà bình, dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, DOC, hướng đến đạt được Bộ quy tắc ứng xử (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc, đồng thời hoan nghênh nỗ lực mới đây của hai bên trong việc đạt được Hướng dẫn thực thi DOC. Ngoài ra, ANCM-5 cũng khuyến nghị ASEAN có những bước đi chủ động, với nỗ lực của từng quốc gia và cả cộng đồng ASEAN, trong việc đảm bảo an ninh biển vì mục tiêu hoà bình, ổn định và phát triển của khu vực. 
Tại hội nghị, Đô đốc Tan Sri Abdul Aziz bin Hj Jaafar, Tư lệnh Hải quân Malaysia đưa ra 3 lĩnh vực ưu tiên trong hợp tác an ninh biển của ASEAN. Theo Đô đốc Jaafar, hiện tại Malaysia đang có một cơ chế hoạt động rất tốt là sự hợp tác giữa chính phủ và các cơ quan, đơn vị kinh tế để đảm bảo an toàn trên biển. 
Về hợp tác cấp khu vực và quốc tế, do vấn đề tranh chấp chủ quyền rất phức tạp, cần giải quyết lâu dài, do đó các nước có thể tạm gác những tranh chấp để tổ chức các hoạt động chung như bảo vệ môi trường biển, chống hải tặc… bởi đây là những vấn đề an ninh phi truyền thống mà các nước đều phải đối mặt, từ đó tiệm cận dần để giải quyết các vấn đề khác. 
Đô đốc Jaafar cũng nhấn mạnh đến việc mở rộng hợp tác chia sẻ thông tin về an ninh hàng hải và tình báo, cả song phương và đa phương.
Hợp tác tình báo, lập đường dây nóng
Những thành công nổi bật của ANCM-5 là các bên cùng thống nhất quan điểm về tiềm năng hợp tác lớn giữa hải quân các nước ASEAN, với nhiều ý tưởng và sáng kiến hợp tác, trong đó có mở rộng hợp tác với các nước ngoài khu vực, phối hợp triển khai chung, tuần tra chung, lập cổng chia sẻ thông tin và trung tâm chia sẻ thông tin, lập đường dây nóng, hợp tác tình báo, đào tạo chung, thống nhất việc gửi tín hiệu chào nhau giữa hải quân các nước ASEAN.
ANCM-5 cũng đi đến thống nhất các tài liệu, gồm Định hướng hợp tác Hải quân các nước ASEAN; Giao lưu sĩ quan trẻ Hải quân các nước ASEAN; Chương trình hoạt động 2 năm 2011-2013 của Hải quân các nước ASEAN. Những sáng kiến, đề xuất của Việt Nam, Singapore, Indonesia được hội nghị đánh giá cao.
Trưa ngày 27/7, hội nghị đã bế mạc. Chiều cùng ngày, các trưởng đoàn tham dự ANCM-5 đến chào xã giao Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh.
Hôm nay (28/7), theo kế hoạch, hải quân các nước ASEAN sẽ tham quan Đoàn Tên lửa bờ hiện đại S79 của Hải quân Nhân dân Việt Nam. Được biết, chủ nhà của ANCM-6 sẽ là Brunei.  
Đến chúc mừng ANCM-5, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Trung tướng Đỗ Bá Tỵ, nói: “Bối cảnh an ninh khu vực đang có nhiều diễn biến mới, với sự quan tâm đặc biệt được dành cho an ninh biển. Không gian biển đang ngày càng gắn kết chúng ta hơn, trên nhiều phương diện, từ kinh tế, thương mại, môi trường, đến quốc phòng – an ninh.
Sự phức tạp của môi trường an ninh hiện nay còn có sự đan xen của an ninh truyền thống và phi truyền thống, đặt ra sự hợp tác trên biển giữa quân đội các nước khu vực, đặc biệt là lực lượng hải quân”
{iarelatednews articleid='8552,8452,8336,8244,8172,8051,7820,7622,7555,6909,6751,6607,6608,6362'}
Nguyễn Khang