Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật 0917.84.9911

Sự thật về “khu phố Trung Quốc” cách Hà Nội 20 km

18/09/2012 06:58
Tuệ Minh – Hoàng Lâm
(GDVN) – “Một số người Trung Quốc ở đây thuê cửa hàng để bán một số mặt hàng nhưng đều dưới sự quản lý của chính quyền nơi đây. Tất cả những người Trung Quốc làm ăn ở đây đều tuân thủ pháp luật một cách nghiêm chỉnh”.

Đi tìm sự thật về “phố Trung Quốc” sát vách Hà Nội

Trước một số thông tin cho rằng làng Phù Khê Thượng (xã Phù Khê, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) như một khu phố của người Trung Quốc, chiều 17/9, chúng tôi đã tìm về thôn này để tìm hiểu thực hư vấn đề. 

Điều làm chúng tôi không khỏi ngạc nhiên là không chỉ nhiều biển hiệu của các cửa hàng tại thôn Phù Khê Thượng được ghi bằng cả tiếng Việt Nam và tiếng Trung Quốc mà thậm chí ở các làng khác như Hương Mạc hay Đồng Kỵ là những làng nghề nổi tiếng về gỗ cũng có hiện tượng này. Cá biệt, có biển hiệu còn được ghi hoàn toàn bằng tiếng Trung Quốc.
Chủ những cửa hàng gỗ ở Phù Khê Thượng, Từ Sơn, Bắc Ninh đều là người Việt Nam
Chủ những cửa hàng gỗ ở Phù Khê Thượng, Từ Sơn, Bắc Ninh đều là người Việt Nam 
Ảnh: Khu phố của người Trung Quốc sát Hà Nội 

Rẽ vào một cửa hàng ở thôn Phù Khê Thượng có biển quảng cáo bằng cả tiếng Việt Nam và tiếng Trung Quốc, chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị H. là chủ cửa hàng. Trao đổi với Phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam “sự lạ” này, chị Nguyễn Thị H. (35 tuổi) tỏ ra hết sức ngạc nhiên về cái tên “phố Trung Quốc” ở làng mình và tươi cười nói: “Em xin khẳng định là không có phố nào như vậy. Ở đây, bọn em làm ăn với người Trung Quốc nhiều nên đề biển hiệu có cả tiếng Trung Quốc là để quảng cáo cho họ biết và nhớ tên cửa hiệu nhà mình để lần sau họ đến lại vào mua, thế thôi. Ở làng này, đúng là có người Trung Quốc đến thuê địa điểm cửa hàng của người Việt nhưng chủ yếu là để bán đồ như máy đục, đồ gỗ nội thất… nhưng rất ít. Có thể những người này không biết mà đã viết biển quảng cáo hoàn toàn bằng tiếng Trung Quốc. Đa phần các của hàng ở đây là của người Việt Nam”.

Khi được hỏi về quy định viết biển quảng cáo, chị H thực thà chia sẻ: “Quả thực về pháp luật, chúng em không biết là phải viết chữ tiếng Việt to hơn so với chữ Trung Quốc. Vì làm ăn với nhiều người Trung Quốc nên bọn em viết biển chỉ để quảng cáo cho họ biết và nhớ về cửa hàng nhà mình”.

Ngồi bên cạnh chị H, bác Nguyễn Thanh P. (54 tuổi) nói: “Chúng tôi cũng đã được tỉnh (tỉnh Bắc Ninh – PV) và Thị xã (TX. Từ Sơn – PV) nhắc nhở về việc viết biển quảng cáo này rồi. Việc để chữ Trung Quốc to hơn chữ Việt là không đúng. Còn việc cho người Trung Quốc thuê cửa hàng để bán hàng thì tôi nghĩ đó là việc bình thường vì họ có giấy tờ đầy đủ. Việc này cũng giống như trước đây chúng tôi sang bán hàng gỗ bên Trung Quốc thôi”. 

Trao đổi chúng tôi, nhiều chủ cửa hàng tại đây đều khẳng định dù biển được viết bằng cả hai thứ tiếng nhưng người làm chủ vẫn là người Việt.

Không có “phố Trung Quốc” ở Bắc Ninh

Sau câu chuyện với một số chủ cửa hàng nơi đây, chúng tôi tìm đến nhà ông trưởng thôn Phù Khê Thượng, Nguyễn Thành Hưng – người không chỉ “nổi tiếng” với một quá khứ lầm lạc nhưng nay đã hoàn toàn đổi khác và là người có công lớn khi lập lên chợ gỗ Phù Khê. 

Nhấp chén trà, vị trưởng thôn hiện rất có uy tín với dân và nổi tiếng với biệt hiệu “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” này cho biết: 

“Quả thực việc các bảo vệ làm việc nghiêm ngặt tại khu chợ gỗ Phù Khê là có thật. Nhưng việc đó là chính đáng vì tôi là người đứng lên thành lập ra chợ gỗ Phù Khê này và cũng là người tập hợp anh em trong đội bảo vệ nên tôi biết: các anh em không bảo vệ nghiêm ngặt thì sao có được sự tin tưởng của bà con buôn bán nơi đây. Gỗ to chẳng nói chứ gỗ nhỏ tầm bắp chân đắt toàn chục triệu mà không bảo vệ chặt chẽ thì mất như chơi ngay”.

Trưởng thôn Phù Khê Thượng, ông Nguyễn Thành Hưng khẳng định không có chuyện người Trung Quốc thu mua gỗ Trắc để xuất khẩu trực tiếp sang Trung Quốc
Trưởng thôn Phù Khê Thượng, ông Nguyễn Thành Hưng khẳng định không có chuyện người Trung Quốc thu mua gỗ Trắc để xuất khẩu trực tiếp sang Trung Quốc
Ảnh: Khu phố của người Trung Quốc sát Hà Nội 

Nói về việc nhiều cửa hàng ở thôn đề biển hiệu bằng tiếng Trung Quốc một số cái viết chữ Trung Quốc lớn hơn chữ Việt, ông Hưng cho rằng vì bà con nơi đây chủ yếu giao dịch với người Trung Quốc nên mới như vậy. Còn về việc thu mua gỗ Trắc của những người Trung Quốc, ông Hưng nói:

“Gỗ Trắc ở đây đều có giấy tờ đầy đủ. Người Trung Quốc sang Việt Nam thu mua gỗ Trắc rồi đem về xưởng tại đây thuê người Việt chế biến thành sản phẩm rồi mới xuất sang Trung Quốc chứ không phải là họ thu mua để rồi xuất khẩu trực tiếp sang Trung Quốc”. 
Vừa chỉ vào một bức hình trên mạng có chú thích về việc những tấm gỗ được cho là gỗ Trắc lậu tại chợ Phù Khê vì không có dấu của hải quan, ông Hưng khẳng định: 

“Đây không phải là gỗ Trắc. Còn cách quản lý gỗ của cơ quan chức năng hiện nay cũng khác so với trước đây là không còn dùng búa đóng dấu nữa vì dễ bị làm giả. Hiện nay, họ đánh dấu rồi quản lý qua hóa đơn. Một số người Trung Quốc ở đây thuê cửa hàng để bán một số mặt hàng nhưng đều dưới sự quản lý của chính quyền nơi đây. Tất cả những người Trung Quốc làm ăn ở đây đều giao dịch bằng tiền Việt và tuân thủ pháp luật một cách nghiêm chỉnh”.

Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy không chỉ những cửa hiệu bán đồ gỗ mới viết tiếng Trung Quốc đi kèm với tiếng Việt mà các nhà nghỉ ở đây cũng vậy. Gặp chúng tôi với sự ngạc nhiên về câu chuyện về “phố Trung Quốc” mà chúng tôi mang đến, ông Nguyễn Văn C. (ở thôn Hương Mạc – chủ một nhà nghỉ lớn) nói: “Tôi khẳng định ở đây không có phố Trung Quốc. Việc để biển có chữ Trung Quốc là để cho những người Trung Quốc không biết tiếng Việt có thể biết ở đây có nhà nghỉ và họ có thể thuê để nghỉ. Đối với những người khách như vậy tôi đều kiểm tra giấy tờ rồi trình báo với cơ quan chức năng. Có một số biết tiếng Việt, còn một số thì không nên họ phải thuê phiên dịch. Khi thanh toán họ trả chúng tôi bằng tiền Việt”.

Ông C. cho biết thêm: “Những người Trung Quốc sang đây mua bán đồ gỗ chủ yếu là đi tìm hàng rồi sau đó tập kết tại một nhà kho của một công ty vận chuyển của Việt Nam để khi đủ hàng sẽ vận chuyển lên cửa khẩu rồi làm thủ tục hải quan để xuất khẩu. Còn những người Trung Quốc mà sang đây bán hàng thì rất ít. Họ thuê cửa hàng của người Việt Nam để bán một số mặt hàng như máy đục, máy tiện và một số đồ thủ công mỹ nghệ từ gỗ. Tuy nhiên, tôi khẳng định, mọi thứ ở đây đều do người Việt Nam làm chủ hết”.

Còn anh Dương Thế M (một chủ cửa hàng đồ gỗ lớn ở Đồng kỵ, TX. Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) khẳng định: “Các cửa hiệu bán đồ gỗ ở dãy phố này dù có ghi tiếng Trung Quốc nhưng đều là của người Việt. Chúng tôi ghi cả tiếng Việt và Trung Quốc lên trên biển quảng cáo vì có đến 70% khách hàng của chúng tôi là người Trung Quốc. Ở đây có nhiều người Trung Quốc sang làm ăn, buôn bán đồ gỗ nên đề thêm tiếng Trung Quốc vào để thuận lợi cho việc giao dịch. Có một số người Trung Quốc sang đây làm ăn, họ thuê cửa hàng để bán. Phần lớn còn lại là thu mua đồ gỗ như bàn ghế và các đồ thủ công mỹ nghệ bằng gỗ rồi thuê một công ty vận chuyển sang Trung Quốc và các nước khác. Tất cả đều có giấy tờ hợp pháp”...
Điều 18 (Luật Quảng cáo 2012) Tiếng nói, chữ viết trong quảng cáo

1. Trong các sản phẩm quảng cáo phải có nội dung thể hiện bằng tiếng Việt, trừ những trường hợp sau:

a) Nhãn hiệu hàng hoá, khẩu hiệu, thương hiệu, tên riêng bằng tiếng nước ngoài hoặc các từ ngữ đã được quốc tế hoá không thể thay thế bằng tiếng Việt;

b) Sách, báo, trang thông tin điện tử và các ấn phẩm được phép xuất bản bằng tiếng dân tộc thiểu số Việt Nam, tiếng nước ngoài; chương trình phát thanh, truyền hình bằng tiếng dân tộc thiểu số Việt Nam, tiếng nước ngoài.

2. Trong trường hợp sử dụng cả tiếng Việt, tiếng nước ngoài trên cùng một sản phẩm quảng cáo thì khổ chữ nước ngoài không được quá ba phần tư khổ chữ tiếng Việt và phải đặt bên dưới chữ tiếng Việt; khi phát trên đài phát thanh, truyền hình hoặc trên các phương tiện nghe nhìn, phải đọc tiếng Việt trước tiếng nước ngoài.

* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!


Tuệ Minh – Hoàng Lâm