Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật 0917.84.991

Sự thật chuyện "đỉa làm tổ trong bụng khi ăn kẹo Trung Quốc"

20/09/2012 15:28
Thảo Lăng - Thu Hòe
(GDVN) -"Trường hợp đầu tiên phát hiện được ở Tuyên Quang. Bệnh nhân nữ này đau bụng và được đưa đi bệnh viện đa khoa và được các bác sỹ ở đây chụp chiếu thì phát hiện có rất nhiều sinh vật lạ, và đã tiến hành phẫu thuật . Vị bác sỹ này đã ngất ngay tại chỗ vì khi vạch bụng bệnh nhân ra toàn là đỉa”.

Mới đây, trên mạng xã hội facebook, thông tin phát hiện có đỉa trong dạ dày sau khi ăn bánh kẹo có nguồn gốc từ Trung Quốc đã được lan truyền một cách chóng mặt. Đoạn thông báo về sự việc này có nội dung như sau: “…sữa nhập lậu , bánh kẹo nhập lậu từ Trung Quốc trong đó có đỉa.

Trường hợp đầu tiên phát hiện được là ở Tuyên Quang. Bệnh nhân nữ này đau bụng và được đưa đi bệnh viện đa khoa và được các bác sỹ ở đây chụp chiếu thì phát hiện có rất nhiều sinh vật lạ và đã tiến hành phẫu thuật . Vị bác sỹ này đã ngất ngay tại chỗ vì khi vạch bụng bệnh nhân ra toàn là đỉa”.

"Đỉa trong bánh kẹo Trung Quốc" mới dừng lại ở tin đồn.
"Đỉa trong bánh kẹo Trung Quốc" mới dừng lại ở tin đồn.

Những thông tin nêu trên ngay lập tức đã được nhiều thành viên mạng xã hội facebook chia sẻ và tỏ ra nghi ngại. Để tìm hiểu thực hư thông tin này, phóng viên báo điện tử giaoduc.net.vn đã liên hệ với đại diện bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang để xác nhận thông tin.

Ông Phạm Quang Thanh, Giám đốc bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang cho biết, trong những tháng trở lại đây, bệnh viện chưa hề tiếp nhận một ca cấp cứu nào như thông tin nêu trên. Đồng thời, chưa từng nghe thông tin này.
PGS.TS Nguyễn Đại Bình, Phó Giám đốc – Bệnh viện K khẳng định: “Đây hoàn toàn chỉ là tin đồn nhảm, gây hoang mang cho dư luận xã hội. Cũng như vắt, đỉa là loại thân mềm rất nhạy cảm, không phải môi trường nào đỉa cũng có thể sống và tồn tại được. Đỉa chỉ có thể sống và sinh sản trong môi trường nước ngọt, đất ẩm… và sống nhờ hút máu. 
Trong trường hợp đỉa thâm nhập được vào cơ thể con người, đỉa chỉ có thể tồn tại được duy nhất trong môi trường hô hấp không có chất men, axit và kiềm như: mũi, xoang và phế quản.
Khi đỉa vào đến các bộ phận khác trong cơ thể con người, đỉa sẽ tự chết do bị tiếp xúc với môi trường axit, kiềm có trong các bộ phận này. Về mặt y học, tôi có thể khẳng định, cơ thể con người không thể là môi trường sống và sinh sản cho đỉa. Điều này cũng giải thích vì sao đỉa rất nhạy cảm với nước bọt con người, với nước vôi, vôi bột… và nước tiểu".
* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!
Thảo Lăng - Thu Hòe