Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật 0917.84.9911

"Nói amip ăn não người là sai"

22/09/2012 11:04
Thu Hòe
(GDVN) - “Amip Naegleria Fowler là loại ký sinh trùng nguy hiểm nhưng hiếm gặp. Trái với thông tin một số tờ báo đăng tải, loại amip này không ăn não người khi xâm nhập vào não mà chỉ gây viên, làm tổn thương và gây hoại tử não. Người dân không nên quá hoang mang, sợ hãi…”
Đó là khẳng định của Thạc sỹ, bác sỹ Nguyễn Tiến Lâm – Trưởng khoa Virus - Ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương về loại amip "ăn não người" đang gây xôn xao trong dư luận.

Amip Naegleria Fowler gây tử vong cho bệnh nhi 6 tuổi tại TP HCM (Ảnh do bác sỹ cung cấp)
Amip Naegleria Fowler gây tử vong cho bệnh nhi 6 tuổi tại TP HCM
(Ảnh do bác sỹ cung cấp)


Loại ký sinh trùng này không ăn não người…

Amip Naegleria Fowler là loại ký sinh trùng nguy hiểm nhưng hiếm gặp trên thế giới và Việt Nam. Cho đến thời điểm hiện tại, Việt Nam mới chỉ phát hiện và ghi nhân được 2 trường hợp nhiễm bệnh.

Thạc sỹ, bác sỹ Nguyễn Tiến Lâm - Trưởng khoa Virus - Ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (Ảnh Thu Hòe)
Thạc sỹ, bác sỹ Nguyễn Tiến Lâm - Trưởng khoa Virus - Ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương  (Ảnh Thu Hòe)

Bác sỹ Lâm cho biết: “Amip Naegleria Fowler là một loại kí sinh trùng có trong nước ngọt nhưng rất hiếm gặp. Gần đây dư luận xã hội hoang mang chuyện amip ăn não người nhưng thực chất loại vi sinh trùng này không hề ăn não người. Về bản chất, khi xâm nhập vào não bộ của con người, vi sinh trùng này sinh sản mạnh theo cấp số nhân ở trong não. Chúng làm viêm, gây tổn thương và hoại tử não bộ chứ không ăn não.”

Không có bất cứ một dấu hiệu nhận biết sớm nào

Nói về những dấu hiệu nhận biết của căn bệnh này, bác sỹ Nguyễn Tiến Lâm cho biết: “Không hề có dấu hiệu cũng như triệu chứng đặc thù gì để giúp phát hiện sớm việc có hay không vi sinh trùng Naegleria fowleri đã thâm nhập vào não người. Lí do là rất hiểm gặp và khi xuất hiện thì những biểu hiện, triệu chứng cũng rất giống với những căn nguyên gây rối loạn, tổn thương hệ thần kinh trung ương khác như: các viêm màng não do virus, các trường hợp viêm màng nào do các căn nguyên vi khuẩn khác, các căn nguyên kí sinh trùng khác, virus khác... Do đó, rất khó để phát hiện. Các triệu chứng xuất hiện và phát triển rất nhanh từ mũi lên họng, qua dây thần kinh trung ương gây viêm não, viêm màng não... dẫn đến tử vong nhanh…”

Hà Nội: Hé lộ sự thật vụ tố chồng, con đánh gãy cổ

Hà Nội: Hé lộ sự thật vụ tố chồng, con đánh gãy cổ

Không ra ao hồ, bé 6 tuổi tử vong nhiễm

Không ra ao hồ, bé 6 tuổi tử vong nhiễm "amip ăn não" từ đâu?

Cục Y tế xác nhận nạn nhân thứ 2 tử vong do

Cục Y tế xác nhận nạn nhân thứ 2 tử vong do "amip ăn não"

Cũng theo bác sỹ Lâm, thông thường chỉ khi người bệnh có triệu chứng của tổn thương não, viêm màng não nặng lúc đó mới tiếp cận với y tế và được chẩn đoán. Tuy nhiên, chẩn đoán lúc đó mới chỉ là dựa vào hiện tượng, còn bản chất, nguyên nhân gây ra hiện tượng ấy là gì thì vẫn chưa được làm rõ, cần có thời gian.

Bác sỹ Nguyễn Tiến Lâm khẳng định: “Không có bất cứ hiện tượng gì giúp việc chẩn đoán bệnh được nhanh chóng và chính xác, trừ trường hợp ý thức về việc này được tăng cường lên. Tự người dân phải cắt nghĩa được rằng, bản thân họ có những yếu tố tiếp xúc bơi lội ở ao, hồ, sông. Khi thấy có những triệu chứng bất thường như: đau đầu, sốt, buồn nôn, nôn, rối loạn thần kinh, co giật, hôn mê… người dân phải thấy nghi ngờ, sợ hãi và tìm đến với cơ sở y tế ngay.

Đừng nên để đến lúc có những triệu chứng khá điển hình rồi mới tìm đến các cơ sở y tế thì đã muộn rồi.”

Hiếm gặp nhưng tỉ lệ tử vong rất cao

Đánh giá về mức độ nguy hiểm của amip ăn não người, bác sỹ Nguyễn Tiến Lâm cho biết: “Bệnh rất hiểm gặp nhưng cấp độ nguy hiểm cao. Diễn biến bệnh rất cấp tính. Tổn thương thần kinh trung ương để lại rất nặng nề. Các biện pháp, thuốc điều trị đặc hiệu gần như chưa có. Nguy cơ tử vong rất cao, chiếm 99%…”.

Cũng theo bác sỹ Lâm, rất khó để phòng tránh vi sinh trùng amip Naegleria Fowler. Cách phòng tránh tốt nhất vẫn là tránh bơi lội ở những khu vực ao hồ, sông suối ô nhiễm.

“Cần cố gắng cao nhất để tránh những nguồn dễ phơi nhiễm. Nên tắm ở nhà, ở những bể bơi sạch sẽ… Khi có những triệu chứng bệnh lí như: đau đầu, sốt, buồn nôn, nôn, rối loạn thần kinh, co giật… thì phải đi khám y tế ngay. Không được mất cảnh giác, coi đó chỉ là trường hợp cảm cúm thông thường, tự chăm sóc ở nhà.

Bên cạnh đó, Bộ y tế cần phải có sự phối hợp với hệ thống y tế dự phòng, các Viện vệ sinh dịch tễ từ Trung ương đến các khu vực để nghiên cứu và đưa ra những giải pháp, khuyến cáo cụ thể hơn…”, bác sỹ Lâm khuyến cáo.

* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!



Thu Hòe