Mạnh tay loại bỏ ngân hàng yếu kém

29/07/2011 00:22
TS Cao Sỹ Kiêm, thành viên HĐ Tư vấn Chính sách tài chính-tiền tệ quốc gia cho rằng các ngân hàng thương mại yếu kém là tác nhân gây ra bất ổn.
TS Cao Sỹ Kiêm, đại biểu Quốc hội, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính-tiền tệ quốc gia, cho rằng các ngân hàng thương mại yếu kém là tác nhân gây ra cuộc đua lãi suất và bất ổn trên toàn hệ thống
* Phóng viên: Ông bình luận gì trước đánh giá rằng hệ thống ngân hàng (NH) thương mại đang đối diện với nhiều rủi ro như: rủi ro thanh khoản, rủi ro nợ xấu, rủi ro chéo... trong 10 kiến nghị ổn định kinh tế vĩ mô mà Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (QH) khóa XII gửi QH khóa XIII?
 
- TS Cao Sỹ Kiêm: Đúng là có hiện tượng này nhưng không phải tất cả các NH đều như vậy. Những rủi ro này chủ yếu rơi vào các NH mới, phát triển nghiệp vụ chưa cao và công nghệ kém, chất lượng và nguồn lực thấp... Khả năng huy động và sử dụng vốn kém sẽ làm cho thanh khoản luôn báo động và khi ra thị trường vốn sẽ làm rối loạn thị trường này. Những rủi ro trên chưa tới mức báo động nhưng đối với một số NH thương mại là thật sự khó khăn. Hiện có khoảng 7-8 NH luôn trong tình trạng khó khăn, nếu không được củng cố kịp thời sẽ rất phức tạp.
Kiến nghị mạnh tay loại bỏ những NH thương mại yếu kém của Ủy ban Kinh tế của QH khóa XII là chuẩn xác. Trong kế hoạch tái cấu trúc nền kinh tế cũng có nội dung sắp xếp lại hệ thống ngân hàng, đặc biệt là với những NH thương mại thời gian vừa qua đã bộc lộ khả năng yếu kém. Việc sắp xếp lại này vừa bảo đảm sự lành mạnh của từng NH, đồng thời giải quyết mối quan hệ giữa NH với các lĩnh vực trong thị trường vốn như thị trường bất động sản, chứng khoán, các nghiệp vụ tiền gửi... để bảo đảm sự an toàn của hoạt động hệ thống.
* Ông có cho rằng các NH thương mại yếu kém là tác nhân gây ra cuộc đua lãi suất và bất ổn trên toàn hệ thống hiện nay?
- Đúng vậy. Đua lãi suất phần lớn do các NH đua với nhau chứ bên ngoài làm sao có thể đua được. Khi các NH thương mại yếu kém sẽ dẫn tới mất khả năng thanh khoản. Khi mất thanh khoản lại bị khống chế bởi mức dự trữ bắt buộc thì những NH này không còn cách nào là phải ra thị trường huy động. Huy động vốn bằng bất cứ giá nào sẽ đẩy mặt bằng lãi suất lên cao, dẫn tới cuộc đua lãi suất tiền gửi thời gian qua.
* Nhưng cũng có ý kiến cho rằng nếu loại bỏ những NH thương mại yếu kém có thể dẫn tới phản ứng dây chuyền?
- Mỗi NH yếu kém phải có cách xử lý khác nhau. Như vậy sẽ không xảy ra phản ứng dây chuyền mà còn làm cho hệ thống NH lành mạnh hơn. Muốn vậy, cần tiến hành rà soát lại toàn hệ thống, để nếu NH nào yếu thì có sự trợ giúp; NH nào yếu kém quá, mất khả năng thanh toán lâu dài thì cũng cần sắp xếp lại, thậm chí phải xóa sổ.
* Ông nghĩ sao trước ý kiến cho rằng quy mô nền kinh tế nước ta còn nhỏ nhưng có quá nhiều NH thương mại ?
- Số lượng NH hiện nay so với yêu cầu nền kinh tế và sự phát triển chưa phải là nhiều. Tuy nhiên, điều quan trọng là chất lượng phục vụ, như chất lượng tín dụng, chất lượng thanh toán và tính an toàn chưa cao, vốn cũng chưa lớn. Cần sắp xếp lại hệ thống NH để giảm thiểu tối đa rủi ro và đủ sức cạnh tranh.
* Theo ông, NH Nhà nước đã đủ mạnh tay để loại bỏ những NH thương mại yếu kém?
- Đã làm đâu mà biết mạnh tay hay không! Muốn NH hoạt động có kỷ cương cần phải làm rõ ràng và dứt khoát, không thể nói mà không làm hay làm nửa vời.
Theo Phạm Dương/NLĐ