Trung Quốc càng bị coi là mối đe dọa nếu gây chiến với Nhật Bản

25/09/2012 08:03
Việt Dũng (nguồn báo Hoàn Cầu, TQ)
(GDVN) - “Trung Quốc sẽ không đạt được bất cứ thứ gì từ chiến tranh, thậm chí bị thất bại, theo đó sẽ chưa có chiến tranh Trung-Nhật…”
Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản.
Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản.

Tranh chấp đảo Điếu Ngư/Senkaku tiếp tục phát triển, quan hệ Trung-Nhật vẫn căng thẳng, khiến cho dư luận bên ngoài lo ngại Trung-Nhật sẽ xảy ra chiến tranh. Tuy nhiên, tờ “Bình luận Trung Quốc” Hồng Kông ngày 24/9 dẫn bài viết từ trang mạng của Đài tiếng nói nước Nga chỉ ra, nhiều học giả Nga cho rằng, do Trung Quốc và Nhật Bản hiểu rõ phát động chiến tranh sẽ gây ra tổn thất nghiêm trọng, nên hai bên có cơ hội thông qua đàm phán để giải quyết tranh chấp.

Bài viết cho rằng, Trung Quốc và Nhật Bản sẽ khôi phục đàm phán về tranh chấp đảo Senkaku, hai nước đều đồng ý sẽ không làm cho tình hình căng thẳng tiếp tục leo thang. Gần đây, tranh chấp Trung-Nhật hầu như từng bước hòa dịu, nhưng vẫn chưa hoàn toàn bị loại trừ. Các cuộc biểu tình chống Nhật ở Trung Quốc lần lượt kết thúc, hơn nữa các nhà lãnh đạo hai nước đã không còn tiếp tục phát biểu cứng rắn.

Nhưng, Chính phủ Nhật Bản hoàn toàn không từ bỏ mua 3 hòn đảo trong nhóm đảo Senkaku. Cho dù như vậy, Trung Quốc vẫn kiên trì sở hữu chủ quyền đảo Senkaku, hơn nữa hoàn toàn không có kế hoạch thảo luận vấn đề này trong các cuộc hội đàm trong tương lai.

Rốt cuộc Trung Quốc và Nhật Bản có cơ hội đạt được thỏa hiệp không? Yakov Berger, chuyên gia Phòng Nghiên cứu Viễn Đông, Viện Khoa học Nga giữ thái độ thận trọng đối với vấn đề này. Berger cho rằng, nếu Nhật Bản đưa ra một số nhượng bộ, Trung Quốc và Nhật Bản sẽ có cơ hội đạt được thỏa hiệp.

Thời điểm tranh chấp đảo Senkaku gay gắt nhất đã qua, trong khi đó Chính phủ Trung Quốc đã kêu gọi người dân không nên đi theo hướng cực đoan. Cho nên, Berger cho rằng, nếu hai bên Trung Quốc và Nhật Bản ngồi xuống tiến hành đàm phán, thực sự không muốn xảy ra chiến tranh, hai bên sẽ có cơ hội giải quyết tranh chấp.

Dân Trung Quốc biểu tình chống Nhật Bản, mang theo khẩu hiệu đòi tuyên chiến với Nhật Bản
Dân Trung Quốc biểu tình chống Nhật Bản, mang theo khẩu hiệu đòi tuyên chiến với Nhật Bản

Ferdor Lukyanov, biên tập Tạp chí “Russia in Global Affairs” cho rằng, cho dù thế nào, bảo vệ hòa bình luôn tốt hơn phát động chiến tranh.

Theo Lukyanov, thương mại song phương Trung-Nhật rất phát triển, nếu xảy ra chiến tranh, sẽ gây ra tổn thất kinh tế nghiêm trọng cho hai bên. Ngoài ra, nếu Trung Quốc quyết định phát động chiến tranh, Mỹ sẽ hết sức vui mừng: bởi vì nếu muốn ngăn chặn Trung Quốc trở nên lớn mạnh, biện pháp tốt nhất chính là để cho Trung Quốc rơi vào chiến tranh.

Nhưng ông cho rằng, nếu cuối cùng xảy ra chiến tranh, Trung Quốc sẽ đối mặt với thất bại, cũng hoàn toàn sẽ không đạt được bất cứ thứ gì từ chiến tranh. Hơn nữa, chiến tranh sẽ cản trở Trung Quốc tiếp tục phát triển và dẫn đến càng có nhiều nước coi Trung Quốc là mối đe dọa. Trung Quốc hiểu rõ điều này, cho nên tuyệt đối sẽ không đi đến bước này.

Berger cũng cho biết, sự thực chứng minh, Trung-Nhật xảy ra xung đột đều sẽ bị tổn thất. Trong thời gian nổ ra biểu tình chống Nhật ở Trung Quốc, một số hãng chế tạo ô tô và ông trùm điện tử Nhật Bản phải tạm dừng hoạt động tại Trung Quốc.

Cảnh ngộ của các cửa hàng và hiệu ăn Nhật Bản cũng tương tự. Ngoài ra, do số lượng du khách Nhật Bản giảm mạnh, ngành du lịch Trung Quốc đã bị tổn thất nhất định.

Berger tiếp tục cho rằng, nếu quan hệ Trung-Nhật tiếp tục căng thẳng, hai bên đều sẽ bị tổn thất nghiêm trọng, đặc biệt là Nhật Bản. Lý do là, nền kinh tế Nhật Bản vẫn chưa khôi phục trở lại từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, đặc biệt là sóng thần đã tàn phá các cơ sở năng lượng hạt nhân của Nhật Bản.

Ngoài ra, Trung Quốc là đối tác thương mại chủ yếu của Nhật Bản, có vị thế quan trọng hơn Mỹ. Trung Quốc là thị trường lớn nhất thế giới, Nhật Bản tuyệt đối không muốn mất đi nó.

Tối ngày 21/9/2012, vài chục cảnh sát Nhật Bản đã đổ bộ lên đảo Senkaku khẳng định chủ quyền của Nhật Bản.
Tối ngày 21/9/2012, vài chục cảnh sát Nhật Bản đã đổ bộ lên đảo Senkaku khẳng định chủ quyền của Nhật Bản.

Còn đối với Trung Quốc, Nhật Bản cũng quan trọng tương tự. Berger cho rằng, nếu quan hệ thương mại và đầu tư Trung-Nhật bị cắt đứt, sẽ gây ra tác động nghiêm trọng tới ngành xuất khẩu của Trung Quốc, rất nhiều nhà máy sẽ bị đóng cửa, một số khu vực trong nước đều sẽ biến thành nơi thất nghiệp.

Đài tiếng nói nước Nga chỉ ra, từ sau khi đáy biển lân cận đảo Senkaku được phát hiện có chứa dầu mỏ phong phú, tranh chấp chủ quyền biển Hoa Đông giữa Trung-Nhật nhanh chóng nóng lên.

Viktor Pavliatenko, chuyên gia Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản, Phòng Viễn Đông, Viện Khoa học Nga cho rằng, hai nước Trung Quốc và Nhật Bản tranh giành những mỏ dầu này, nhưng cũng vì những mỏ dầu này, hai nước cũng buộc phải đạt được thỏa thuận với đối phương.

Pavliatenko cho rằng, Trung Quốc và Nhật Bản sẽ triển khai hội đàm về cùng khai thác biển Hoa Đông, bởi vì thực ra ngay từ năm 2008, hai bên đã triển khai công việc theo hướng này. Cùng năm, Trung Quốc và Nhật Bản đều đồng ý cùng khai thác khu vực tranh chấp, thậm chí đã làm tốt việc bố trí công việc.

Nhưng, sau đó sự việc bị bỏ mặc, Trung Quốc và Nhật Bản đều bỏ qua thỏa thuận. Song, Pavliatenko cho rằng, trong tình hình hiện nay, tái khởi động hội đàm sẽ là biện pháp tốt nhất.

Bài viết còn chỉ ra, nếu Mỹ không can thiệp tranh chấp đảo Senkaku, cơ hội gây ra quan hệ căng thẳng Trung-Nhật sẽ giảm mạnh, hai nước sẽ có thể tự quyết định sách lược giải quyết tranh chấp đảo Senkaku trong tình hình không có sức ép từ bên ngoài.

Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc có kế hoạch sử dụng máy bay không người lái theo dõi đảo Điếu Ngư, biển Đông...
Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc có kế hoạch sử dụng máy bay không người lái theo dõi đảo Điếu Ngư, biển Đông...
* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!
Việt Dũng (nguồn báo Hoàn Cầu, TQ)