Tiêm kích đánh chặn MiG-31 được Không quân Nga triển khai tới Bắc Cực

25/09/2012 16:31
NTY (theo RIA Novosti, Izvestia)
(GDVN) - Một phi đội tiêm kích đánh chặn siêu âm MiG-31 sẽ được Nga triển khai tới Bắc Cực
Bộ Quốc phòng Nga sẽ triển khai các tiêm kích đánh chặn tầm xa MiG-31 tới căn cứ không quân ở Bắc Cực Rogachyovo, thuộc đảo Novaya Zemlya vào cuối năm nay để đề phóng chống lại các cuộc tấn công tiềm năng từ phía Bắc, Izvestia trích dẫn nguồn tin quân sự Nga cho biết hôm nay (25/9).

"Phi đội MiG-31 sẽ là thành phần chính của hệ thống phòng thủ tên lửa mà Nga đang phát triển - MiG-31 không chỉ có khả năng đánh chặn các máy bay tấn công của kẻ thù mà còn có thể tiêu diệt các tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân từ biển Barents tới biển Laptev", nguồn tin nói.

Nhà phân tích quân sự Nga Anatoly Tsyganok thì nói rằng, biến thể hiện đại hóa MiG-31BM có tầm xa hoạt động 900 hải lý (1.450 km) bằng nhiên liệu bên trong, máy bay này có thể mở rộng tầm hoạt động tới 3.355 hải lý (5.400 km) khi được tiếp nhiên liệu từ trên không.

Tiêm kích đánh chặn siêu âm MiG-31
Tiêm kích đánh chặn siêu âm MiG-31

Mặc dù Nga chưa hoàn thiện đầy đủ các trạm radar bao bủ các khu vực ở phía Bắc đất nước, nhưng ông Tsyganok giải thích rằng, biến thể 2 người ngồi MiG-31 có thể đánh chặn các mục tiêu từ cự li xa tới 124 hải lý (200 km) nhờ radar tiên tiến và các tên lửa tầm xa của nó.

Tuy nhiên, trước đó, Hiệp hội nghiên cứu và sản xuất Pravdinsky radiozavod Vitaly Orlov tiết lộ rằng, loại radar thế hệ mới mà họ đang phát triển cho máy bay MiG-31 không thể phát hiện ra mục tiêu từ cự  li trên 80 - 90 km, một khoảng cách phát hiện nhỏ hơn rất nhiều lần so với tầm phát hiện 200 km mà Không quân Nga từng tuyên bố.

Các vùng lãnh thổ phương Bắc rộng lớn của Nga hiện chưa có được tầm bao phủ bảo vệ đầy đủ nhất trước các cuộc tiến công đường không tiềm năng của đối phương, do đó khu vực này có nhiều lỗ hổng dễ bị tổn thương nhất.

Các tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân bay từ Bắc Băng Dương qua lãnh thổ phía Bắc có thể xuyên qua hệ thống phòng thủ và tấn công vào các mục tiêu quan trọng ở Ural, miền Tây Siberi và thủ đô Moscow.


Ví dụ, các máy bay ném bom chiến lược như B-2 và B-1B của Không quân Mỹ có thể xâm nhậm vào lãnh thổ Nga và thực hiện các đòn tấn công chóng vánh.

Vì vậy, việc triển khai đơn vị MiG-31 hoạt động độc lập sẽ giúp tăng cường khả năng đánh chặn cũng như bao phủ hầu như toàn bộ khu vực Bắc Cực từ biển Barents tới biển Laptev.

MiG-31 là máy bay tiêm kích đánh chặn có tốc độ nhanh nhất của Nga và có thể chiến đấu ở bất cứ nơi nào trên thế giới, gần đây, Nga cũng đã đưa ra kế hoạch nâng cấp toàn diện các máy bay MiG-31 đời đầu lên chuẩn MiG-31BM hiện đại hơn.

Tuy nhiên, hiện tại Không quân Nga chỉ có tất cả 100 máy bay MiG-31 để triển khai trên tất cả các căn cứ trên khắp nước Nga, vì vậy, việc triển khai phi đội MiG-31 với số lượng bao nhiêu chiếc tới căn cứ   mới sẽ là một vấn đề quan trọng cần được đưa ra thảo luận.

Biến thể máy bay MiG-31 hiện đại hóa được nâng cấp các hệ thống điện tử trên khoang, hệ thống liên kết dữ liệu đường truyền số hóa, một radar đa chế độ, màn hình hiển thị  màu đa chức năng và một hệ thống điều khiển bắn mạnh mẽ. Máy bay có thể theo dõi và tấn công đồng thời tới 10 mục tiêu khác nhau.


Trong đầu năm nay, Lực lượng Không quân Nga nói rằng họ đang kiểm tra một tên lửa không - đối - không tiên tiến mới có tầm bắn xa 222 km.

Theo các nhà phân tích thì tên lửa mới này gần giống như loại tên lửa K-37M (hay còn được gọi là RVV-BD hoặc AA-X-13 theo cách gọi NATO). Tên lửa không - đối - không mới dự kiến sẽ được lắp đặt lên máy bay MiG-31BM, tăng cường khả năng đánh chặn tầm xa và chống lại các tên lửa hành trình.

Một nguồn tin trong Lực lượng Không quân Nga cũng nói rằng, sẽ không có vấn đề gì xảy ra đối với loại chiến đấu cơ đánh chặn siêu âm MiG-31 khi được triển khai tới hòn đảo khí hậu lạnh giá ở Bắc Cực, toàn bộ cơ sở hạ tầng ở sân bay, đường băng mới, cũng như các tiện nghi ở căn cứ Rogachyovo đảm bảo cho các gia đình phi công di chuyển tới đây sinh sống.

MiG-31 là máy bay tiêm kích/đánh chặn siêu âm được Liên Xô phát triển và đưa vào sử dụng từ năm 1981, máy bay này có thể tăng tốc độ cực đại lên tới Mach 2,83 và tầm bay xa 1.450 km, khả năng bao phủ một khu vực rộng lớn tới 5.400km2. 

Trang bị vũ khí hiện tại của MiG-31 bao gồm tên lửa không - đối - không tầm xa R-33, tên lửa không - đối - không tầm trung R-40 và tên lửa không - đối - không tầm gần R-73 để tấn công mục tiêu.
 
Nga cũng đã có Phi đội tiêm kích số 63 được trang bị các chiến đấu cơ Sukhoi Su-27 ở căn cứ không quân Rogachyovo từ năm 1993.
* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!
NTY (theo RIA Novosti, Izvestia)